Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:44

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:44

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 01:52 ngày 12/12/2018

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

Qua nghiên cứu lịch sử Công đoàn Việt Nam, dù dùng các khái niệm ở mỗi thời kỳ có khác nhau, “Phương pháp công tác” (Đại hội II-1961), “Phương pháp” (Đại hội III- 1974), “Phương pháp hoạt động cơ bản” hay “Phương pháp chỉ đạo (Đại hội IV-1978) và “Phương thức hoạt động” (Từ Đại hội V-1983 trở đi), nhưng đều luôn được quan tâm dưới góc độ phương thức hoạt động của một tổ chức để đáp ứng mục tiêu chung của tổ chức.    
1. ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM:
Phương thức hoạt động công đoàn là một trong những vấn đề được thường xuyên đề cập với với những vấn đề cốt lõi và cùng với đó là các nguyên tắc vận hành như sau:
-  Về phương pháp chỉ đạo hoạt động công đoàn. Vấn đề này được đề cập lần đầu tiên tại Đại hội II-1961, chỉ rõ tính hành chính: “Trong lãnh đạo vẫn còn mắc tác phong quan liêu, hình thức, giấy tờ, ít đi sâu vào sản xuất, đi sâu vào quần chúng để giúp đỡ cơ sở giải quyết khó khăn trong công tác”. Bệnh hành chính được Đại hội VI-1988 nhận diện sự biểu hiện ở nhiều khâu của tổ chức công đoàn: “Bệnh quan liêu, hành chính thể hiện cả trong hệ thống tổ chức, trong việc tuyển chọn và sử dụng cán bộ, trong nội dung hoạt động và trong phong trào làm việc của cán bộ”. Để khắc phục tồn tại này, Đại hội IV-1978 yêu cầu tiếp tục hoàn thiện phương pháp chỉ đạo: “Phải nắm cơ sở, hiểu sản xuất, kinh doanh, hiểu đời sống, hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; phải đi sâu bồi dưỡng lực lượng tích cực trong công nhân, viên chức làm hạt nhân vận động quần chúng; phải từ thực tiễn của phong trào công nhân, viên chức, từ phân tích những ý kiến chính đáng của công nhân, viên chức về sản xuất, kinh doanh và đời sống mà tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức; phải chú trọng tổng kết kinh nghiệm các mặt hoạt động của Công đoàn; phải thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân phụ trách; chế độ thông tin, thông báo, báo cáo, thỉnh thị kịp thời trong hệ thống công đoàn”. Hoạt động công đoàn cần có sự linh hoạt: “Hình thức tổ chức và hoạt động của công đoàn linh hoạt, nhạy bén với những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, khắc phục bệnh quan liêu, giản đơn, hình thức trong tổ chức và sinh hoạt…”. Đồng thời phải thiết thực, hiệu quả: “Phải quán triệt phương châm hoạt động của công đoàn là cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Từng cấp công đoàn, từng cơ sở phải có chương trình hoạt động có mục tiêu; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, của từng người đối với từng việc cụ thể, quy định rõ thời gian hoàn thành, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả, khen chê kịp thời; khắc phục tình trạng làm lướt, đánh trống bỏ dùi”. Nguyên tắc cơ bản là phát huy sự kiểm nghiệm của thực tiễn: “Kiên quyết thực hiện việc chỉ đạo điểm, việc làm thử để rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm ở tất cả các cấp công đoàn. Tiến hành đúc kết kinh nghiệm hoạt động công đoàn phải từ thực tiễn ở cơ sở, từ sự chỉ đạo cụ thể mà đúc kết, qua đó nêu lên những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để phổ biến, hướng dẫn các cơ sở hoạt động. Khi đã có điển hình phải kiên quyết chỉ đạo, bồi dưỡng, nhân điển hình, tạo nên phong trào rộng lớn học tập và làm theo điển hình”. (Đại hội V-1983). Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới và lực lượng hoạt động phù hợp ở các cấp công đoàn: “Xây dựng các mạng lưới hoạt động ở cơ sở làm cho hoạt động của Công đoàn là hoạt động của đông đảo công nhân, lao động. Mở rộng đội ngũ cộng tác viên theo từng công việc giúp các Ban Chấp hành Công đoàn tham gia quản lý kinh tế”. (Đại hội VI-1988)  
- Về công tác tổ chức thực hiện. Đại hội II-1961 xác định điểm yếu về trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện, Đại hội II-1961: “Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các cấp công đoàn đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, song công tác tổ chức và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của chúng ta còn rất kém, nên kết quả bị hạn chế rất nhiều”;
-Về sự liên hệ mật thiết với quần chúng. Đại hội II-1961 yêu cầu: “Cán bộ công đoàn chúng ta phải thực hiện 4 cùng: "Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với quần chúng" như Hồ Chủ tịch đã dạy. Có như thế chúng ta mới đi sâu vào sản xuất, thông cảm sâu sắc với tình hình đời sống quần chúng, thấy rõ được những khó khăn mắc mứu của quần chúng, tập hợp điều kiện ý kiến, nguyện vọng của quần chúng, nắm được yêu cầu chính đáng của quần chúng để giải quyết và đưa phong trào quần chúng tiến lên. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, hoạt động vì quần chúng lao động: “Mọi hoạt động của các cấp công đoàn tiến hành theo phương pháp vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng tự giác hành động cách mạng, làm cho hoạt động công đoàn thực sự là quần chúng hoạt động. Kiên quyết chống lối làm việc quan liêu hành chính, trên giội xuống, không sát với yêu cầu sản xuất và đời sống của công nhân, viên chức, lấy hoạt động của một số cán bộ chuyên trách thay cho hoạt động của đông đảo công nhân, viên chức” (Đại hội III-1974).
