Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:04

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:04

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 04:23 ngày 08/08/2019

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phát triển

Việt Nam hiện có khoảng 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí, trong đó có khoảng 50% cơ sở chế tạo lắp ráp, còn lại là các cơ sở sửa chữa đơn thuần. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù có số lượng đông đảo như vậy nhưng các DN vẫn chưa đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước, chưa nói gì đến xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém nội tại của ngành cơ khí là do các điều kiện cần và đủ để phát triển ngành như vật liệu cơ bản, tự động hóa, điện tử, nguồn nhân lực... còn nhiều yếu kém. Trong khi đó, các DN cơ khí lại chưa chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, chưa quan tâm đến việc tiêu chuẩn hóa quốc tế các sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chính vì các DN chưa chú ý và chủ động để phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ nên mặc dù năng lực chế tạo có thể đảm nhận được tỷ lệ nội địa hóa lớn nhưng vẫn phải làm thuê cho nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, bất cập lớn nhất của ngành cơ khí là thiếu tính đồng bộ trong quản lý nhà nước và không có sự lồng ghép hiệu quả với các ngành công nghiệp khác. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích, các ngành công nghiệp chính là đầu ra sản phẩm cho ngành cơ khí. Nếu có cơ chế chặt chẽ lồng ghép, phối hợp giữa các ngành công nghiệp và ngành cơ khí, chí ít mỗi lĩnh vực có khoảng từ ba dự án cơ khí trọng điểm trở lên giao DN trong nước làm chủ, chắc chắn chúng ta đã hình thành được ngành cơ khí chuyên sâu về các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.

Một vấn đề nữa khiến DN cơ khí không có “đất diễn” ngay trên sân nhà là cơ chế đấu thầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là vốn vay, do vậy khiến đầu ra ngành cơ khí “kẹt cứng”. Hàng loạt các sản phẩm có hàm lượng nội địa hóa cao hoặc sáng chế, chế tạo “made in Việt Nam” như máy biến áp, bộ sấy khí các nhà máy nhiệt điện, quạt công suất lớn cho nhà máy xi măng… sản xuất thành công, nhưng vướng cơ chế đấu thầu nên không “len chân” được vào các dự án, sản phẩm làm ra bỏ đấy rất lãng phí. Dẫn chứng tại Cty CP LILAMA 69-1 cho thấy, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Cty đã sản xuất thành công bộ sấy khí cho các nhà máy nhiệt điện, đạt tiêu chuẩn, nhưng khi chào hàng với bên điện lực, hầu hết đều bị từ chối, trong khi đó sản phẩm này vẫn được nhập khẩu về dùng cho các dự án.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đó là thị trường ngày càng được rộng mở do quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu các sản phẩm cơ khí tăng, cùng với đó là các cơ hội tạo ra do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để “đi tắt đón đầu” trong một số lĩnh vực... Bên cạnh đó, việc Việt Nam được đánh giá có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới cũng là cơ hội để ngành cơ khí vươn lên khẳng định vai trò của mình đối với phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia, để ngành cơ khí Việt Nam phát triển, khắc phục được những hạn chế hiện nay, Bộ Công Thương cần ban hành kịp thời các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ, đầu tư và kinh doanh. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội nhằm tạo động lực cho phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành cơ khí, Nhà nước cần tạo lập thị trường ở một số phân ngành, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo.

Theo Báo XD

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 8
  • 0
  • 0
  • 2
lên đầu trang