Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:31

Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:31

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 05:13 ngày 14/01/2019

Bộ Xây dựng và Ngân hàng thế giới đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị

Ngày 10/01, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục hạ tầng kỹ thuật và Cục phát triển đô thị của Bộ Xây dựng đã làm việc với Đoàn cán bộ của Ngân hàng thế giới (WB) về hợp tác giữa 2 bên trong việc phát triển đô thị tại Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc tiếp đón Đoàn cán bộ của Ngân hàng thế giới (WB).
WB hỗ trợ Việt Nam chống thất thoát nước và tiết kiệm năng lượng
Thời gian qua, WB đã có sự cộng tác rất chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên trong vấn đề phát triển đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề cấp nước và xử lý nước thải.
Ông Lê Duy Hưng - Chuyên gia cấp cao về cơ sở hạ tầng của WB cho biết: Trong năm 2018, Ban dự án nước của WB đã triển khai thành công các vấn đề công nghệ, đấu nối, tăng phí thu hồi chi phí và thể chế của tư nhân tham gia đầu tư cấp nước theo quy định của Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải, tại các dự án kết hợp với Cục hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng.
Trong đó, WB đã huy động khoản tiền 850.000 USD, chia theo từng giai đoạn để hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình chống thất thoát nước và tiết kiệm năng lượng theo chương trình quốc gia của Việt Nam.
Hiện tại, WB đã hoàn tất việc khảo sát 15 Cty đến từ 15 tỉnh, thành phố khác nhau trên cả nước, từ Bắc vào Nam. Trong thời gian tới, WB sẽ tổ chức 1 hội thảo có Bộ Xây dựng chủ trì nhằm đánh giá lại tình hình của các doanh nghiệp, trước khi triển khai giai đoạn 2, chọn ra 3 Cty chống thất thoát nước và 3 Cty tiết kiệm năng lượng tiêu biểu để tiếp tục nghiên cứu.
Về mặt quản lý và quy hoạch nguồn nước, WB đang cập nhật quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý nước thải của TP Hồ Chí Minh, quy hoạch dự án cấp nước an toàn cho đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp thoát nước đô thị ở Việt Nam.
Ngoài ra, WB cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ xây dựng xây dựng Luật cấp nước, Luật về thoát nước và nước thải.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị định 80, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật nhận định, một trong những đột phá được đánh giá cao trong việc thực hiện Nghị định 80 tại các địa phương trong năm qua là đã đưa Nghị định vào thực tiễn, ví dụ như quy định người gây ra ô nhiễm thì phải nộp phạt tiền.
Tuy nhiên, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cũng bày tỏ trăn trở về vấn đề vai trò của quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện các hợp đồng liên quan đến nước, sau khi ngành Nước được cổ phần hóa 100%. Khi đó, hiệu lực pháp lý về quản lý Nhà nước trong các hợp đồng không cao và sự ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp cấp nước đối với sự phát triển cấp nước, đảm bảo an toàn cho người dân cũng không cao.
Chính vì vậy, Cục Hạ tầng kỹ thuật rất mong muốn WB sẽ hỗ trợ Cục giải quyết vấn đề quản lý Nhà nước về cấp nước sau khi cổ phần hóa, tư nhân hóa hoàn toàn ngành Nước.
Sự cần thiết của việc xây dựng Luật cho ngành Nước
Trong buổi làm việc với Ngân hàng thế giới, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho ngành Nước, đặc biệt là Luật về cấp nước.
Trong thời gian qua, các cơ quan có trách nhiệm đã tiến hành soạn Luật cho ngành Nước, nhưng với nhiều lý do khác nhau nên vẫn chưa thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính vì vậy, UBND các tỉnh, thành phố vẫn đang ký kết thỏa thuận cấp nước với các doanh nghiệp các nước theo quy định của Nghị định 117/2017/NĐ-CP về sản xuất và tiêu thụ nước sạch. Theo nhận định của bà Mai Thị Liên Hương, nếu không có văn bản pháp lý cao nhất thì vai trò quản lý nước sạch của các cơ quan Nhà nước sẽ rất khó khăn.
