Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:54

Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:54

Tư vấn pháp luật

Cập nhật lúc 09:58 ngày 06/03/2019

Công ty hết việc, có phải học nghề để làm công việc khác?

Hỏi: Tôi làm nhân viên quản lý sản xuất xưởng sợi, bộ phận sản xuất, đến 31.7.2019 là hết hợp đồng thời hạn 3 năm. Do công ty hết việc nên cắt giảm nhân lực. Ngày 1.12.2018, giám đốc xưởng chuyển tôi sang bộ phận bảo trì. Ở đây trưởng bộ phận bảo trì bắt tôi làm công nhân từ 1.12.2018 đến nay. Tôi đã trao đổi nhiều lần, nhưng họ bảo là học việc. Trường hợp của tôi phải làm như thế nào? Nếu học việc thì học trong bao nhiêu ngày?
Trả lời:
Các quy định của BLLĐ 2012 có thể áp dụng cho trường hợp của bạn như sau:
Điều 35. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.
Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Do đó, công ty không thể tự tiện điều chuyển bạn đi làm việc khác quá 60 ngày/năm. Trường hợp công ty muốn chuyển bạn qua làm việc khác so với hợp đồng lao động thì phải thỏa thuận với bạn để thay đổi công việc, tiền lương.
Việc học việc bao nhiêu ngày còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ, yêu cầu của công việc phải học.
Tuy nhiên, xin lưu ý bạn, theo quy định tại điều 44 BLLĐ 2012, trường hợp công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hay vì lý do kinh tế thì công ty có quyền cho NLĐ nghỉ việc và phải trả trợ cấp thôi việc cho bạn theo quy định tại điều 48 BLLĐ 2012.
Theo Báo LĐ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 9
  • 1
  • 3
  • 1
lên đầu trang