Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:40

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:40

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 09:48 ngày 01/07/2019

Biên độ của tương phản

Nguồn điện có tốt đến mấy nhưng nếu đem bóng đèn ra giữa trời nắng thì cũng vô ích. Đó là tính tương phản trong đời sống nghệ thuật.

Xưa nay, để ca ngợi cái tốt, phải có cái xấu làm nền. Để xây dựng nhân vật chính diện lên đỉnh cao, người sáng tạo phải có nghệ thuật xây dựng tuyến nhân vật phản diện.

Đời sống nghệ thuật hiện nay, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, đặc biệt là mô hình wed drama (phim chiếu mạng)… cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vậy nhưng sự tương phản dường như đang bị đẩy quá đà. Trong một diễn đàn nghệ thuật được phát sóng trên truyền hình mới đây, nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã bày tỏ lo ngại và lên tiếng rằng: Điện ảnh, phim truyền hình, wed drama của ta hiện nay đang có phong trào khai thác đề tài giang hồ, tội phạm. Đành rằng, xu thế chung là phản ánh thế giới tội phạm để ca ngợi tinh thần, trình độ, bản lĩnh phá án của các lực lượng thực thi pháp luật. Nhưng việc đi sâu quá đà, thậm chí là hư cấu quá mức cần thiết vào hành vi, thủ đoạn, đời sống của các băng nhóm xã hội đen, giang hồ, tội phạm… sẽ gây tác dụng ngược. Khi cái xấu được mô tả quá tường tận, chi tiết từ đời sống gia đình, cộng đồng, xã hội; khi tuyến nhân vật phản diện được đẩy đến tận cùng của những mưu mô, thủ đoạn, hành vi bỉ ổi… thì nó luôn ám ảnh tâm trí công chúng. Chẳng hạn, để nói về nhân vật bà mẹ chồng nhân hậu vị tha, các nhà làm phim lại xây dựng nhân vật nàng dâu quá quắt đến mức bạo hành cả bố mẹ chồng, đi ngược thuần phong mỹ tục. Khi phản ánh thế giới tội phạm thì ngập tràn những cảnh bắn giết tàn khốc, máu me ghê rợn, phản ánh những hành vi tàn độc khiến người xem rùng mình…

Ai cũng biết, nghệ thuật có tính trực quan rất mạnh. Đa phần công chúng đều chịu tác động và ảnh hưởng bởi những tác phẩm, tình tiết điển hình. Khi cái xấu được mô tả quá chi tiết, được hư cấu quá mức cần thiết để gây chú ý, nó sẽ tác động trực tiếp đến thị hiếu cảm thụ của công chúng. Giang hồ, tội phạm chỉ là một bộ phận rất, rất nhỏ trong đời sống xã hội, nhưng trong phim điện ảnh, truyền hình, nhất là wed drama thời gian gần đây, nó lại đang được khai thác như là tuyến nhân vật chính của xã hội. Nhiều diễn viên được bình chọn, trao giải thưởng điện ảnh, phim truyền hình, được công chúng wed drama coi là “thần tượng”… đều là những diễn viên thủ vai giang hồ, tội phạm. “Đời sống xã hội và nghệ thuật của chúng ta hiện nay rất cần những đề tài nhân văn, khai thác yếu tố văn minh, lịch sự để cho khán giả thưởng thức. Đề tài giang hồ, tội phạm, một số người đã làm thành công rồi thì nên dừng lại ở đó. Chúng ta không nên đẩy nó lên thành phong trào trong nghệ thuật. Nó sẽ rất có hại…” một nghệ sĩ, người dẫn chương trình nổi tiếng ở phía Nam đã bày tỏ quan điểm như vậy khi nói về trào lưu nghệ sĩ làm wed drama hiện nay.

Khi nói về đời sống truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh: “Nếu nói cái xấu nhiều để nhân dân cảm nhận nó như dòng chảy chính thì là làm mất lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào chế độ, vô hình trung chúng ta làm mất đi sức mạnh dân tộc mình, làm mình yếu đi, do đó giúp cho kẻ thù mạnh lên. Tìm ra cái ngưỡng phê phán để vừa đủ thúc đẩy, vượt qua cái ngưỡng đó là xói mòn sức mạnh”...

Lấy cái xấu để ca ngợi cái tốt, lấy tiêu cực để khẳng định giá trị tích cực… là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc. Tuy nhiên, cái xấu, cái tiêu cực luôn luôn và mãi mãi chỉ nên đặt nó là yếu tố phụ, làm nền cho cái tốt, cái tích cực tỏa sáng. Vì vậy, nó phải có liều lượng phù hợp, phải xác định rõ biên độ của tính tương phản trong đời sống nghệ thuật. Nếu để cái phụ lấn át cái chính; cái xấu, cái ác phủ trùm lên tác phẩm từ nội dung đến chi tiết, thì sự gây hại của nó là khôn lường.

Theo QĐND

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 8
  • 4
  • 0
  • 9
  • 2
lên đầu trang