Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:11

Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:11

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 03:17 ngày 23/01/2019

Triển khai hiệu quả dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”

Ngày 21/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Công Tạc đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” nhằm báo cáo kết quả công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Cùng dự, có đại diện các đơn vị tham gia thực hiện dự án.

Giảm phát thải khí nhà kính nhờ phát triển gạch không nung

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại cuộc họp

Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện.

Dự án có mục tiêu là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung (GKN) ở Việt Nam. Mức phát thải khí nhà kính (KNK) trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải KNK gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.

Báo cáo tại cuộc họp, Quản đốc Dự án Đỗ Giao Tiến cho biết: “Dự án được khởi động từ tháng 6/2015, đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng”.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án, Bộ Xây dựng đã chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN.

Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD. Theo đó, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP bổ sung các chính sách ưu đãi về đầu tư như thuế đất và thuê đất, thuế doanh nghiệp.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng GKN đối với các công trình xây dựng (thay thế Thông tư 09/2012/TT-BXD), quy định cụ thể: Các công trình ngân sách nhà nước phải sử dụng 100% GKN.

Bên cạnh đó, Bộ tham gia, sửa đổi nội dung xử phạt hành chính đối với VLXKN đã được Chính phủ ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP); đề xuất khung các nhiệm vụ xây dựng mới, hoàn thiện bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ cho việc quản lý thúc đẩy sản xuất và sử dụng VLXKN.

Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành dự thảo và trình Bộ KH&CN công bố ban hành 03 bộ TCVN về GKN. “Việc hoàn thiện khuôn khổ chính sách đã có tác động thúc đẩy việc đầu tư sản xuất và sử dụng VLXKN”, ông Đỗ Giao Tiến nhận định.

Cũng trong khuôn khổ dự án, BQLDA đã xây dựng 5 bộ tài liệu đào tạo; tổ chức 23 khóa đào tạo cho 1.680 học viên đến từ 63 tỉnh, thành phố, cung cấp các kiến thức cơ bản về các chính sách phát triển, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ, thiết bị sản xuất GKN, thiết kế và xây dựng công trình sử dụng GKN cho các đối tượng chủ yếu của Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020.

Dự án cũng đã thực hiện thành công 3 dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng; hỗ trợ kỹ thuật thực hiện 18 dự án nhân rộng với công suất thiết kế 700 triệu viên QTC/năm trên phạm vi cả nước, góp phần quan trọng phổ biến công nghệ sản xuất GKN tiên tiến.

Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ và tạo điều kiện trên 30 doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ để được vay vốn ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và vốn vay thương mại từ Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam, với tổng kinh phí là 536 tỷ đồng để đầu tư và sản xuất GKN. Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trong sản xuất và sử dụng GKN cũng đã được dự án chú trọng thực hiện.

Ông Đỗ Giao Tiến nhận định: “Các kết quả hoạt động của Dự án đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng đến năm 2018, tổng công suất các dây chuyền sản xuất VLXKN đạt 7 tỷ viên gạch QTC các loại, sản lượng khoảng 6,5 tỷ viên, chiếm 28% tổng lượng gạch xây dựng, góp phần đáng kể vào giảm phát thải KNK của Việt Nam”.

Ước tính, từ tháng 6/2015 đến nay, từ tác động trực tiếp của dự án, lượng giảm phát thải KNK 60.712 tấn CO2, tiết kiệm năng lượng 14.608 TOE; Tác động gián tiếp từ các hoạt động của dự án (chính sách, đào tạo, hội thảo, nhân rộng, demo, cho vay...) giảm phát thải KNK 1.816.590 tấn CO2, tiết kiệm năng lượng 332.690 TOE.

Trong năm 2019, dự án tiếp tục tập trung thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường chất lượng GKN như cung cấp tài liệu về quy trình quản lý chất lượng sản phẩm GKN, quy trình dưỡng hộ GKN, xây dựng bài phối liệu tối ưu và sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu. Đặc biệt, dự án xây dựng và thực thiện chiến lược nhằm thúc đẩy thị trường sử dụng GKN.

Ông Đỗ Giao Tiến cho biết: “Khối lượng còn lại của dự án rất lớn, phức tạp, trong khi tiến độ thực hiện có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, không lường được. Hơn nữa, dự án đã khởi động chậm 6 tháng. Do vậy, để hoàn thành tất các các hoạt động kỹ thuật còn lại của dự án, BQLDA đề xuất kéo dài dự án 6 tháng mà không gia tăng kinh phí”.

