Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:18

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:18

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 07:28 ngày 07/05/2019

Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự hội tụ của ý Đảng - lòng dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh TL.

Có những tác phẩm tái hiện sống động khí thế hào hùng, từng bước đi vững chắc của Chiến dịch, đến niềm vui tưng bừng khôn xiết của ngày hội toàn thắng; có những tác phẩm bộc lộ tâm trạng, những lời thú nhận cay đắng của đối phương, để lại nỗi đau sâu sắc cho kẻ thất trận, ngay cả khi cuộc chiến đã lùi vào quá khứ 65 năm. Cũng có không ít tác phẩm, bài viết, chứa đựng biết bao lời hay, ý đẹp của bạn bè quốc tế gần xa về “sức mạnh kỳ diệu Việt Nam”, về “chiến thắng của ý chí, lương tri, phẩm giá và trí tuệ Việt Nam”...

Tuy nhiên, cũng có cả những ý kiến lạc lõng hòng cố tình hạ thấp thắng lợi này khi coi đó là một sự “ăn may”, hay chỉ là “sự hiểu lầm nội bộ dân tộc”... Chính vì vậy, việc khẳng định lại chân giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 cũng như nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch là điều cực kỳ cần thiết để góp phần giúp cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau hiểu đúng về lịch sử, luôn nêu cao ý chí độc lập tự chủ, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, biết kế thừa, phát huy xứng đáng truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của bọn đế quốc thực dân. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hoà bình để dựng xây đất nước, thì thực dân Pháp lại trở mặt và quyết tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nền hoà bình mỏng manh của đất nước đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, kiếp sống nô lệ có nguy cơ quay trở lại với dân tộc ta. Với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn cuộc chiến tranh vô nghĩa đối với cả hai dân tộc. Song mọi cố gắng, nỗ lực của ta đều không được phía Pháp đáp lại.

Chúng ta muốn hòa bình, thực dân Pháp càng lấn tới, ngày 20-11-1946, quân Pháp mở cuộc tiến công đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn, đổ bộ lên Đà Nẵng. Ngày 16-12-1946, những tên trùm thực dân Pháp ở Đông Dương đã họp tại Hải Phòng bàn triển khai kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực Bắc vĩ tuyến 16. Ngày 17 và 18-12-1946 tại Hà Nội, quân Pháp đã tàn sát thảm khốc đồng bào ta ở các phố Yên Ninh, Hàng Bún. Chúng ngang nhiên tuyên bố đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội, đòi kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô...

Lịch sử đã đặt dân tộc ta trước một sự lựa chọn mới. Khả năng hòa hoãn không còn. Địch đã công khai tuyên bố chúng sẽ hành động sáng ngày 20-12-1946 nếu Chính phủ ta khước từ những điểm nêu trong tối hậu thư của chúng. Trong bối cảnh lịch sử đó, Trung ương Đảng đã kịp thời hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến và chủ động mở cuộc tổng giao chiến trước khi thực dân Pháp thực hiện màn kịch đảo chính quân sự ở Hà Nội vào ngày 20-12-1946 như chúng đã nêu trong tối hậu thư gửi cho Chính phủ ta trong những ngày 18, 19.

Thay mặt Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, với quan điểm: “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”[1]

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam, làm cho cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vì độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau tám năm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1953) quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã liên tiếp làm thất bại từng kế hoạch chiến lược của địch, từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, kế hoạch phong toả biên giới và “làm chủ vùng đồng bằng”, đến kế hoạch “giành lại quyền chủ động chiến lược”.

Thất bại dồn dập về quân sự, hao tốn về tài chính, buộc thực dân Pháp phải dựa hẳn vào Mỹ, xin thêm nhiều viện trợ để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược với mong muốn giành thắng lợi quân sự để kết thúc chiến tranh trong danh dự. Kế hoạch Nava, một kế hoạch điên cuồng đầy tham vọng của cả Pháp và Mỹ ra đời trong bối cảnh ấy. Mục tiêu của kế hoach là giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng để kết thúc chiến tranh có lợi cho cả Pháp và Mỹ.

