Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:56

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:56

Thời sự

Cập nhật lúc 05:37 ngày 14/05/2019

DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG SỬA ĐỔI: Đề nghị bổ sung bữa ăn ca vào nội dung thương lượng tập thể

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) ở thời điểm hiện nay chưa đặt ra vấn đề bữa ăn ca của NLĐ. Tuy vậy, xuất phát từ thực tiễn, Tổng LĐLĐVN đề xuất bổ sung bữa ăn ca vào nội dung thương lượng tập thể; đồng thời, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng bữa ăn cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho CN.

Khó kiểm soát chất lượng bữa ăn ca vì chưa có chế tài

Bữa ăn ca là vấn đề thực tiễn cấp bách được đặt ra trong những năm qua, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và khả năng tái tạo sức lao động của NLĐ. Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25.2.2016 của Tổng LĐLĐVN “về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, đến nay, tỉ lệ DN có hình thức hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ đạt 90,3%; có 2.281 CĐCS đối thoại, thương lượng nâng giá trị bữa ăn ca lên từ 15.000 đồng/người.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, 90% khẩu phần bữa ăn ca của NLĐ bị thiếu so với nhu cầu tái tạo sức lao động. Chất lượng lương thực, thực phẩm và điều kiện chế biến chưa đảm bảo dẫn đến nhiều vụ ngộ độc tập thể trong CN; nhiều vụ đình công xảy ra do bữa ăn ca không đảm bảo. Nguyên nhân là nhiều DN, cơ sở chế biến chưa quan tâm, thiếu kiểm tra giám sát, cắt xén quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, chưa có quy định pháp luật và chế tài xử lý về vấn đề này khiến người lao động gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi, các cơ quan chức năng không kiểm soát được chất lượng bữa ăn ca.

Do vậy, Tổng LĐLĐVN đề nghị bổ sung bữa ăn ca vào nội dung thương lượng tập thể bắt buộc trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); đồng thời, quy định DN đảm bảo và chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho CN.

Mang lại quyền lợi thiết thực cho NLĐ

Chị Nguyễn Thị Vinh (CN đang làm việc tại KCN Đình Trám, Bắc Giang) cho rằng, việc bữa ăn ca không có trong quy định của pháp luật nên phụ thuộc vào “lòng tốt” của DN và khả năng thương lượng của hai bên.

“Theo tôi, việc đưa bữa ăn ca vào nội dung thỏa ước lao động tập thể là rất cần thiết, mang lại quyền lợi thiết thực cho CN, giúp CN yên tâm hơn khi làm việc tại Cty. Hơn nữa, đây cũng là căn cứ để NLĐ yêu cầu, đấu tranh với Cty nếu thấy rằng bữa ăn ca của mình không đảm bảo theo như cam kết của Cty. Nếu Cty không đưa bữa ăn ca vào TƯLĐTT hoặc có đưa vào nhưng không thực hiện đúng thì là vi phạm pháp luật. Điều đó tạo áp lực mạnh mẽ hơn để các DN phải thực hiện tốt bữa ăn ca nói riêng cũng như chăm lo tốt hơn cho NLĐ nói chung”- chị Vinh cho biết.

Ông Ngô Quyết Thắng - Chủ tịch CĐ Công thương tỉnh Bắc Giang - đồng tình với đề xuất của Tổng LĐLĐVN rằng cần “luật hóa” nội dung bữa ăn ca. “Nếu đưa nội dung này vào luật thì tình hình này sẽ cải thiện”- ông Thắng nói.

Theo Báo LĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 8
  • 2
  • 3
  • 6
lên đầu trang