Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:32

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:32

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 03:20 ngày 11/06/2019

Đừng thi đua chỉ vì danh hiệu

'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua', câu nói quen thuộc ấy không một người dân nào không ghi nhớ.
Kể từ ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đến nay, câu nói ấy đã trở thành “kim chỉ nam”, là động lực để khơi dậy không ít phong trào, gây dựng nên nhiều điển hình tiên tiến, tạo ra sức lan tỏa rộng lớn, thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống đi lên.
Trong 71 năm qua, từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, các phong trào thi đua đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống. Khó có thể kể hết các phong trào thi đua liên tục ra đời gắn với đời sống kinh tế - xã hội. Có những phong trào xuyên suốt, đã trở thành thương hiệu và cả những phong trào thi đua “ngắn hạn” gắn với các sự kiện cụ thể.
Chính sự phát triển không ngừng của các phong trào thi đua đã tạo ra không ít những gương điển hình tiên tiến. Đây chính là nòng cốt, động lực thúc đẩy phong trào thi đua, thúc đẩy thực thi nhiệm vụ.
Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều tấm gương đáng học tập đã xuất hiện từ phong trào thi đua, như những người nông dân dám nghĩ dám làm, giáo viên hết lòng vì học sinh, trí thức không ngừng sáng tạo, cán bộ kiểu mẫu của dân… Họ có thể rất bình dị trong đời sống, nhưng việc làm của họ lại cao quý và đáng trân trọng.
Gần đây nhất, phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tại Hà Nội, những mục tiêu trong phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” cũng đã được phát đi. Có thể nói rằng, đây là phong trào thi đua rất thời sự hiện nay. Bởi văn hóa công sở vẫn còn nhiều điều phải điều chỉnh.
Thực trạng cán bộ, công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới liên tục được chỉ ra, đã gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận.
Phong trào thi đua lần này với những yêu cầu rất cụ thể hy vọng sẽ tạo sự thay đổi trong môi trường làm việc của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở. Qua đó, xóa bỏ được văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, cả văn hóa không nhúc nhích, văn hóa để nước đến chân mới nhảy, đợi nhắc thì làm, chậm trễ khi xử lý các nhiệm vụ được giao…
Mỗi một phong trào thi đua khi ra đời, không ai có thể phủ nhận thành quả mang lại trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn rằng sự lan tỏa của những điển hình có được từ thi đua trong đời sống vẫn chưa được như mong muốn. Phải làm sao tạo thành một sức lan tỏa rộng lớn để thúc đẩy hơn những điều tốt trong xã hội, loại bỏ những điều chưa tốt vẫn còn là một việc phải lưu tâm.
Hơn thế nữa, tránh tình trạng thi đua kiểu chiều rộng thì tốt, nhưng chiều sâu lại hạn chế; bệnh hình thức nhiều, phát động rầm rộ nhưng theo dõi chỉ đạo, ý thức của mỗi người lại thiếu.
Hay nói khác, thi đua không nên chỉ dừng ở hình thức của một những phong trào, mà tự thân phải có sức sống, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính sát thực, hiệu quả hơn. Thi đua để mang lại sự phát triển mọi mặt, chứ không phải thi đua vì danh hiệu, dù danh hiệu và khen thưởng là cần thiết. Nếu chỉ vì danh hiệu, vì động cơ không trong sáng sẽ làm méo mó thi đua.
Trở lại phong trào thi đua vừa được phát động, dù rằng văn hóa công sở phải là cả quá trình bền bỉ, kiên trì, trau dồi, vun đắp, nhưng hy vọng rằng, qua thi đua lần này sẽ hình thành nên hình ảnh tác phong, cốt cách của người cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực sáng tạo, vì người dân phục vụ, chứ không dừng ở những danh hiệu sẽ được ghi nhận.
Theo Báo mới
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 1
  • 3
  • 5
  • 1
lên đầu trang