Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:56

Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:56

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 02:26 ngày 14/03/2019

Chủ động hơn trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

Năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp cùng các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các bất cập liên quan đến công tác cổ phần hóa (CPH), quyết toán vốn Nhà nước, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai.


Bộ Xây dựng đã thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng Cty Licogi – CTCP sang Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, trong năm 2018.

CPH phụ thuộc vào tiến độ xử lý công việc tại địa phương

Năm 2018, Bộ Xây dựng đã hoàn thành công tác CPH đối với 02 doanh nghiệp (DN) lớn trực thuộc, nâng tổng số DN thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty CP là 14/16 Tổng Cty, bao gồm các Tổng Cty: DIC, Sông Hồng, Viglacera, XD Hà Nội, XD Bạch Đằng, VIWASEEN, LICOGI, LILAMA, FiCO, CC1, COMA, VNCC, IDICO và Sông Đà).

Các DN sau khi CPH niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán 02 DN, sàn giao dịch Upcom 12 DN. Bên cạnh đó, công tác thoái vốn Nhà nước tại tất cả các Tổng Cty - CTCP cơ bản bám sát theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Minh Thanh - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, kết quả công tác CPH và thoái vốn tại một số Tổng Cty còn hạn chế do gặp khó trong đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê… dẫn đến phát sinh nhiều việc khó, phức tạp, liên quan chủ yếu đến sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, xác định phương án sử dụng đất và giá đất.

Thực tế thời gian qua, các địa phương có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất rất chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến đến tiến độ CPH. Như tại Tổng Cty HUD, do tài sản phần lớn là giá trị quyền sử dụng đất tại các dự án trải khắp nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất và giá đất phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ xử lý công việc của UBND các địa phương.

Trong năm 2017, một số văn bản quy phạm pháp luật về CPH mới được ban hành, các DN phải có thêm thời gian thực hiện các quy định này nên tiến độ thực hiện kéo dài hơn so với dự kiến: Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DN Nhà nước và Cty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành Cty CP hay Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công, có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất trong quá trình phê duyệt phương án CPH.

Thực hiện nhiều quy định mới khi thoái vốn

Công tác thoái vốn Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều quy định mới ban hành chặt chẽ hơn, đảm bảo tối đa lợi ích của Nhà nước như Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018; Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018. Do đó, trong quá trình thực hiện cập nhật mới các quy định này, Bộ Xây dựng phải chỉ đạo Người đại diện vốn Nhà nước tại các DN cập nhật lại kết quả xác định giá trị DN, kết quả thẩm định định giá cổ phần theo đúng quy định, dẫn đến phải có thêm thời gian thời gian thực hiện so với kế hoạch và kéo dài tiến độ thoái vốn dự kiến.

Bên cạnh đó, việc rà soát kết quả thẩm định giá cổ phần mất khá nhiều thời gian, đặc biệt các nội dung liên quan đến giá trị tạo ra từ quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá trị tạo ra từ quyền sử dụng đất, nhưng công tác định giá cổ phần, đặc biệt là việc xác định hiệu quả của dự án hình thành trong tương lai khi thoái vốn vẫn gặp nhiều khó khăn vì Thông tư số 59/2018/TT-BTC chưa đề cập tới, trong khi những trường hợp dạng này khá phổ biến đối với các DN sau CPH.

Ngoài ra, biến động của thị trường chứng khoán tác động lớn đến khả năng hấp thụ nguồn cung lượng cổ phần khi Nhà nước thoái vốn. Tại thời điểm xây dựng, phê duyệt phương án thoái vốn, chỉ số VN-Index ở mức cao, nhưng tại thời điểm thực hiện phương án, chỉ số VN-Index sụt giảm sâu, dẫn đến thực hiện phương án không thành công.

Chủ động đề xuất giải pháp

Để tránh làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, Vụ Quản lý DN đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán quyết toán vốn Nhà nước tại các Tổng Cty - CTCP có vốn của Nhà nước do Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu làm cơ sở quan trọng và căn cứ để Bộ Xây dựng phê duyệt quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang Cty CP trước khi tiến hành thoái toàn bộ vốn của Nhà nước tại DN.

Trong năm 2019, Bộ Xây dựng chủ động rà soát, xây dựng chi tiết tiến độ khả thi công tác CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN để báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh kế hoạch CPH và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông tin kịp thời tới các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến những vướng mắc, bất cập cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện công tác CPH, quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang Cty CP và thoái vốn, đặc biệt các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đất đai, dự án gắn liền với đất, để kịp thời tháo gỡ.

Bộ Xây dựng chỉ đạo, giám sát và kiểm điểm tiến độ thực hiện thường xuyên, liên tục theo kế hoạch giao đối với các Tổng Cty, người đại diện phần vốn Nhà nước tại các Tổng Cty - CTCP trong thực hiện công tác CPH và thoái vốn Nhà nước, xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong điều hành, quản lý DN.

Theo Báo XD

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 2
  • 1
  • 1
  • 0
lên đầu trang