Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:23

Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:23

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 03:27 ngày 07/06/2019

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Phải để CĐ cấp trên thương lượng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, nhấn mạnh rằng nếu vẫn để chủ tịch Công đoàn cơ sở hay đại diện của người lao động ở cơ sở mà ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ không bao giờ có được quyền lợi tốt cho người lao động, bởi cán bộ Công đoàn cơ sở hưởng lương từ DN.

ĐBQH Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu

Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Công đoàn hoạt động không lấy khinh phí từ ngân sách Nhà nước

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định thống nhất cao việc phê chuẩn Công ước 98. Ngoài ra, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cảm ơn các ĐBQH đã có những góp ý, đóng góp để tổ chức Công đoàn tiếp tục phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt cái nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Chia sẻ để QH hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước.

"Tuy nhiên, Công đoàn khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác, đó là Công đoàn không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự thu kinh phí để trang trải cho hoạt động của mình cũng như để chăm lo cho người lao động"- ông Bùi Văn Cường nói.

Theo vị ĐB đồng thời là Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, 2% kinh phí công đoàn là một chính sách của Đảng, Nhà nước để tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động của mình. "Vì thế mà hệ thống tài chính của Công đoàn là theo hệ thống dọc. Còn có ý kiến nêu rằng có thể xem xét về 2% đoàn phí, chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Vì trong thể chế chúng ta thì tổ chức Công đoàn cũng thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ Công đoàn thì được xác định là công chức trong hệ thống chính trị" - ông Bùi Văn Cường nói.

Và số tiền của 2% kinh phí Công đoàn, có tới 69% trong số này được để lại cho công đoàn cơ sở, còn 31% dành cho từ cấp trên cơ sở trở lên đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, để trả lương, để tổ chức các hoạt động chăm lo, đại diện, xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ... ở các khu công nghiệp để phục vụ cho người lao động". "Đây là cái mà báo cáo rất rõ ràng với các ĐBQH để chúng ta có một sự chia sẻ, chứ không phải là 2% ấy Công đoàn dùng để làm gì, cái này theo đúng quy định của pháp luật và theo quy định của tài chính"- ông Bùi Văn Cường giải thích thêm.

Đi vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng về thương lượng tập thể khi gia nhập Công ước 98, hiện nay khi thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế. Mới chỉ có hơn 60% DN có tổ chức công đoàn chịu ký kết thỏa ước lao động tập thể. "Như vậy số DN chưa chịu ký kết các thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và chủ sử dụng lao động thông qua tổ chức Công đoàn còn rất nhiều"- ông nói và cho biết tới đây sẽ làm việc với phía đại diện cho chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh các hợp tác xã, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, để ký thỏa ước lao động tập thể khung cấp quốc gia; ký thỏa ước lao động tập thể ngành và sau đó ký thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp" - ông nói.

Hiện nay, theo ông Bùi Văn Cường, luật mới chỉ cho ký thỏa ước lao động tập thể cấp DN và cũng đang có nhưng bất cập. Bởi chủ tịch Công đoàn hưởng lương tại DN và nếu như đấu tranh mạnh cho quyền của người lao động thì "thưa với các ĐBQH, người sử dụng lao động sẽ tìm cách sa thải hoặc tìm cách gây khó dễ".

Vì thế luật cần phải thiết kế giống như các nước, quốc gia trên thế giới là Công đoàn cấp trên tức là cái tổ chức người lao động cấp trên sẽ tham gia vào câu chuyện thương lượng ký kết này thì mới có thỏa ước lao động tập thể tốt, nhất là tới đây từ 2021 chúng ta sẽ thực hiện nghị quyết về tiền lương mới, thì người sử dụng lao động và đại diện của người lao động sẽ thỏa thuận về tiền lương.

"Nếu vẫn để chủ tịch Công đoàn cơ sở hay đại diện của người lao động ở cơ sở mà ký kết thỏa ước lao động tập thể thì thưa với các đại biểu là không bao giờ có được quyền lợi tốt cho người lao động" - ông Bùi Văn Cường bày tỏ

Công đoàn đã và đang đổi mới để đáp ứng yêu cầu mới

Còn ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng việc chúng ta gia nhập Công ước 98 là việc rất cần thiết.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng đồng tình với một số ý kiến của một số ĐB, tuy nhiên ông xin báo cáo thêm mấy vấn đề. Trước tình hình mới, những năm gần đây Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã tập trung đổi mới, đặc biệt là chúng tôi quan tâm tới chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Trong đó, công tác đối thoại và thương lượng tập thể được đặc biệt quan tâm.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết khuyến nghị của quốc tế, không cho phép chúng ta lựa chọn lãnh đạo DN làm cán bộ Công đoàn mà phải là lao động sản xuất trực tiếp. Nhưng trên thực tế hiện nay những công nhân trực tiếp sản xuất, hầu hết trình độ, năng lực rất hạn chế. Tuy nhiên trong thương lượng là bình đẳng, vì vậy người lao động luôn ở thế yếu. Vì vậy, việc thiết kế pháp luật, thanh tra, kiểm tra đê đảm bảo chất lượng thượng lượng thực tế là vấn đề cần quan tâm.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị cần tăng cường hơn nửa hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, cả về pháp luật lao động, pháp luật đầu tư. "Chứ thời gian qua, tình trạng chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn để lại những hậu quả rất nặng nề, mất niềm tin của người lao động"- ông nói.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp ba bên gồm: Cơ quan quản lý - Tổng LĐLĐ Việt Nam - VCCI để chăm lo, bảo vệ người lao động trước yêu cầu mới.
Riêng với tổ chức Công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết cũng sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động. Hiện nay tổ chức Công đoàn đã trình cơ quan có thẩm quyền về Đề án đổi mới hoạt động, với rất nhiều chương trình bám sát với yêu cầu của CPTPP cũng như đổi mới Công đoàn Việt Nam trước yêu cầu của tình hình hiện nay.
"Chúng tôi cũng đề xuất, trước bối cảnh mới của công đoàn, một vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử 90 năm Công đoàn Việt Nma. Rất mong các cấp ủy, chính quyền, các bộ ngành sẽ cùng quan tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề về tổ chức Công đoàn"- ông nói.
"Những vấn đề của Công đoàn trong hiện tại và tương lai đang dự báo tiềm ẩn chúng ta chưa thể lường trước, cho nên nếu một mình Công đoàn sẽ rất khó khăn. Do đó, sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của Chính phủ, các ngành các cấp nhất là địa phương có đông công nhân lao động, tình hình quan hệ lao động phức tạp là điều rất cần thiết cùng hỗ trợ chúng tôi để đồng hành để chúng ta hướng tới mục tiêu chung"- ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo baomoi.com
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 5
  • 3
  • 2
  • 1
lên đầu trang