- Về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động công đoàn. Đại hội III-1974 nhấn mạnh: “Tăng cường đoàn kết nội bộ các cấp công đoàn, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
- Về chỉ đạo hoạt động công đoàn ngành, công đoàn địa phương và sự chấp hành của các cấp công đoàn. Ngay từ Đại hội II Công đoàn Việt Nam (1961) xác định: “…Sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một mặt phải dựa vào các Công đoàn dọc để nghiên cứu sâu các vấn đề trong những ngành kinh tế và văn hoá, một mặt phải phát huy khả năng tích cực và sự chỉ đạo toàn diện của các Liên hiệp Công đoàn địa phương. Phải làm cho mọi công tác Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng uỷ địa phương, đồng thời các cấp Công đoàn phải chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị, nghị quyết của Công đoàn cấp trên, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức Công đoàn”. Việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ chỉ đạo của các Liên hiệp Công đoàn và công đoàn ngành trung ương đối với công đoàn ngành địa phương, Công đoàn cơ sở phải đạt mục tiêu “…Phát huy được sức mạnh tổng hợp đáp ứng yêu cầu của Công đoàn cơ sở, đẩy mạnh hoạt động của Công đoàn cơ sở” (Đại hội IV-1978). Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động và cơ chế nhóm hoạt động: “(-) Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành Trung ương chủ động phối hợp với nhau để xây dựng và thực hiện quy chế cụ thể chỉ đạo đối với Công đoàn cơ sở. (-) Hình thành các nhóm công tác theo chuyên đề để giúp Tổng Liên đoàn, các ngành, địa phương nghiên cứu giải quyết những vấn đề về quan hệ lao động và phát triển đoàn viên”. (Đại hội IX-2003).
- Thực hiện chế độ trách nhiệm của từng cấp công đoàn và cán bộ công đoàn. Đại hội IX-2003 xác định: “Cải tiến lề lối làm việc, thực sự phát huy dân chủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Ban Thường vụ Công đoàn các cấp; tăng cường kỷ luật công tác, bổ sung, sửa đổi các quy chế về mối quan hệ công tác theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức và từng cá nhân”.
- Yêu cầu chỉ đạo hoạt động có trọng tâm, trọng điểm: Đại hội XI-2013, chủ trương: “Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lựa chọn những vấn đề then chốt để tập trung nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện dứt điểm trong từng thời gian cụ thể, tránh dàn trải. Ban chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn các Tổng Công ty trực thuộc phát huy chủ động, sáng tạo, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cụ thể hoá cho phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của ngành, địa phương và cơ sở, có chỉ tiêu, nội dung, biện pháp và định thời gian phấn đấu thực hiện”.
- Về trách nhiệm của các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn đối với hoạt động công đoàn cơ sở. Vấn đề này được đề cập một cách tổng thể lần đầu tiên tại Đại hội III-1974. Đó là trách nhiệm xây dựng bộ máy nhưng có hiệu lực cao bằng tinh thần trách nhiệm và mối quan hệ công tác: “Xác định rõ nội dung trách nhiệm và quan hệ công tác của mỗi cấp, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, làm cho bộ máy gọn nhẹ, có sức mạnh, có hiệu lực…”. Đó là trách nhiệm hoạt động của công đoàn cấp trên cơ sở vì mục tiêu xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh: “Mọi hoạt động của công đoàn các cấp trên cơ sở phải nhằm xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh; phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và từng bước cải tiến tổ chức và chỉ đạo của công đoàn các cấp trên”. Muốn thế, cần có quy định cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở gắn với đoàn viên ở cơ sở: “Cán bộ chuyên trách của công đoàn các cấp trên cơ sở phải định chế độ thường xuyên đến cơ sở sinh hoạt với đoàn viên, nắm vững tâm tư, nguyện vọng, tình hình sản xuất, công tác và đời sống để nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện công tác công đoàn đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, viên chức”. Kết quả hoạt động công đoàn cơ sở là thước đo toàn bộ hoạt động của tổ chức công đoàn: “Cơ sở là cột sống, là nền tảng, là địa bàn hoạt động của công đoàn. Hoạt động công đoàn cơ sở mạnh hay yếu là thước đo kết quả của toàn bộ hệ thống công đoàn. Yêu cầu xây dựng, củng cố công đoàn cơ sở trở thành hoạt động của đông đảo đoàn viên và công nhân, viên chức…” (Đại hội IV-1978).
