Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:48

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:48

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 04:17 ngày 11/04/2019

Cần nhận thức đúng và đầy đủ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay

Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại tọa đàm khoa học “Nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 5-4 tại Hà Nội.


Trong lịch sử nhân loại, cụm từ “cuộc cách mạng công nghiệp” được nhắc đến nhiều lần để chỉ những thay đổi trong lĩnh vực sản xuất dẫn đến những thay đổi cơ bản về kinh tế - xã hội, văn hóa… Ngoài 3 cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong thế kỷ 18, 19, 20 về cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa thì trong vài thập kỷ cuối thế kỷ thứ 20, cụm từ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã được sử dụng trong thảo luận về học thuật để chỉ một vài phát triển công nghệ quan trọng.

Đến năm 2011, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) hay nhà máy thông minh mới lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover (Công hòa Liên bang Đức) nhằm chỉ sự thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo.

Năm 2016, khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được đề cập đến lần đầu tiên và cũng là chủ đề của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 tại Thụy Sỹ với định nghĩa: Nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghiệp mới, có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Quy mô, phạm vi và sự phức tạp của lần chuyển đổi này không giống như bất kỳ điều gì mà loài người đã từng trải qua. 

Tại Việt Nam, trong những năm đầu của thế kỷ 21, những khái niệm về kinh tế tri thức, phát triển dựa vào tri thức, cuộc cách mạng dựa trên nền tảng kỹ thuật số, về sự phát triển công nghệ thông tin như hạ tầng của kinh tế - xã hội, về các đề xuất xây dựng mô hình giáo dục thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh… hay được nhắc tới. Nhưng vài năm gần đây, cụm từ “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” dựa trên nền tảng các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây đã thường xuyên được nhắc tới như một xu thế mà Việt Nam cần phải nắm bắt cùng với thế giới, như một cơ hội cuối cùng và duy nhất để Việt Nam có thể sử dụng đưa đất nước tiến lên vượt qua bẫy thu nhập trung bình, góp mặt vào những nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung như lý thuyết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những biểu hiện, tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Viẹt Nam; thời cơ, thách thức cũng như mức độ sẵn sàng của Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những phương hướng, nhiệm vụ, giảp pháp cho các ngành, các cấp, các lĩnh vực để Việt Nam có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thuật ngữ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiểu theo hái niệm hẹp,  là sự tiến hóa công nghệ từ hệ thống điều khiển tại chỗ trong sang hệ thống Số-Vật lý (Cyber-Physical System - CPS), kết nối các hệ thống điều khiện tại chỗ (embedded system) với quy trình sản xuất thông minh (GTAI, 2014). Đây là Công nghiệp chế tạo mới, thông minh hơn dựa trên Tự động học-Kết nối-Dữ liệu lớn-Trí tuệ nhân tạo.

Hiểu theo khái niệm rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự hội tụ của công nghệ mới xuất hiện dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ chế tạo. Đó là: Internet vạn vật (IoT), kết nối vạn vật (nhất là kết nối không dây); Dữ liệu lớn (big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Nhà máy thông minh, robot thông minh (máy tự giao tiếp và ra quyết định); Chế tạo 3D (3D printing hoặc 3D manufacturing); Vật liệu mới (graphene, bio-plastic, v.v.); Kết nối và tối ưu hóa (chia sẻ ngang hang peer-to-peer, nền tảng kết nối cung-cầu, ví dụ như Uber); Giao dịch đảm bảo, phi tập trung trên internet (Blockchain); Thực tế ảo (Virtual Reality); Thành phố thông minh, v.v.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội ứng dụng, bắt kịp và vươn lên đi đầu cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là cơ hội ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống; cơ hội nhanh chóng tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/internet tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng cao; cơ hội đầu tư, phát triển các ngành mới hình thành nhờ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, ví dụ: phần mềm điều khiển ô tô, AI trong y học, v.v.

Cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội lớn, nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu, TS. Nguyễn Đình Cung đề nghị cần có cái nhìn tích cực về công nghệ và sáng tạo, coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề phát triển; do đó cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ và sáng tạo, chấp nhận cái mới.

GS. TS Trương Nam Hải, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam coi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thách thức và cũng là cơ hội đối với Việt Nam. Ông đề nghị, cần tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

Chúng ta cần phải biết cách lựa chọn những vấn đề cần thiết và phù hợp để áp dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; dựa trên 3 công nghệ cốt lõi là Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI). Việc nhận dạng đúng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ giúp chúng ta hòa nhập với htế giới, tận hưởng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng các chủ trương, chính sách đúng đắn để phát triển" - GS. TS Trương Nam Hải nhấn mạnh.

Tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực giáo dục, GS.TSKH Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra làm thay đổi cơ bản mọi mặt của đời sống xã hội.

Đối với Việt Nam hiện nay, trước mắt, để thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các trường đại học, dù ở tầng/thứ bậc nào, dù ở khối công nghệ - kỹ thuật hay không đều phải định hướng theo yêu cầu đổi mới sáng tạo. Các trường đại học ở nước ta hiện nay mới dừng lại ở mức các sản phẩm trung gian (đào tạo sinh viên tốt nghiệp nghiên cứu tri thức mới nói chung). Tài sản tri thức đó chưa thể vốn hóa, chưa góp phần gia tăng giá trị (kinh tế) trực tiếp cho đại học. Đại học định hướng đổi mới sáng tạo không chỉ hướng tới phục vụ cộng đồng tốt hơn, mà còn hoạt động hiệu quả đối với việc quản lý sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tri thức ngay trong khuôn viên của mình.

Kết luận tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã cảm ơn những ý kiến tâm huyết, quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu trong buổi tọa đàm. Các ý kiến chia sẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình tham mưu hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đây không phải là một vấn đề đơn giản. 

Khẳng định Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hiện hữu ngay tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần phải làm cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người dân nhận thức đúng đắn và đầy đủ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.

Đồng tình ý kiến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long lưu ý, cần đặt Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh tổng thể, tạo sự thống nhất để phát triển. Bên cạnh việc cải cách mạnh mẽ, đồng bộ về các mặt thể chế, hành chính, cần chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong các cấp, các ngành để tạo sự phát triển trong kinh tế - xã hội.

Thu Hằng

Theo: tuyengiao.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 3
  • 0
  • 8
  • 7
lên đầu trang