title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Ngành Xây dựng duy trì đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2024
Thứ năm, 10/10/2024 - 18:28
Ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 9 tháng đầu năm 2024, duy trì đà tăng trưởng tích cực và tạo tiền đề cho những tháng cuối năm.
Ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 9 tháng đầu năm 2024, duy trì đà tăng trưởng tích cực và tạo tiền đề cho những tháng cuối năm.
Ngành Xây dựng duy trì đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2024

Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 10/10, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng. Cùng dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Tường Văn, Phạm Minh Hà, Nguyễn Việt Hùng; đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Uỷ viên BCH TLĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng...

Ngành Xây dựng kịp thời tháo gỡ khó khăn và tích cực ứng phó với các vấn đề phát sinh mới

Năm 2024 được xác định là năm bản lề trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng phản ứng trước tình hình thực tế, đảm bảo tính chủ động và linh hoạt trong mọi hoạt động.

Theo báo cáo tại Hội nghị, các đơn vị không chỉ kịp thời tháo gỡ khó khăn và xử lý những tồn đọng mà còn tích cực ứng phó với các vấn đề phát sinh mới. Nhờ vậy, ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 9 tháng đầu năm 2024, duy trì đà tăng trưởng tích cực và tạo tiền đề cho những tháng cuối năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành Xây dựng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,48% so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước tính vượt mốc 43,7%, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong việc quy hoạch và xây dựng các khu đô thị. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%, trong đó tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 02 đô thị đặc biệt đạt 79% trên tổng diện tích đất xây dựng, trong khi quy hoạch chi tiết trên cả nước đạt khoảng 39%.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị.

Đối với nông thôn, tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 98,9%, giảm nhẹ do quá trình sáp nhập đơn vị hành chính tại một số địa phương. Bên cạnh đó, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tăng lên 26,5 m² sàn/người, tăng 0,9 m² so với năm 2023.

Ngành Xây dựng cũng đạt được nhiều tiến bộ trong cung cấp nước sạch, khi 93% dân số đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung, tỷ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 16%, và 18% lượng nước thải được thu gom, xử lý, góp phần cải thiện môi trường sống đô thị.

Ngành VLXD cũng ghi nhận sản lượng ổn định và tăng trưởng ở một số lĩnh vực. Sản lượng xi măng đạt 66 triệu tấn, tiêu thụ nội địa tăng 1%, nhưng xuất khẩu giảm nhẹ 1%, với giá trị xuất khẩu giảm 15%; các loại VLXD khác cũng theo đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành Xây dựng

Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản theo kế hoạch, bao gồm 01 luật, 06 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 thông tư. Đã có 10 văn bản hoàn thành trước tiến độ và 3 văn bản đúng tiến độ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 02 dự án luật là Luật Cấp, thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2025.

Công tác quy hoạch xây dựng đã đạt nhiều kết quả tích cực khi Bộ Xây dựng đã thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt 9 nhiệm vụ quy hoạch và 12 đồ án quy hoạch, đồng thời cho ý kiến đối với 93 nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị.

Công tác quản lý phát triển đô thị có nhiều tiến triển, tính đến hết tháng 8/2024, cả nước có 907 đô thị, bao gồm 02 đô thị loại đặc biệt và 21 đô thị loại I. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Xây dựng đã xây dựng kế hoạch triển khai và đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch vào ngày 03/10/2024 tại Hà Nội. Đồng thời, Bộ cũng đã tham mưu để Thủ tướng ban hành các quyết định công nhận loại đô thị đạt tiêu chí và thực hiện nhiệm vụ tại Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.

Trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đã tiếp tục nghiên cứu thành lập Cổng thông tin giám sát trực tuyến về chỉ số cấp nước và chất lượng nước sạch. Bộ cũng đang triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg về chuyển đổi năng lượng xanh và điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2035.

Thực hiện Chỉ thị và Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các tỉnh tăng cường biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán và thiếu nước. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia và Bộ Ngoại giao trong công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền với Campuchia và Lào.

Thúc đẩy thị trường BĐS và Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH

Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, Bộ Xây dựng đã tích cực nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, tổ chức hội nghị phổ biến nội dung các luật này.

Đối với Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, đã triển khai 619 dự án với 561.816 căn, hoàn thành 79 dự án và khởi công 128 dự án, đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP, 8 ngân hàng đã đăng ký tham gia với tổng vốn lên đến 140.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 34/63 UBND tỉnh công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về tình hình thị trường BĐS, cho thấy giá căn hộ chung cư tăng từ 5% - 6,5% trong Quý II năm 2024, và tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tổ công tác 1435 đã tiếp nhận 188 kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến 203 dự án BĐS.

Bộ Xây dựng cũng đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong công tác quản lý VLXD. Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 711/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030 theo Quyết định số 2171/QĐ-TTg và Chỉ thị số 08/CT-TTg, đồng thời ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Bên cạnh đó, Bộ còn xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD và tổ chức Hội nghị lấy ý kiến từ các Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Bám sát kế hoạch, hoàn thành các mục tiêu trọng yếu 

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Xây dựng đã được giao tổng cộng 190 nhiệm vụ từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 84 nhiệm vụ có thời hạn và 106 nhiệm vụ không có thời hạn. Kết quả thực hiện cho thấy, Bộ đã hoàn thành 90 nhiệm vụ (chiếm 47,37%), 17 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn (chiếm 8,95%).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, đồng thời khẳng định quyết tâm bám sát các kế hoạch của Bộ Xây dựng và Chính phủ nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trọng yếu trong năm nay.

Bộ trưởng đặc biệt đề cao việc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các luật chủ chốt như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước, cùng với các nghị định quan trọng nhằm thúc đẩy sự đồng bộ và minh bạch trong quản lý nhà nước về xây dựng và đô thị.

Bộ trưởng  Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách mạnh mẽ TTHC, đẩy mạnh phân cấp để tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm đặc biệt đối với Luật Kiến trúc, hệ thống dữ liệu quy hoạch và công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý nhà nước về đô thị, cũng như việc tham mưu và triển khai các nghị định về cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước.

Đối với lĩnh vực nhà ở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS và NƠXH, đặc biệt là việc hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai chính sách. Bộ trưởng cũng chỉ đạo việc khẩn trương ban hành chính sách về nhà ở cho người có công, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng ưu tiên.

Về quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng, tiến độ, đồng thời khắc phục các vấn đề tồn đọng ở các dự án trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp trực thuộc chủ động đánh giá lại hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực để vượt qua thách thức và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng chủ động triển khai nhiệm vụ đầu tư công, kiện toàn bộ máy nhân sự để đảm bảo tiến độ và yêu cầu công việc, cũng như yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển công nghệ mô hình thông tin xây dựng (BIM). 

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thị trường BĐS mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và vướng mắc. Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất cho nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, nhưng lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 vẫn cao (8% cho chủ đầu tư và 7,5% cho người mua nhà), cùng với thời gian hưởng lãi suất ưu đãi ngắn hạn, chưa thực sự thu hút người vay.

Ngoài ra, chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu. Việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, còn thiếu chặt chẽ. Nguồn vốn và thủ tục lập quy hoạch còn vướng mắc, gây khó khăn trong việc triển khai.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực VLXD và BĐS, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dòng tiền. Việc tăng giá VLXD và nguyên liệu đầu vào đang gây khó khăn cho nhiều nhà thầu, làm phát sinh thêm chi phí và rủi ro trong quá trình thi công.