Tuy nhiên, cái gì đến rồi sẽ phải đến. Dù đã rất cố gắng, nỗ lực, lại được sự hậu thuẫn đắc lực từ phía Mỹ, nhưng kế hoạch Nava cũng không sao tránh khỏi số phận thất bại. Với hy vọng giành lại chủ động trong thế bị động, Nava chủ quan và liều lĩnh đổ thêm quân tinh nhuệ của Pháp xuống Điện Biên Phủ và quyết tâm xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Theo đó, quân địch chiếm đóng ở đây với quân số lúc cao nhất là 16.200 tên, gồm những đơn vị tinh nhuệ, bố trí trong 49 cứ điểm, chia làm ba phân khu; bắc, nam và trung tâm, với một hệ thống công sự dày đặc. Ỷ vào thế mạnh về quân sự, vào ưu thế của vũ khí, thực dân Pháp và cả đế quốc Mỹ đều đi đến một nhận định Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại, là nơi “nghiền nát chủ lực đối phương”.

Phân tích cục diện trên chiến trường, sau khi nghe báo cáo của Tổng quân uỷ, tại phiên họp ngày 6 - 12 - 1953, Bộ Chính trị kết luận: “Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về ta, với chất lượng đã đươc nâng cao thêm một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị, kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cải cách ruộng đất, sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định bảo đảm cung cấp cho chiến dịch”.

Từ nhận định đó, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình” và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng quân uỷ. Bộ Chính trị ra nghị quyết thành lập Đảng uỷ mặt trận và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch làm Bí thư Đảng uỷ. Giao nhiệm vu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ nói: ‘Tướng quân tại ngoại”… “Giao cho chú toàn quyền quyết định. Chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh…”.

Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, khi bước vào chiến dịch, quân và dân ta phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách mới nảy sinh. Trước hết là tại chiến trường Điện Biên Phủ, tình hình địch đã có nhiều thay đổi, không giống như thời điểm Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến (tháng 12 - 1953). Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có.

Vấn đề đặt ra là có hay không triển khai thực hiện phương án tác chiến đã được Bộ Chính trị phê duyệt? Nếu đánh thì  không bảo đảm chắc thắng như lời căn dặn của Bác Hô, nếu hoãn thì sẽ giải quyết ra sao khi pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều đã có mặt ở tuyến xuất phát xung phong? Với trọng trách của một người được Đảng và Bác Hồ giao phó, trên cơ sở kiểm tra khảo sát thực tế những thay đổi của địch tại Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh quyết định “hoãn trận đánh”, thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Điều đó cũng có nghĩa là toàn bộ kế hoạch tác chiến phải chuẩn bị lại từ đầu, các đơn vị pháo binh sẽ phải kéo pháo ra khỏi trận địa, các đơn vị bộ binh sẽ phải rút quân khỏi vị trí xuất phát xung phong về vị trí tập kết…

Mặc dù đó là một quyết định khó khăn nhất trong đời như lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và cũng là vấn đề vô cùng phức tạp đối với cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng có liên quan, nhưng để bảo đảm nguyên tắc chắc thắng như chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, tất cả đều  tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của người chỉ huy. Quá trình thực hành tác chiến theo phương châm mới, cán bộ, chiến sĩ ta dù phải “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt; máu trộn bùn non…”, nhưng “gan không núng, chí không mòn”, tất cả đều đồng tâm hiệp lực, ra sức thi đua giết giặc lập công. Đó là một biểu hiện sinh động của ý Đảng - lòng dân ngay tại nơi sảy ra chiến sự.

Hình ảnh có liên quan

"Lòng quyết tâm còn cao hơn núi". Bộ đội ta kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Ảnh TL  

Khó khăn tiếp theo là làm sao để bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong khi chiến trưởng ở rất xa hậu phương, mà đường tiếp tế thì độc đạo? “Đánh nhanh, thắng nhanh” bảo đảm đã khó, nay chuyển phương châm và kế hoạch tác chiến, khó khăn càng tăng thêm gấp bội. Theo số liệu tổng kết của Tổng cục Hậu cần, lượng gạo huy động cho chiến dịch là 25.056 tấn, ở tuyến chiến dịch, yêu cầu lương thực bình quân phải đáp ứng lên tới 90 tấn/ngày. Ngay tại Điện Biên Phủ phải có 50 tấn/ngày.

