Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 24/04/2024 | 15:29

Thứ tư, 24/04/2024 | 15:29

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 04:26 ngày 06/06/2019

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng

Sáng 05/6, theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời các vấn đề liên quan đến ngành Xây dựng. Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về lĩnh vực của ngành.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. (Ảnh: Quốc hội)

Rà soát quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ Dự án KĐT Mê Linh

Tiếp tục phiên trả lời chất vấn vào sáng 5/6, về câu hỏi của ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) liên quan đến 2 nội dung về nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình dân dụng, các dự án công trình cấp đặc biệt… tiến độ dự án khu đô thị (KĐT) Mê Linh, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Vấn đề thứ nhất, cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thẩm định thiết kế các công trình cấp đặc biệt, nhà ở từ 25 tầng trở lên. Theo quy định của Luật Xây dựng thì một trong các căn cứ thẩm định là:

Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 (đối với các công trình tập trung) và giấy phép quy hoạch (đối với các công trình riêng lẻ trong khu vực chưa có quy hoạch 1/500). Các quy hoạch, giấy phép quy hoạch do địa phương phê duyệt. Vì vậy, nếu quy hoạch và giấy phép quy hoạch không phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy chế xác định chiều cao khu vực nội đô do UBND TP Hà Nội dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng với mật độ cao gây nhiều hệ luỵ là trách nhiệm của địa phương.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm chưa thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm chất lượng quy hoạch và đẩy mạnh kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch.

Trả lời về những vấn đề liên quan đến KĐT thuộc huyện Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có sự thẩm định của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Dự án đầu tư KĐT Mê Linh được lập năm 2004, theo quy định pháp luật tại thời điểm này, dự án do Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó chính quyền địa phương lập quy hoạch chi tiết và xúc tiến đầu tư. Đến năm 2008, huyện Mê Linh được sáp nhập vào TP Hà Nội và TP Hà Nội đã rà soát bảo đảm sự phù hợp quy hoạch khu vực này với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở đó phê duyệt quy hoạch phân khu N1 (trong đó có huyện Mê Linh). Các công việc này cũng mất thêm một số thời gian.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án đô thị Mê Linh, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị TP Hà Nội đầu tư một số công trình giao thông kết nối khu vực này với khu vực lân cận; Rà soát, điều chỉnh bố trí tổng mặt bằng khu đô thị (nếu cần thiết) phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt; Rà soát năng lực các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đủ vốn để thực hiện dự án được giao.

Về câu hỏi của Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) về tình trạng mua bán đất tại các dự án bất động sản (BĐS) trên giấy tờ theo hình thức hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Hiện nay, quy định pháp luật về điều kiện để chủ đầu tư mở bán căn hộ đã đầy đủ, tuy nhiên vẫn có một số chủ đầu tư vi phạm.

“Về giải pháp, chúng tôi đề nghị các Sở Xây dựng địa phương cần tăng cường quản lý, kịp thời có văn bản thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh khi các chủ đầu tư yêu cầu; Chính quyền địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm (phạt tiền, các biện pháp hành chính kèm theo), nếu vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn thì xử lý theo pháp luật hình sự theo quy định”, Bộ trưởng nói.

Đảm bảo chỗ ở an toàn cho hơn 2,5 triệu dân

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về việc tiến hành quy hoạch nhà ở và khu dân cư cho đồng bào khu vực lũ lụt và lở đất, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương phải có chính sách hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho người dân ở các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Để cụ thể hoá chủ trương này, Chính phủ đã ban hành và thực hiện: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn (bao gồm cả khu vực bị tác động thiên tai); Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra còn có Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Đến nay, đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hơn gần 650.000 căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho khoảng hơn 2,5 triệu người dân.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng Đề án di dân khẩn cấp các vùng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, sạt lở, xác định cụ thể số hộ dân bị ảnh hưởng, tiêu chí cụ thể cho việc di dời khẩn cấp và các vùng, khu vực bố trí tái định cư phù hợp cho nhân dân, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về phương án giải quyết quyền lợi cho những nhà đầu tư thứ cấp trong mua bán các dự án BĐS, Bộ trưởng cho biết: Trường hợp các dự án BĐS vi phạm bị dừng triển khai, chủ đầu tư phải đền bù quyền lợi của các nhà đầu tư thứ cấp đã đầu tư vốn vào dự án đó, đã đóng tiền để nhận chuyển nhượng đất đai trên cơ sở hợp đồng kinh tế đã ký giữa nhà đầu tư thứ cấp với chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không đủ khả năng để thanh toán cho nhà đầu tư cấp một thì phải phát mại tài sản thế chấp hoặc cưỡng chế thu hồi tài sản của chủ đầu tư cấp 1 theo quy định của pháp luật.

Về câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Bộ trưởng cho biết: Sau khi rà soát, để bảo đảm xử lý ngay các bất cập trong quản lý hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao: Bộ Xây dựng hoàn thành quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy chế quản lý căn hộ văn phòng trong năm 2019; Bộ Tài nguyên & Môi trường hoàn thành hướng dẫn chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận trong năm 2019; Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch hoàn thành quy chế quản lý căn hộ du lịch (condotel) trong năm 2019.

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các luật liên quan sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong phần trả lời Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang).

