Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 24/04/2024 | 02:12

Thứ tư, 24/04/2024 | 02:12

Tuyên truyền

Cập nhật lúc 04:29 ngày 05/09/2019

Ở đâu có doanh nghiệp FDI, ở đó phải có Công đoàn

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phát huy vai trò của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đều có tổ chức Công đoàn.

Cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài

Mục tiêu trên được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

o dau co doanh nghiep fdi o do phai co cong doan
Theo quy định của Nghị quyết 50, doanh nghiệp FDI nào có 25 lao động trở lên phải có tổ chức Công đoàn (ảnh minh họa KTĐT)

Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hóa, xã hội thiết yếu. Cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài còn bất cập, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động và tính chuyên nghiệp…

Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.

Việc phát triển tổ chức và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, Công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn.

Nhận định về những hạn chế, yếu kém nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cụ thể đó là nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội còn chưa đầy đủ, nhất quán; thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc.

Tư duy và định hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Phát huy vai trò của đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp

Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Nghị quyết 50-NQ/TW nêu ra 7 nhiệm vụ, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư; hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài.

Để hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong Nghị quyết, đó là nâng tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.

Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về lao động, việc làm và tiền lương, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Điều chỉnh hợp lý khoảng cách lương tối thiểu giữa các vùng để hạn chế tập trung lao động tại các đô thị lớn, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng. Quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trường mẫu giáo, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao... phục vụ người lao động.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng yêu cầu: Phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có tính đến các yếu tố đặc thù; có hướng dẫn và chỉ đạo rõ về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nội dung sinh hoạt... cho các tổ chức đảng tại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tăng cường gắn kết tổ chức đảng và đảng viên với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua mối quan tâm, mục tiêu phát triển và lợi ích chung. Các cấp uỷ đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát triển đảng trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; lựa chọn, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài và thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phát huy vai trò của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tăng cường đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đều có tổ chức Công đoàn.

Theo LĐTĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 8
  • 3
  • 8
  • 0
  • 3
lên đầu trang