Để giải quyết vấn đề khó khăn đó, Bộ Chính trị chủ trương: “toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[2]. Thực hiện chủ trương của Đảng, Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương đã được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo các ngành kinh tế, tài chính ở Trung ương dốc sức chi viện cho tiền tuyến. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh vào Thanh Hoá là vùng đông dân nhiều gạo, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về chiến trường quen thuộc đồng bằng Liên khu III trực tiếp phổ biến nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực, vật lực, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng cung cấp mặt trận, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước hăng hái đóng góp lương thực, thực phẩm, phương tiện và sẵn sàng đi dân công, vận chuyển nhu yếu phẩm ra mặt trận phục vụ bộ đội. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nhiều nơi mới được giải phóng, còn rất thiếu thốn, nhưng đã tích cực đóng góp cho chiến dịch. Có những nơi như huyện Tuần Giáo, là vùng có chiến sự, còn nhiều khó khăn, cấp trên không chủ trương huy động đóng góp, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, đồng bào nơi đây vẫn hăng hái đóng góp cho chiến dịch 1.200 tấn gạo, 300 tấn thịt và gần 100 tấn rau. Ở Liên khu IV, chủ yếu là tỉnh Thanh Hoá đã huy động được hơn 8.000 tấn lương thưc, 2.000 tấn thức ăn khô. Liên khu Việt Bắc 7.311 tấn lương thực, riêng tại Lai Châu là 2.266 tấn. Ở Liên khu III, tuy còn nhiều vùng bị địch chiếm, cũng huy động được 1.183 tấn gạo, 57 tấn muối. Là nơi trực tiếp chiến đấu với địch, nhân dân Điện Biên Phủ cũng đóng góp được 555 tấn lương thực, vượt mức trên giao 64 tấn, 226 tấn thịt, vượt mức 43 tấn.

Toan canh chien dich Dien Bien Phu qua 35 buc anh (1)-Hinh-7

Dân công hỏa tuyến thồ gạo ra chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh TL

Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để vận chuyển một khối lượng lương thực, thực phẩm khổng lồ từ hậu phương ra tiền tuyến? Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “phải coi công tác giao thông vận tải là công tác trọng tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”. Trung ương Đảng ra chỉ thị: “dân công cần thiết trong thời gian sắp tới là việc trọng yếu bậc nhất… Cho nên, Liên khu và tỉnh phải giải thích sâu rộng trong nhân dân để nhân dân tự giác ra sức phục vụ kháng chiến, phục vụ tiền tuyến”[3].

Thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng dân công của các địa phương đã được huy động đủ đáp ứng yêu cầu chiến dịch. Liên khu III tổ chức mỗi đoàn từ 300 đến 500 người. Tỉnh Hoà Bình huy động 5.000 dân công làm đường. Huyện Mỹ Đức (Hà Đông) mới được giải phóng nhưng đã có 800 người tình nguyện đi dân công phục vụ chiến dịch. Huyện Gia Viễn (Ninh Bình) huy động được đội xe đạp thồ 150 chiếc làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực. Tính chung trong chiến dịch, ngoài 16 đại đội ôtô vận tải của quân đội, các phương tiện thô sơ của các địa phương là lực lượng hết sức quan trọng và hiệu quả vận chuyển vật chất cho chiến dịch. Điển hình là hơn 2 vạn xe đạp thồ của các địa phương - một phương tiện vận tải độc đáo trong chiến tranh nhân dân ở Việt nam. Ngoài việc tham gia vận tải gạo, đạn cho chiến trường, lực lượng dân công còn tích cực tham gia vận chuyển thương binh ra hậu cứ để cứu chữa, trực tiếp vào tận chiến hào để phục vụ chiến đấu.