Đến nay, những vấn đề cơ bản về phương thức hoạt động của công đoàn Việt Nam còn giá trị tiếp tục thực hiện không? Vì sao những giá trị ấy chưa được thực hiện tốt? có phải nguyên nhân cơ bản là công tác đánh giá chưa được quan tâm đúng mức: cấp trên đánh giá cấp dưới cụ thể, thẳng thắng, theo nguyên tắc có đúng không? cấp dưới đánh giá cấp trên về tính khả thi có cần không?
2. ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐẢNG VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN:
Bên cạnh những nguyên tắc cơ bản của tổ chức và hoạt động của công hội trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều chỉ đạo quan trọng về phương thức hoạt động công đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tư duy hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn: “Nơi ăn xấu là vì cán bộ công đoàn không săn sóc đến công việc bếp núc, không cùng ăn, ở với công nhân, là vì có cán bộ công đoàn còn cho công việc bếp núc là hèn hạ, cho rằng công đoàn thì phải có chỉ thị này, thông tri khác mà ít chú ý đến đời sống hàng ngày của công nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán chỉ rõ sự quan liêu của công đoàn: “...Muốn đạt mục đích “đẩy mạnh gia tăng sản xuất, thực hành tiết kiệm” thì cán bộ công đoàn cần phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo phải dân chủ, phải cùng công nhân đồng cam cộng khổ, phải hòa mình với công nhân thành một khối, phải gương mẫu. Nếu không cùng công nhân hòa thành một khối, là quan liêu”. Giải pháp khắc phục cơ bản: “Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên thường xuyên đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”. Đồng thời, “Trong nội bộ tổ chức công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm việc gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực”.
Đảng ta thường xuyên chỉ đạo công đoàn quan tâm đổi mới phương thức hoạt động. Nghị quyết 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” yêu cầu: “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp... Các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động”. Trọng tâm hoạt động công đoàn là ở công đoàn cơ sở: “Đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động”.
3. CÁC YÊU CẦU MỚI TỪ THỰC TIỄN:
Sự gắn kết giữa đoàn viên với tổ chức công đoàn trực tiếp và thường xuyên nhất là ở cơ sở, đòi hỏi hoạt động công đoàn chủ yếu ở cơ sở, nhưng cán bộ công đoàn ở cơ sở thường xuyên thay đổi, chưa nắm thật vững công tác công đoàn, ở khu vực ngoài nhà nước về cơ bản chỉ có vai trò chủ thể của tổ chức công đoàn. Hiện nay, Công đoàn Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới, có nhiều yêu cầu mới được đặt ra từ thực tiễn, làm tăng thêm áp lực cho cơ sở. Qúa trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức công đoàn từ quy định pháp luật, nhất là quy định thương lượng về tiền lương ở doanh nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đòi hỏi không chỉ đặc biệt quan tâm vấn đề việc làm bền vững mà tất yếu có những tác động đến mô hình tập hợp người lao động cũng như hoạt động của tổ chức công đoàn. Thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, đoàn viên công đoàn khu vực ngoài nhà nước đã chiếm tỷ trọng chủ yếu và không ngừng phát triển, trở thành đối tượng quan trọng nhất của tổ chức công đoàn và vai trò trực tiếp của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên là cơ bản nhất. Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bên cạnh những cơ hội còn có thách thức đối với tổ chức công đoàn từ quyền lựa chọn tổ chức thực hiện quyền đại diện của người lao động.
4. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRONG GIAI ĐOẠN 2018-2023:
Từ kết quả cũng như hạn chế trong tổ chức và hoạt động công đoàn; nghiên cứu, dự báo tình hình mới, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã quyết định: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động Công đoàn”. Điểm cốt lõi là xác định quan điểm “phục vụ” của tổ chức công đoàn.