Ngoài vấn đế xây dựng luật cho ngành Nước, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cũng nêu ra vấn đề bất cập trong việc tách rời 2 nhiệm vụ quản lý cấp nước ở nông thôn và đô thị. Nhưng khi 2 nhiệm vụ quy về một mối thì Bộ Xây dựng lại gặp những khó khăn mới trong việc quản lý cần được tháo gỡ.
Một vấn đề quan trọng khác của ngành Nước Việt Nam là dự án cấp nước an toàn cho đồng bằng sông Cửu Long, khu vực bị nhiễm mặn và ngập úng nghiêm trọng khiến nước sạch trở lên rất khan hiếm, người dân ở nhiều nơi phải mua nước sạch từ 40.000 – 60.000 đồng/lít.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng mong muốn WB có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dự án thí điểm hoặc các dự án nghiên cứu về xử lý nước nhiễm mặn và nước lợ trên cơ sở rút từ kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới, phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam.
Dự kiến, đại diện của WB sẽ gặp Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn vào ngày 16/01 để thảo luận vấn đề triển khai các dự án tại đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là việc xử lý nước nhiễm mặn và nước lợ.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cũng mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp, thoát nước và đánh giá năng lực của các doanh nghiệp cấp nước tại Việt Nam.
WB hỗ trợ Việt Nam xây dựng các công cụ phát triển đô thị
Ngoài vấn đề cấp, thoát nước và xử lý nước thải, WB cũng đã chia sẻ và hỗ trợ Bộ Xây dựng trong vấn đề phát triển đô thị, bao gồm cả dự án cung cấp đô thị cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Zhiyu Jerry Chen - Chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị, Trưởng ban Phát triển Đô thị và Quản lý rủi ro thiên tai cho biết: WB đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các bên khác nhau và đơn vị tư vấn hỗ trợ về pháp lý để hỗ trợ Bộ xây dựng soạn thảo Luật phát triển đô thị, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Theo kế hoạch ban đầu, dự thảo Luật sẽ trình kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2018 và phê duyệt vào kỳ họp tháng 11/2018. Nhưng sau khi các phiên bản đã được thông qua bởi Bộ Tư pháp và Chính phủ thì việc sửa đổi Dự thảo theo ý kiến của Quốc hội lại mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Ngoài ra, việc Chính phủ Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật quy hoạch đô thị cũng ảnh hưởng rất lớn đến phạm vi xây dựng của Luật phát triển đô thị. Chính vì vậy, WB đã quyết định mở rộng gói hỗ trợ và tư vấn pháp lý cho Bộ Xây dựng từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2019.
Về vấn đề này, TS.KTS Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị có đề nghị, nếu Việt Nam chưa thể xây dựng luật thì WB có thể hỗ trợ sửa đổi quy định trong các nghị định trước.
Ngoài ra, TS.KTS Trần Thị Lan Anh cũng đề xuất, WB hỗ trợ xây dựng một trung tâm kỹ thuật có tính chất khu vực ngay tại Việt Nam để mời các chuyên gia đến dạy cho các cán bộ quản lý Nhà nước, thay vì phải đi học ở nhiều nơi và khó tổng hợp được các kết quả đào tạo.
Bên cạnh việc xây dựng Luật phát triển đô thị, WB cũng đề xuất các kế hoạch phát triển không gian kinh tế nhằm đưa ra các định hướng phát triển đô thị.
Hiện tại, WB đang nghiên cứu vấn đề thích ứng cho các thành phố ven biển, dự án phát triển đô thị ở các tỉnh miền núi phía Bắc và nâng cấp đô thị ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là việc xây dựng các công cụ phát triển đô thị.
Đối với chương trình phát triển đô thị toàn quốc, WB sẽ dựa trên các chương trình đã thực hiện để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tài chính cho việc phát triển đô thị ở cấp độ quốc gia.
Đáng chú ý, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam khoảng 700.000 USD để thiết kế cơ sở hạ tầng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với dự án, đặc biệt là nhóm người khuyết tật và người già.
Cuối cùng, WB cũng hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động quản lý và xử lý rác thải rắn khi cách xử lý hiện tại ở Việt Nam chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Theo Báo Xây dựng
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 7
  • 8
  • 6
  • 7
lên đầu trang