Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:13

Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:13

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 02:33 ngày 14/12/2018

TLĐLĐVN: Triển khai ngay các kinh nghiệm hay của Hà Lan

Ngày 11.12, dưới sự chủ trì của ông Robin Van de Poll - chuyên gia tư vấn của Công đoàn Hà Lan CNV Internationaal, các thành viên trong Đoàn công tác ba bên gồm Tổng LĐLĐVN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhóm họp nhằm tổ chức triển khai ngay các kinh nghiệm gặt hái được từ chuyến nghiên cứu tại Hà Lan vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua.

Tham khảo, vận dụng kinh nghiệm hay của Hà Lan

Đánh giá về chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình đối thoại, thương lượng tập thể của Hà Lan trong khuôn khổ hoạt động Dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may”, ông Robin Van de Poll cho biết, Đoàn công tác ba bên của Việt Nam đã rất nghiêm túc, tích cực nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu, chia sẻ thông tin với các tổ chức, đơn vị tại Hà Lan.

Đoàn công tác đã có cơ hội quan sát cách thức thực hiện đối thoại và thương lượng tập thể tại Hà Lan ở cả ba cấp: Cấp doanh nghiệp, cấp ngành và cấp quốc gia. Từ đó, tại buổi tổng kết, Đoàn công tác đã có nhiều ý tưởng để thúc đẩy đối thoại xã hội tại Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng, chuyến nghiên cứu học tập kinh nghiệm đã thành công trong việc đem lại những hiểu biết về đối thoại và thương lượng tập thể, là cơ hội để hình thành những ý tưởng mới cho các thành viên trong Đoàn công tác” - ông Robin Van de Poll cho biết.

Các thành viên trong đoàn thống nhất một số kinh nghiệm của Hà Lan có thể xem xét áp dụng tại Việt Nam như: Mô hình Hội đồng Kinh tế - xã hội; cách thức tập hợp NLĐ ở cấp cơ sở tham gia vào quá trình đối thoại và mở rộng các dịch vụ mà CĐ cung cấp cho đoàn viên; các tổ chức của người sử dụng lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của đối thoại xã hội hiệu quả và tầm quan trọng của CĐ trong việc tổ chức đối thoại, tăng tỉ lệ NLĐ tham gia CĐ vì sẽ có lợi cho nền kinh tế cũng như có lợi cho đất nước; các Cty tốt và những NLĐ tốt đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Trên cơ sở kết quả thu hoạch được từ chuyến nghiên cứu cùng những gợi mở của ông Van de Poll, các thành viên Đoàn công tác thống nhất đề xuất với Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm hay của Hà Lan vào tổ chức và hoạt động trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể và một số hoạt động khác của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Với Bộ LĐTBXH đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung ngay các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia là các chuyên gia độc lập nhằm nâng cao hiệu quả, tính thuyết phục của Hội đồng trong việc tư vấn cho Chính phủ quyết định thực hiện các chính sách về tiền lương của NLĐ; nghiên cứu việc thành lập Hội đồng Tư vấn cấp quốc gia trên cơ sở tham khảo mô hình Hội đồng Kinh tế - xã hội của Hà Lan phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Với Tổng LĐLĐVN, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện mô hình tư vấn pháp luật trực tuyến theo hướng chủ động từ phía tổ chức CĐ, thuận tiện nhất cho đoàn viên, NLĐ trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ tư vấn thông qua phần mềm tư vấn trực tuyến tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng LĐLĐVN, qua các mạng xã hội, ứng dụng qua điện thoại, kios đặt tại các KCN-KCX, khu kinh tế, tổng đài điện thoại; thành lập Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ NLĐ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, mô hình tư vấn pháp luật của CĐ CNV phù hợp với đặc thù của Việt Nam; nâng cao năng lực và vị thế của tổ chức CĐ trong đối thoại và thương lượng tập thể.

Với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tích cực thúc đẩy cơ chế đối thoại và trao đổi thông tin với Tổng LĐLĐVN trong các hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động và Hội đồng Tiền lương quốc gia; cung cấp thêm các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thành viên như: Dữ liệu về thỏa ước lao động tập thể, quan hệ lao động; xây dựng bộ số liệu thống kê về mức lương của từng nghề cụ thể theo thỏa ước lao động tập thể để các doanh nghiệp thành viên tham khảo, tư vấn các thông tin liên quan đến vấn đề lao động và việc làm cho các doanh nghiệp.

Nhiều nội dung triển khai dự án trong thời gian tới

Tại buổi làm việc, các bên đã đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong dự án đã được triển khai tại nhóm các doanh nghiệp ngành may tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Theo đó, với sự nỗ lực của các bên, đặc biệt là của LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Lâm, các hoạt động đã được tổ chức đạt được kết quả tốt như: Lựa chọn các doanh nghiệp tham gia dự án; tổ chức các hoạt động tiếp xúc với NLĐ, doanh nghiệp để thông tin về dự án; kết nối các bên nhằm tiến tới tổ chức đối thoại hiệu quả về những vấn đề mà các bên quan tâm trong nhóm doanh nghiệp; xây dựng nhóm nòng cốt và tổ chức tập huấn cho nhóm nòng cốt của các doanh nghiệp về kiến thức pháp luật, kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể.

Để tiếp tục triển khai hoạt động của dự án trong thời gian tới, hướng tới đạt được kết quả đối thoại hiệu quả, làm cơ sở thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành may trên địa bàn huyện Văn Lâm, trên cơ sở kinh nghiệm của Hà Lan, chia sẻ thành công của mô hình tương tự tại Indonesia, các bên thống nhất cần triển khai ngay một số hoạt động như: Tăng cường sự phối hợp giữa LĐLĐ, Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên trong việc hỗ trợ LĐLĐ huyện Văn Lâm hướng dẫn, tạo điều kiện cần thiết để CĐCS, NLĐ, doanh nghiệp tích cực đối thoại, hướng tới thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp đảm bảo xuất phát từ sự tự nguyện, mong muốn của các bên; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho nhóm nòng cốt của doanh nghiệp về cách thức tập hợp NLĐ, đối thoại hiệu quả; tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm nòng cốt; tổ chức buổi làm việc giữa tất cả các đối tác từ cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp cơ sở, doanh nghiệp để chia sẻ thông tin về dự án, thúc đẩy sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong đối thoại và thương lượng tập thể trong nhóm doanh nghiệp ngành may của huyện Văn Lâm.

Ngoài ra, các bên đã thống nhất trong năm 2019 sẽ tiếp tục xem xét, mở rộng hoạt động của dự án tại TP.Hồ Chí Minh. Trước mắt sẽ tổ chức khảo sát, làm việc với các đối tác ba bên nhằm xác định tính khả thi và quận, huyện thực hiện mở rộng.

Trong khuôn khổ hoạt động Dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may”, được sự tài trợ kinh phí của CĐ Thiên chúa giáo Hà Lan (CNV), Đoàn công tác ba bên gồm đại diện Tổng LĐLĐVN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Hiệp hội Dệt may Việt Nam do đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - dẫn đầu đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong tổ chức đối thoại và thương lượng tại Vương quốc Hà Lan từ ngày 23.11 đến 3.12.2018. Đoàn đã thăm và làm việc với Bộ Các vấn đề xã hội, Hội đồng Kinh tế - xã hội, CĐ CNV, Hiệp hội Giới chủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Tổ chức May mặc công bằng (FWF), thực tế tại một số doanh nghiệp của Hà Lan.

Theo Báo Lao động
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 1
  • 1
  • 2
  • 6
lên đầu trang