Khi nêu quan điểm “phục vụ” là nhấn mạnh phần trách nhiệm. Trách nhiệm ấy vì lợi ích có được; vì địa vị xã hội có được; vì sự phân công của tổ chức. Có người lao động tất yếu có tổ chức công đoàn để tập hợp, đại diện, lãnh đạo người lao động; song, có đoàn viên mới có tổ chức công đoàn và có tổ chức công đoàn mới có cán bộ công đoàn. Điểm mấu chốt chính là lực lượng đoàn viên công đoàn. Đồng thời, tính bền chặt và tính hệ thống này có được phụ thuộc rất lớn vào thái độ của những người vận hành từng khâu trong hệ thống. Vì thế, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam quyết định phương thức hoạt động tổng quát: “...Cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động”. Phương thức hoạt động mới đột phá vào hai khâu: nâng cao ý thức trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cấp dưới trực tiếp; ý thức trách nhiệm của cả hệ thống tổ chức công đoàn đối với đoàn viên công đoàn.
Quá trình cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam cần làm rõ ý thức trách nhiệm này. Chính vì thế, Ban Chấp hành khóa XI trình Đại hội đã hoạch định giai đoạn 2018-2023, tập trung thực hiện các vấn đề cơ bản:
a. Trọng tâm tinh thần phục vụ đoàn viên của tổ chức công đoàn:
Tinh thần phục vụ của tổ chức công đoàn đối với người lao động, nhất là đoàn viên công đoàn là “lấy việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động làm mục tiêu hoạt động”. Đồng thời, “trên cơ sở lấy nhu cầu hợp pháp chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, lao động là cơ sở hoạt động”.
b. Nguyên tắc thực hiện:
Nguyên tắc hoạt động cơ bản nhất là “phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương”. Để nguyên tắc này được vận hành hiệu quả, cần “Xây dựng cơ chế để các cấp công đoàn phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm trong hoạt động công đoàn phù hợp với thực tiễn ngành, địa phương, cơ sở và quy định của Tổng Liên đoàn”. Đồng thời, phải “Lựa chọn những nhiệm vụ cần thiết để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác”. Vì thế, vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là: “Phát huy vai trò định hướng, điều phối của Tổng Liên đoàn đi đôi với tăng cường vai trò chủ động quyết định hoạt động của ban chấp hành công đoàn các cấp”. Song hành với nhiệm vụ cơ bản của Tổng Liên đoàn, cần điều chỉnh thẩm quyền các cấp công đoàn theo hướng: "Đổi mới cách thức xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở từ việc thụ động theo chỉ đạo của công đoàn cấp trên sang phương thức xây dựng chương trình, kế hoạch công tác căn cứ vào yêu cầu của công đoàn cơ sở trực tiếp quản lý, có giải pháp cụ thể để cùng với công đoàn cơ sở giải quyết các vấn đề chính đáng do số đông đoàn viên và người lao động yêu cầu. Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp bám địa bàn, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở, cán bộ, đoàn viên và người lao động trong phạm vi quyền và trách nhiệm của từng cấp công đoàn”.
Muốn thế, cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp công đoàn. Đó là trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động: “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn các cấp trước đoàn viên, người lao động”. Trách nhiệm tăng cường phối hợp thực hiện và ý thức chấp hành: “Tăng cường phối hợp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, phát huy vai trò chủ động quyết định nội dung hoạt động của ban chấp hành công đoàn các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành”. Trọng tâm trách nhiệm giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành: “Phân định rõ mối quan hệ phối hợp, quyền hạn, trách nhiệm giữa công đoàn ngành và liên đoàn lao động địa phương trong việc hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh".
Những nguyên tắc cơ bản về đổi mới cách thức ban hành chủ trương, chỉ đạo của các cấp công đoàn:
Thực hiện chỉ đạo cụ thể hóa và chế độ trách nhiệm cá nhân: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành công đoàn, các văn bản hướng dẫn theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi; rõ mục tiêu, việc cần làm, cách thức thực hiện, cán bộ phụ trách, kiểm soát việc thực hiện”.
Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo theo hướng: "Chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn. Tiến hành nghiên cứu, phát hiện kịp thời, kiến giải khoa học về giai cấp công nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Xây dựng cơ chế để các đơn vị, viện nghiên cứu của công đoàn tham gia tư vấn, phản biện các chủ trương quan trọng của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời có cơ chế phản biện đối với hiệu quả trên thực tế của những đề tài, dự án có sử dụng kinh phí công đoàn”.
Tiếp tục đẩy mạnh “Thực hiện cải cách hành chính trong tổ chức Công đoàn, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành của Tổng Liên đoàn đảm bảo phù hợp thực tiễn; thực hiện tốt công tác pháp chế văn bản. Đảm bảo đơn giản hóa, chuyên nghiệp hóa, giảm mạnh các thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý tài chính, quản lý đoàn viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, hội thảo. Nghiên cứu thực hiện một số hoạt động thiết thực tại cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Liên đoàn Lao động huyện, công đoàn khu công nghiệp để tăng cường mối quan hệ với đoàn viên, người lao động”.
Trích Tài liệu Học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 2
  • 9
  • 2
  • 2
  • 3
  • 3
lên đầu trang