Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:29

Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:29

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 04:58 ngày 20/12/2018

Giám sát thực hiện chế độ lương, thưởng Tết

Công đoàn (CĐ) các cấp cần chủ động đôn đốc, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; phối hợp với chuyên môn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đưa đoàn viên, người lao động về quê ăn Tết... Đó là chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam với các cấp CĐ nhằm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Để tổ chức và triển khai thực hiện tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) nhân dịp đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và NLĐ.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị CĐ các cấp tham gia kiến nghị, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định.
Bên cạnh đó, CĐ cần chủ động đôn đốc, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các đề xuất, giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản, chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng trước Tết ảnh hưởng đến đoàn viên và NLĐ không có điều kiện đón Tết.
Tổ chức các hoạt động hoặc hỗ trợ đưa đoàn viên về quê ăn Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, tạo ấn tượng sâu sắc. Đối với đoàn viên và NLĐ không có điều kiện về quê đón Tết, CĐ phối hợp với chuyên môn tổ chức các hoạt động đón Tết đảm bảo vui tươi, chu đáo, ấm áp, nghĩa tình.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các cấp CĐ tổ chức chương trình Tết Sum vầy, tạo điểm nhấn đặc biệt về hoạt động chăm lo Tết hàng năm; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên và NLĐ kịp thời, ý nghĩa, đảm bảo đúng đối tượng của từng hoạt động.
Đặc biệt, cần chủ động phối hợp với các đối tác đã ký thỏa thuận với CĐ tổ chức các chương trình như tặng quà, có các chính sách ưu đãi, tổ chức phiên chợ Tết bán giảm giá đối với các mặt hàng Tết phục vụ đoàn viên và NLĐ tại nơi có đông công nhân lao động, như các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân...
“Các cấp CĐ cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động, làm tốt công tác đôn đốc, giám sát việc thực chính sách, pháp luật với NLĐ. Nếu có phát sinh “điểm nóng” hoặc những bức xúc của tập thể NLĐ về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, kịp thời có mặt chỉ đạo CĐ cơ sở, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời những kiến nghị của đoàn viên và NLĐ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên theo quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị.
Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, căn cứ vào chương trình Tết Sum vầy của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương, ngành, Tổng Công ty chủ động xây dựng và tổ chức chương trình Tết Sum vầy cấp mình cho phù hợp, đảm bảo vui tươi, ấm áp, thiết thực, hiệu quả. Theo đó, đối với CĐ cơ sở: Chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai và giám sát thực hiện kế hoạch trả tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi khác đảm bảo quyền lợi của đoàn viên và NLĐ.
Bên cạnh đó, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mừng tuổi… cho đoàn viên và NLĐ ngoài tiền lương được thanh toán theo quy định của pháp luật. Có hình thức động viên đoàn viên, công nhân, NLĐ trực Tết thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn. Đồng thời, cần chủ động tuyên truyền công nhân lao động trở lại làm việc đúng thời gian quy định sau tết Nguyên đán.
Theo Lao động Thủ đô
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 7
  • 8
  • 5
  • 7
lên đầu trang