Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 24/04/2024 | 18:02

Thứ tư, 24/04/2024 | 18:02

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 10:53 ngày 08/05/2020

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH: Trí thức hóa công nhân để tạo sự vững mạnh

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Dương Văn Sao - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương trí thức hóa công nhân và công nhân hóa trí thức để có được sự vững mạnh cho giai cấp công nhân.

Làm cho đội ngũ công nhân vững mạnh

Trong quá trình tìm đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sống trong phong trào công nhân quốc tế ở các nước. Với thực tế đó, Người nhận ra giai cấp công nhân (GCCN) là giai cấp có điều kiện và khả năng làm cách mạng, giành chính quyền. Vì vậy, ngay từ rất sớm, Người đã luôn quan tâm và dành trọn vẹn tình cảm cho công nhân lao động (CNLĐ).

Theo PGS-TS Dương Văn Sao, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê Nin mà còn tích cực đưa những cán bộ đi “vô sản hóa” vào phong trào công nhân. Bởi Người chủ trương trí thức hóa CN và CN hóa trí thức. Có nghĩa, đưa trí thức xuống với CN để vô sản hóa, đưa họ về với CN để rèn luyện cái tác phong, ý thức tổ chức, lập trường tư tưởng của GCCN. Còn đối với CN thì đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa, để biến những người CN thành trí thức. Qua đó, xây dựng đội ngũ CNLĐ vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Bác hiểu rất rõ về đời sống CN. Suốt cuộc đời hoạt động, Bác luôn quan tâm đến cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của CNLĐ. Bác cũng rất quan tâm đến công tác vận động CN và đặt vấn đề phải chú trọng đến đời sống, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật tác phong CN; phải phổ biến tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng để CNLĐ tin và tự giác thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Đặc biệt, dù bận nhiều việc đến mấy, Người cũng dành thời gian đến với CNLĐ. Ngày 16.8.1956, khi nói chuyện với CN Nhà máy diêm Thống Nhất, Người đã nhắc đến mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ chính đáng của NLĐ với những câu từ giản dị: Lợi ích của CN đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người mạnh khỏe thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển, có khả năng cải thiện đời sống của CN và nhân viên.

Trong di chúc, Bác cũng đặt vấn đề phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ phải chú trọng đến tuyên truyền vận động, giáo dục, bồi dưỡng để CN trở thành những cán bộ của Đảng.

Luôn làm theo Bác để CNLĐ được chăm lo

Với tư tưởng của Bác, vào từng thời điểm, đội ngũ CNLĐ luôn được quan tâm về cả đời sống vật chất và tinh thần. Tổ chức CĐ xây dựng nhiều chương trình hoạt động thiết thực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ). Tiêu biểu là Chương trình “Chăm lo lợi ích cho đoàn viên CĐ giai đoạn 2019-2023”.

Với chương trình này, Tổng LĐLĐVN đặt rõ chỉ tiêu về phúc lợi; Lợi ích tinh thần, quyền lợi chính trị cho đoàn viên và NLĐ. Trong đó, hằng năm phấn đấu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa từ 3.000 căn nhà trở lên cho đoàn viên CĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở;  100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và tương đương tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; hỗ trợ chăm lo Tết cho hơn 3 triệu người/năm. Hằng năm có từ 70% trở lên đoàn viên CĐ được tham gia học tập, quán triệt, tiếp nhận, thông tin về các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của địa phương, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động 60% trở lên đoàn viên CĐ ở doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề;  phấn đấu 75% đoàn viên, NLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghỉ mát… do CĐ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

Tại thời điểm này, khi dịch COVID-19 gây khó khăn về việc làm, thu nhập cho NLĐ, tổ chức CĐ đã kêu gọi cán bộ CĐ dành một phần tiền lương (làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) trong một khoảng thời gian nhất định để tạo nguồn kinh phí chia sẻ với khó khăn của đoàn viên, NLĐ có hoản cảnh đặc biệt khó khăn. Cắt giảm các nội dung, hoạt động chưa thực sự cấp thiết để tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, NLĐ, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho CNLĐ. Hiện đã có nhiều lượt CNLĐ thiếu việc, mất việc làm do dịch COVID-19 được các cấp CĐ hỗ trợ tiền mặt, gạo và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày.

Theo Báo LĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 0
  • 0
  • 6
  • 6
  • 7
lên đầu trang