Tổng kết toàn chiến dịch, khối lượng vật chất của nhân dân cả nước huy động cho chiến dịch là 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác,… Huy động 216.451 lượt dân công bằng 12 triệu ngày công. 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng.[4] Vậy là, vấn đề khó khăn nhất và cũng là bài toán hóc búa nhất trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được hoá giải bằng chính sức mạnh và sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đánh giá về kỳ tích này, tướng Pháp Y.Gra nhận xét rất đúng rằng “Cả dân tộc Việt Nam đã tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ tham mưu Pháp”[5].

Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: TTXVN

Như vậy, sau chín năm làm theo lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, đảng phái, dân tộc… đều nhất tề đứng dậy với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đã kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó đoàn kết là nhân tố quan trọng hàng đầu đưa đến thắng lợi của quân và dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ có sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ”.

Còn từ phía bên kia, người trực tiếp đề xuất và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Nava cũng phải thừa nhận: “Về mặt chính trị…sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm ở trong tinh thần dân tộc và cả xã hội. Còn chúng ta, chưa bao giờ ta có tính liên tục của những người lãnh đạo. Suốt bảy năm nay (1946 – 1953) đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất là Hồ Chí Minh và Tổng Chỉ huy quân sự duy nhất là Võ Nguyên Giáp, trong khi chúng ta thay đổi liên tục 19 chính phủ, 5 cao uỷ Đông Dương… 6 tổng chỉ huy mà tôi là người thử 7… Một yếu tố nữa trong vị trí chính trị của chúng ta là sự chia rẽ nội bộ ở các nước liên kết, rồi đến chia rẽ giữa các lợi ích của Pháp ở các nước này”, trong khi phải “đối diện với một kẻ thù rất thống nhất về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến mục tiêu bằng mọi cách, còn chúng ta lại là một mặt trận không đoàn kết, có những khuynh hướng không rõ rệt và phân hoá, không có quyết tâm hoàn thành”[6].

 Ôn cố tri tân. Nếu trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ý Đảng, lòng dân đã kết thành một khối thống nhất để làm nên thắng lợi, tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm huy hoàng của dân tộc ta, thì truyền thống đó rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, việc động viên, tổ chức và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có thuận lợi hơn vì khi đó mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu, vấn đề bạn - thù, địch - ta phân biệt rõ ràng; mọi giai tầng trong xã hội đều có mục tiêu chung là độc lập, thống nhất của dân tộc, tự do của nhân dân. Mâu thuẫn giai cấp ở nước ta khi đó tuy có tồn tại nhưng không gay gắt, một mất một còn như ở nhiều nước khác... Mọi thành phần dân tộc, mọi người dân đều gác lại những bất đồng chính kiến để cùng nhau xả thân vì nghĩa lớn “dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”.

Ngày nay, tinh thần xã hội có phức tạp hơn. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, mặt trái của cơ chế thị trường và cả tệ nạn quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, đã làm cho sự phân hóa giàu nghèo, bóc lột, bất công trong xã hội tăng lên nhanh chóng và bất thường. Một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng còn mặc cảm, định kiến, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hòa hợp dân tộc. Điều đó phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy trong điều kiện mới, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội chủ trương: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc[7].

Đường lối chiến lược đã được vạch ra, mẫu số chung để quy tụ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã được xác định. Chúng ta tin tưởng rằng, với một Đảng đã biết biến quyết tâm của mình thành quyết tâm của cả một dân tộc để dân tộc đó đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững nền độc lập, thì Đảng ấy chắc chắn sẽ biết biến mục tiêu, lý tưởng của mình thành quyết tâm và hành động của cả dân tộc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta./.

Đại tá, PGS. TS. NGUYỄN VĂN SỰ

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4, tr. 534.

[2] Đảng uỷ Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng: Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân Việt Nam, H.2004, tr.88.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, H, 2001, tr.8.

[4] . Tổng cục Hậu cần: Lịch sử hậu cần Quan đội nhân dân Việt Nam, tập1, Nxb. Quân đội nhân dân, H.1995, tr.290.

[5] . Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.39.

[6 Theo Lê Kim, Tướng Nava với trận Điện Biên, Nxb QĐND, H. 1994, 17, 18, 20

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 158-159.

Theo: tuyengiao.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 2
  • 2
  • 1
  • 3
lên đầu trang