Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:24

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:24

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 04:49 ngày 25/02/2019

Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ

Đó là mong muốn của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đối với Ban Nữ công các cấp tại buổi gặp mặt, tặng quà lãnh đạo, cán bộ Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam qua các thời kỳ diễn ra chiều 23/2 tại Hà Nội.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ôn lại chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển từ năm 1948, Ban Phụ vận Trung ương được thành lập.

chu trong kiem tra giam sat viec thuc hien chinh sach doi voi lao dong nu

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gặp mặt, tặng quà lãnh đạo, cán bộ Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam qua các thời kỳ. Ảnh: Sơn Tùng

Khi đó, tổ chức Công đoàn chưa có bộ phận chuyên trách vận động nữ CNVCLĐ. Để đáp ứng yêu cầu của phong trào nữ CNVCLĐ, tháng 2 năm 1949 (cách đây vừa tròn 70 năm), Tổng Liên đoàn đã quyết định thành lập Ban Cán sự phụ nữ lao động (tiền thân của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn ngày nay). Sau đó, nhiều Liên hiệp Công đoàn tỉnh và công đoàn cơ sở đông lao động nữ đã có cán bộ nữ công chuyên trách và thành lập được Ban Nữ công quần chúng.

“Kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển của Ban Nữ công là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong công tác Công đoàn nói chung và công tác nữ công nói riêng, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của công tác vận động nữ CNVCLĐ trong thời kỳ mới, thực hiện có hiệu quả công tác phụ vận của Đảng vào công tác nữ công của tổ chức Công đoàn”, Trưởng Ban Nữ công Trịnh Thanh Hằng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh: 70 năm xây dựng và phát triển của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn, có thể điểm tới những thành quả chính của phong trào: Đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về công tác nữ công (Nghị quyết 4c, Nghị quyết 6b và Nghị quyết 12b); tổ chức một phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” từ năm 1989 trong nữ CNVCLĐ; Quỹ Tài năng sáng tạo nữ, Quỹ Bảo trợ Trẻ em của Công đoàn Việt Nam đã được hình thành và tạo ra nhiều dấu ấn của công tác nữ công.

Tại buổi gặp mặt, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn mong rằng, tiếp nối truyền thống của Ban Nữ công các thời kỳ, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo hoạt động của Ban Nữ công Công đoàn các cấp; đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, người lao động đặc biệt trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận thông tin phản ánh từ đoàn viên, người lao động, kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những bức xúc, khó khăn về đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động, tập trung các vấn đề liên quan đến đặc thù của lao động nữ nhất là ở những doanh nghiệp ngoài nhà nước có sử dụng nhiều lao động nữ.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng mong Ban Nữ công các cấp và cán bộ nữ công tiếp tục phát huy vai trò, chức năng của Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Đặc biệt, tham gia có hiệu quả giải quyết chính sách lao động nữ trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cấu trúc lại doanh nghiệp. Tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thủ trưởng đơn vị để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp.

Theo Báo NLĐ


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 6
  • 0
  • 8
  • 7
lên đầu trang