Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:25

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:25

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 04:14 ngày 05/04/2019

Chống suy thoái bằng giáo dục đạo đức truyền thống qua tác phẩm văn học


(Hình minh họa)

Hiện trạng đạo đức xã hội hôm nay đang tha hóa nhức nhối, xét ở gốc rễ thì một nguyên nhân chính là do nền tảng văn hoá gia đình bị lung lay. Chữ Hiếu thiêng liêng ngày xưa nay đang bị chà đạp. Rất nhiều những hiện tượng đáng buồn được báo chí nêu ra hàng ngày như cha mẹ đánh đập, chửi rủa, sỉ nhục con cái. Con cái không nghe lời, thậm chí đánh đập, có kẻ còn giết cả cha mẹ… Ứng xử văn hoá trong gia đình không đúng mực thì ngoài xã hội càng bị xem nhẹ. Trong nhà trường thì có hiện tượng thầy đánh trò rồi trò đánh lại thầy…Những điều ác, điều xấu nhanh chóng lan ra ngày càng đáng báo động.

Tại sao ngày xưa nền tảng văn hoá gia đình bền chắc có ảnh hưởng tích cực đến xã hội? Có một nguyên nhân là các cụ ta rất chú ý coi trọng việc giáo dục đạo đức bằng tác phẩm văn học mà ngày nay rất cần học tập, phát huy, kế thừa, phát triển và nâng cao để góp phần làm lành mạnh hóa xã hội. Đó là những bài học đạo lý về giáo dục uống nước nhớ nguồn, về tình nghĩa thuỷ chung, về lòng thương yêu, trân trọng con người, căm ghét cái ác, tinh thần hướng thiện được thể hiện trong những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc.

Người Việt có cả hẳn một kho tàng tục ngữ, ca dao về chữ Hiếu: “Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”; “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”; “Làm con hiếu nghĩa đi đầu/ Hiếu cha, hiếu mẹ việc gì cũng xong”…Chứng tỏ chữ Hiếu đã trở thành một bản sắc đậm đà, thành một nét tính cách, một truyền thống văn hoá. Truyền thuyết Chử Đồng Tử trước hết là sự minh hoạ sinh động, cụ thể bằng hình tượng rất mực cảm động và chân thực cho nét văn hoá này.

Chuyện rằng nhà nghèo quá, lại mới gặp tai hoạ (cháy nhà) mà hai cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử phải mặc chung nhau một cái khố. Trước khi chết người cha dặn con cứ táng trần cho bố còn giữ lại cái khố để con mặc. Như vậy đến lúc chết người cha vẫn thương con, day dứt vì con không có khố để mặc, lúc này còn lúc khác. Và rất có thể ông còn day dứt vì không tròn trách nhiệm làm cha phải thu vén, chăm lo cho con trọn vẹn. Bao nhiêu nỗi niềm dồn tụ vào câu nói trăng trối ấy!

Chử Đồng Tử không nỡ táng cha trần. Đây không chỉ là chữ Hiếu mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm “trần sao âm vậy” và “nghĩa tử là nghĩa tận” nghĩa là dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, luyến tiếc. Đồng Tử mong cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân…Đồng Tử không chỉ tròn chữ Hiếu mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân!

Chữ Hiếu trong truyện này còn mang màu sắc Nho giáo và Phật giáo. Theo lối chiết tự từ Hán Việt thì chữ Hiếu có hai bộ, gồm bộ “lão” chỉ người già ở phần trên và bộ “tử”, chỉ con cái, ở phía dưới. Hàm ý tượng hình của chữ “Hiếu” là chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già.

Nho giáo coi chữ Hiếu là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức con người. Hiếu là hết lòng thờ kính bố mẹ. Đạo Phật cũng coi trọng chữ Hiếu, trong kinh Thiện Sinh, bản kinh nguyên thủy trong bộ kinh Trường A Hàm ra đời đã 26 thế kỷ ghi lại lời Phật dạy, có nêu 5 điều con cái phải kính thuận cha mẹ. Phật coi “cha mẹ là phương Đông” có thể hiểu đó là phương mặt trời mọc, có mặt trời mới có sự sống. Truyện Chử Đồng Tử của ta là sự giao thoa rất đẹp hai tư tưởng lớn ấy. Sau này nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có bình hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân của vua Hùng (tức bố vợ) vì chàng muốn giữ tròn chữ Hiếu!