Về việc chiếm dụng phần diện tích sử dụng chung, Bộ trưởng Hà cho biết: Việc này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã biết và đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, trong đó, đã có quy định xử phạt hành vi vi phạm “Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư” đối với chủ đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 66, theo đó, ngoài việc xử phạt bằng tiền từ 250 - 300 triệu đồng, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo dự án được duyệt.

Trên thực tế, năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,5 tỷ đồng và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 20 chủ đầu tư có hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung.

Về việc lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư, Bộ trưởng Hà khẳng định: “Qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư”.

“Theo báo cáo năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 92 dự án nhà chung cư và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,3 tỷ đồng và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 11 chủ đầu tư không bàn giao, chậm hoặc bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị. Hiện chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra hình sự”, Bộ trưởng Hà nói.

Chiều cao tầng khu vực trong đô thị phải tuân thủ quy hoạch chung

Trả lời Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) về việc điều chỉnh mật độ xây dựng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quan điểm của Bộ Xây dựng là: UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải thực hiện việc điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao tầng của các khu vực trong đô thị phải tuân thủ quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong trường hợp do đòi hỏi của thực tiễn cần phải điều chỉnh thì phải lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Đồng thời tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nhất là giao thông) để đáp ứng yêu cầu.

Về hiện tượng nhà đầu tư BĐS nước ngoài, người nước ngoài móc nối với một số bộ phận người Việt Nam mua bán, chuyển nhượng BĐS trái phép, Bộ trưởng Hà cho rằng: Pháp luật đã có quy định về việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo quy định pháp luật, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã hướng dẫn thực hiện quy định về khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng để quản lý về vấn đề nêu trên. Trong đó có quy định về khu vực được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

“Theo quy định pháp luật hiện hành, không cho phép người Việt Nam đứng tên thay người nước ngoài mua nhà ở. Tuy nhiên, theo Bộ Công an đánh giá, trên thực tế đã có hiện tượng này nhưng chưa nắm được số lượng, danh tính cụ thể”, Bộ trưởng Hà cho biết.

Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp cụ thể: Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các địa phương làm rõ tình hình và đề xuất hướng xử lý. Đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, nắm chắc tình hình giao dịch BĐS, tình hình cư trú của người nước ngoài ở địa phương để có giải pháp khắc phục.

Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Thông tư 02 về quy chế quản lý vận hành nhà chung cư

Trả lời Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc quản lý nhà chung cư, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng: Việc khắc phục các hạn chế về công tác quy hoạch trong đó có việc điều chỉnh quy hoạch tràn lan gây nhiều hậu quả xấu và hạn chế trong quản lý nhà chung cư đã được Bộ Xây dựng trình bày cụ thể trong báo cáo đã gửi các vị Đại biểu Quốc hội, trong đó đã nêu rõ nhiệm vụ của các cơ quan quản lý. Tuy có thể chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu của Đại biểu nhưng cũng đã rõ ràng và nếu thực hiện tốt các giải pháp đó cũng sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực trong các vấn đề nêu trên.

“Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Thông tư 02 về quy chế quản lý vận hành nhà chung cư trong năm 2019. Các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Nhà ở 2014 thì sẽ thực hiện theo Chương trình của Quốc hội”, Bộ trưởng Hà nói.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tổng thể chính sách NƠXH

Về các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội (NƠXH), Bộ trưởng Hà đưa thực tế, hiện nay việc phát triển nhà ở cho thuê (kể cả NƠXH và nhà ở thương mại giá thấp) chưa phát triển, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích khi chủ đầu tư đầu tư NƠXH chỉ để cho thuê như: Được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu đãi vay vốn đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm (tối đa không quá 20 năm), hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên trong thời gian gần đây ở TP Hồ Chí Minh xu hướng thuê nhà đã tăng lên đáng kể. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục quy định cụ thể hơn về diện tích căn hộ, tiện nghi tối thiểu phù hợp với yêu cầu của người thuê. Đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách phát triển NƠXH phù hợp với điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp: “Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tổng thể chính sách NƠXH để trình cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chính sách NƠXH cho thuê”.

Dừng thực hiện các dự án vi phạm điều chỉnh quy hoạch

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, để ngành Xây dựng tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Về điều chỉnh quy hoạch tùy tiện các đô thị hiện nay, có nhiều ĐBQH chất vấn. Điều chỉnh quy hoạch là một nội dung của hoạt động quy hoạch, cũng là một nội dung của quá trình thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, do yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch, do Nhà nước yêu cầu phải điều chỉnh, do chất lượng quy hoạch kém. Thứ hai, điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu, do quy hoạch không phù hợp với quyền lợi của người dân. Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch do nhà đầu tư, nhưng các đại biểu và cử tri bức xúc về việc điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, chạy theo nhà đầu tư: Nâng tầng chiều cao, nâng mật độ xây dựng, giảm không gian công cộng, tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, đến an toàn cho người dân tại các khu vực này và cần phải khắc phục”.

Chia sẻ về biện pháp khắc phục quy hoạch tuỳ tiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Biện pháp khắc phục, yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các địa phương trong thanh tra, kiểm tra xem xét lại việc quy hoạch điều chỉnh vi phạm tiêu chuẩn. Cho dừng thực hiện các dự án vi phạm điều chỉnh quy hoạch. Khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Dân muốn làm nhà, không được vì vướng quy hoạch, dân muốn chuyển đi…

Theo Báo Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 9
  • 7
  • 3
  • 3
  • 9
lên đầu trang