Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:38

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:38

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 10:45 ngày 13/08/2019

Công đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương

Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh Công đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương cho NLĐ.

Tại tọa đàm “Tình hình tiền lương trong các doanh nghiệp Dệt may và điện tử” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Công nhân – Công đoàn, Liên đoàn lao động TPHCM phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến nhìn nhận thực tế hầu hết các thang, bảng lương đều do phía chủ doanh nghiệp đưa ra. Công đoàn cơ sở có khi không đồng ý với thang, bảng lương này, nhưng vẫn phải ký vào để doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu là do Công đoàn cơ sở không có đủ thông tin về cơ cấu tiền lương trong hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tâm lý e ngại khi chính cán bộ Công đoàn cơ sở còn phụ thuộc việc làm, tiền lương do chủ doanh nghiệp chi trả, nên không dám thẳng thắn đấu tranh khi xây dựng thang, bảng lương.

Công đoàn sẽ giữ vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương cho người lao động. Ảnh Nam Dương
Công đoàn sẽ giữ vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương cho người lao động. Ảnh Nam Dương

Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (Khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai) nêu thực tế: “Việc thương lượng về tiền lương với chủ doanh nghiệp là rất khó vì đã trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng và tương ứng với mặt bằng chung các doanh nghiệp khác trong cùng khu vực. Do đó Công đoàn cơ sở chủ yếu là thương lượng với chủ doanh nghiệp về lợi ích”.  

Trong khi đó, ông Ngô Đức Hoàng, Công đoàn Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam (Đồng Nai) chia sẻ kinh nghiệm về việc thương lượng tiền lương tại doanh nghiệp của mình. Theo đó, hàng năm, từ tháng 1, Công đoàn cơ sở  và chủ doanh nghiệp đã thương lượng về tiền lương. Trong quá trình thương lượng, hai bên “trả giá” với nhau. “Nếu Công đoàn không đồng ý với mức chủ doanh nghiệp đưa ra thì không ký vào thang bảng lương, mà sẽ lấy ý kiến của công nhân thông qua các chuyền trưởng và tiếp tục thương lượng cho tới khi để đạt mức tăng tiền lương cao nhất cho người lao động”, ông Hoàng kể.

Điều mà nhiều ý kiến thống nhất là cán bộ Công đoàn phải có kiến thức tốt về pháp luật, kinh tế, nhất là kinh tế lao động và có kỹ năng đàm phán, thương lượng tốt để đàm phán về tiền lương với chủ doanh nghiệp.

Cán bộ công đoàn cần phải bản lĩnh để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ảnh Nam Dương
Cán bộ công đoàn cần phải bản lĩnh để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ảnh Nam Dương

Trên hết cán bộ Công đoàn cần có bản lĩnh vững vàng để đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là trong bối cảnh tới đây sẽ có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động được phép thành lập, hoạt động trong doanh nghiệp.

Theo bà Hà, thống kê cho thấy, gần 90% các cuộc ngừng việc tập thể có nguyên nhân xuất phát từ tiền lương, cho thấy tiền lương là một vấn đề quan trọng trong quan hệ lao động. Trong tương lai, Công đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương lượng tiền lương khi từ năm 2021 Nhà nước sẽ không can thiệp vào vấn đề tiền lương nữa mà để Công đoàn trực tiếp thương lượng với người sử dụng lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chọn ra 24 cán bộ Công đoàn nòng cốt ở 8 tỉnh, thành để đào tạo cơ bản về thương lượng tiền lương trong vòng 2 năm, sau đó những học viên này sẽ tham gia trực tiếp đàm phán, thương lượng tiền lương trong các doanh nghiệp tiêu biểu trong từng ngành nghề, trên cơ sở kết quả đó sẽ lan tỏa ra các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề ở từng địa phương. Đồng thời, các học viên nòng cốt này cũng sẽ trở thành hạt nhân, giảng viên cho các cán bộ Công đoàn khác.

Theo Báo LĐ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 2
  • 9
  • 2
  • 2
  • 1
  • 5
lên đầu trang