Truyện là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do đã đi vào lịch sử văn hoá Việt như là một mối tình đẹp nhất, chung thuỷ, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả trên thế giới. Chử Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái vua Hùng cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả chấp nhận lấy làm chồng. Nàng đã vượt cả quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, bao nội quy, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một con vua mà đi lấy chồng không hề tương xứng, không hề “môn đăng hộ đối”. Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng “hoang” (Đồng Tử đích thực là kẻ “hoang”, tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau bờ sậy…). Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương những con người dưới đáy mạnh mẽ, bao la không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng này. Truyện cách ta trên dưới bốn ngàn năm, mà ở ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, có gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai dũng cảm dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế cho nên, không ngẫu nhiên dân gian thờ không chỉ một Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung là vì thế.

Tác phẩm văn học đích thực khơi nguồn, nuôi dưỡng và thúc đẩy khát vọng lớn lao của con người. Sống có nghĩa là khát vọng. Hết khát vọng là dấu hiệu của sự sống dừng lại. Những truyện cổ tích thì là cả một thế giới vô tận những ước mơ. Ngay một truyện Thạch Sanh đã có bao ước mơ, ước mơ no ấm, ước mơ về lẽ công bằng, ước mơ về cuộc sống hoà bình,… Niêu cơm của chàng ăn mãi lại đầy chẳng phải là khát vọng về cuộc sống đủ đầy no ấm sao? Cây đàn của chàng có thể minh oan và ru quân của mười tám nước chư hầu ngủ quay ra đất mà quên đi ý đồ xâm lược, chẳng phải là một khát vọng về sức mạnh chinh phục của nghệ thuật sao? Thì ra dân ta phải đối phó, phải đổ nhiều máu để đuổi nhiều kẻ thù xâm lược nên mới có một ước mơ thật đẹp là sở hữu một thứ nghệ thuật có thể làm tiêu tan ý chí xâm lăng của ngoại bang. Trong cổ tích thế giới đã có nhiều hình tượng cây đàn thần nhưng chưa có nước nào có cây đàn ru giặc ngủ như cây đàn Thạch Sanh. Những chi tiết như thế chẳng phải đã nói lên đất nước này, dân tộc này trọng tình nghĩa, yêu người và yêu hoà bình hơn tất cả sao!?

Những truyện Nôm như Thoại Khanh - Châu Tuấn là bài ca ca ngợi đức hiếu thảo của nàng dâu Thoại Khanh thay chồng nuôi mẹ, từng cắt thịt cánh tay mình nướng cho mẹ chồng ăn thoát qua cơn đói. Nàng tự khoét mắt mình dâng thần để mẹ khỏi bị bắt đi…

Truyện Kiều, một viên ngọc quý trong kho tàng văn học, một đỉnh cao tư tưởng về tình yêu thương đậm tinh thần Việt khuyên răn con người hướng về chữ Hiếu: “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”; “Thấy nàng hiếu trọng tình thâm”; “Hiếu tình, khôn lẽ hai bề vẹn hai”; “Bán mình là hiếu cứu người là nhân”... Kiều là tấm gương đạo đức để mọi người soi chung: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường”

Những tác phẩm văn học như thế giúp con người ta lớn lên về nhân cách, giàu có hơn về tình đời, tình người.

Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc văn học đã làm tốt việc xây dựng những điển hình yêu quê hương, đất nước, cha mẹ, anh em, đồng chí. Những câu thơ nói rất thật về tình yêu thời đó “Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta như vợ như chồng” (Chế Lan Viên).

Tác phẩm văn học có tác dụng giáo dục đạo đức thật diệu kỳ nhưng ở ngày hôm nay những tác phẩm như vậy thật hiếm hoi. Ai cũng ước ao nhiều hơn những bài thơ như bài Quê hương (Đỗ Trung Quân) vừa thật hay về ý nghĩa thẩm mỹ vừa lắng đọng, sâu sắc về giáo dục: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”…/.

ThS. Đinh Thanh Hương

(Nguồn: Tạp chí VNQĐ)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 4
  • 6
  • 9
  • 7
lên đầu trang