Dự án có tính bền vững cao

Trước đó, vào tháng 6/2018, UNDP đã mời chuyên gia quốc tế thực hiện đánh giá giữa kỳ dự án. Đánh giá cho thấy cả 04 hợp phần của dự án đạt kết tốt hoặc rất tốt. Dự án đã xây dựng chiến lược thành công, gắn kết chặt chẽ với chính sách của Chính phủ.

Đối với mục tiêu hỗ trợ chính sách, dự án cùng với các đối tác Nhà nước đã đề xuất chính sách và các tiêu chuẩn một cách hiệu quả, có các tác động vượt trội. Ở mục tiêu xây dựng năng lực kỹ thuật, dự án đã đào tạo được nhiều chuyên gia, bao gồm cả các nhà sản xuất và những người giữ vai trò quyết định ở địa phương. Tuy nhiên việc đào tạo vẫn còn nhiều thách thức cho khu vực xây dựng.

Ở mục tiêu hỗ trợ tài chính bền vững, dự án cùng với các đối tác của mình đã giúp việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp GKN được phổ biến rộng rãi thông qua hình thức cho vay thương mại thông thường. Dự án đã đạt mục tiêu hỗ trợ tài chính vượt tiến độ đề ra.

Đối với mục tiêu ứng dụng công nghệ, dự án đã phát triển các mô hình trình diễn sản xuất GKN hiện đại, tuy vậy vẫn đang phải đối mặt với thách thức về nhu cầu của thị trường.

Công tác quản lý dự án đặc biệt tốt. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy các kết quả của dự án có khả năng bền vững cao, do có sự gắn kết chặt chẽ với chính sách của Chính phủ và nhận được phản hồi tốt từ thị trường.

Toàn cảnh cuộc họp

Trong năm 2019, dự án tiếp tục tập trung thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường chất lượng GKN như cung cấp tài liệu về quy trình quản lý chất lượng sản phẩm GKN, quy trình dưỡng hộ GKN, xây dựng bài phối liệu tối ưu và sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu; Xây dựng và thực hiện chiến lược nhằm thúc đẩy thị trường sử dụng GKN.

Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng GKN trong thực tế

Tại cuộc họp, các thành viên ban chỉ đạo đánh giá cao các thành quả dự án đạt được. Theo đó, sự tham gia tích cực của Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, các Sở, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đào tạo và các doanh nghiệp… góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công dự án.

Các thành viên BCĐ đề nghị dự án đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho các đối tượng tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định dự án và đội trưởng, công nhân thi công xây dựng về GKN; Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao việc sử dụng GKN trong thực tế.

Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP phát biểu tại cuộc họp

Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP, thành viên BCĐ, chúc mừng những thành quả dự án đã đạt được trong thời gian qua, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về giảm phát thải KNK, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững…

Thời gian tới, dự án cần đưa ra cách thức tiếp cận sáng tạo, đổi mới, làm thế nào để đạt được chất lượng sản phẩm GKN; xây dựng, thúc đẩy được lòng tin của người tiêu dùng đối với GKN; tăng thị phần GKN trong tổng sản lượng gạch xây; tạo điều kiện có nhiều hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được hỗ trợ tài chính từ dự án…

Bà Akiko Fujii đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của BQLDA và cam kết hỗ trợ tốt nhất cho dự án. Đối với đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án, bà sẵn sàng ủng hộ các quyết định của BCĐ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc bày tỏ vui mừng vì trong số các dự án mà ông phụ trách, dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được triển khai hiệu quả. Minh chứng là việc thực hiện các mục tiêu của dự án được chuyên gia UNDP đánh giá tốt và rất tốt. Tuy nhiên, dự án cần đẩy mạnh và triển khai tốt hơn nữa công tác đào tạo và truyền thông.

Thứ trưởng đề nghị BQLDA tăng cường giám sát và có biện pháp hỗ trợ kịp thời đề hoàn thành công việc. BQLDA cần nỗ lực làm tốt hơn nữa, trước khi tính đến việc gia hạn dự án.

Sau cùng, Thứ trưởng cũng mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tối đa của UNDP trong việc thực hiện các nhiệm vụ còn lại của dự án.

Theo Báo Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 0
  • 9
  • 6
  • 3
lên đầu trang