Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:19

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:19

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 02:52 ngày 01/04/2019

Công nghệ thông minh và văn hóa công bộc

(Ảnh minh họa)

“Thành phố thông minh” là mô hình đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Đây là hướng phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế thời đại trong môi trường hội nhập quốc tế.

Để có được “Thành phố thông minh” đúng nghĩa, đáp ứng tất cả tiêu chí về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hạ tầng kỹ thuật… theo chuẩn quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải mất nhiều thời gian để phát triển, đồng bộ hóa, hiện đại hóa các nguồn lực.

Một trong những cái khó, theo các chuyên gia đã phân tích trong khuôn khổ các hội thảo khoa học, đó là sự thích nghi, làm chủ công nghệ thông minh, văn hóa phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở.

Để có đáp số chung cho “Thành phố thông minh”, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp ở các đô thị đã triển khai những mô hình thí điểm tại một số đơn vị, địa bàn đủ điều kiện.

Những mô hình thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cho thấy tiện ích tuyệt vời của công nghệ thông minh, thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo… đem lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi tất cả các khâu trong hệ thống đều được tự động hóa, đồng bộ hóa, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải đồng bộ về thao tác, tư duy, văn hóa phục vụ. Chỉ một khâu, một quy trình bị “lỗi” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống. Đó là tính hai mặt của môi trường công nghệ hiện đại.

Dù công nghệ có hiện đại, thông minh đến đâu thì nó luôn luôn và mãi mãi vẫn là phương tiện của con người. Văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức… trong từng công đoạn, vị trí công tác của mình chính là nhân tố quyết định sự thành công và chất lượng phát triển. Biểu hiện rõ nhất là hiệu quả phục vụ người dân.

Để làm quen với các thao tác sử dụng màn hình, bàn phím trên các thiết bị thông minh hoàn toàn không phải là việc dễ dàng đối với đại bộ phận người dân khi đến làm việc tại các cơ quan, công sở hoặc vào khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế.

Sự lạ lẫm, lúng túng, cảm giác mặc cảm, tự ti… của người dân, nếu không nhận được sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ tận tình của những công bộc, sẽ rất dễ gây tổn thương đến tinh thần, lòng tự trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Tại hội nghị về công tác cải cách hành chính ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh yêu cầu: Kết quả của cải cách hành chính không chỉ là sự tiện lợi của công nghệ, nhanh chóng về thủ tục, mà phải chạm đến trái tim của cán bộ công chức, viên chức và người dân.

Xin nhắc lại câu chuyện nhỏ, rất nhỏ ở phường 4, quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh). Ấy là tại các khu vực người dân đến làm thủ tục hành chính, UBND phường đã để sẵn những chiếc kính mắt đầy đủ cấp độ để những người cao tuổi khi đến làm thủ tục sử dụng. Hành động nhỏ này xuất phát từ thực tế mỗi ngày có không ít người cao tuổi đến phường làm việc nhưng lại quên đem theo kính. Mỗi khi thực hiện công việc, các cụ gặp không ít khó khăn. Đây là việc làm rất nhỏ của cán bộ phường nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn, đó là biết quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của dân từ những việc nhỏ nhất. Câu chuyện nhỏ về những chiếc kính mắt thể hiện sinh động văn minh công sở, văn hóa công bộc trong môi trường công nghệ thông minh.

Xây dựng “Thành phố thông minh”, bên cạnh quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ tầm nhìn vĩ mô, phải chú ý đến những nhu cầu, nguyện vọng thiết yếu, cụ thể của người dân. Để làm được những điều rất nhỏ vì dân, đòi hỏi văn hóa ứng xử của công bộc phải ở một tầm cao nhất định mới có được./.

Phan Tùng Sơn (qdnd.vn)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 9
  • 9
  • 3
  • 4
lên đầu trang