Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:39

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:39

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 02:50 ngày 23/11/2018

Nghị định 100/2018/NĐ-CP: Thấy gì sau 2 tháng thực hiện?

Nghị định số 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (Nghị định 100) có hiệu lực thi hành được hơn 2 tháng và đã sớm nhận được sự ủng hộ cao của các DN. 


Nghị định 100/2018/NĐ-CP đã đem lại nhiều lợi ích cho DN.

Tăng sức cạnh tranh của DN

Ông Ôn Mạnh Nghĩa - Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng và Lắp đặt thiết bị Việt Nam (Vinace) cho biết, trước đây khi chưa có Nghị định 100, để tham gia được các công trình tương đối lớn thì các DN vừa và nhỏ phải hợp tác với Cty lớn hơn để có đủ điều kiện pháp nhân. Điều này làm DN phát sinh thêm chi phí. Nay theo Nghị định 100, các DN vừa và nhỏ sẽ chủ động tự hạch toán kinh doanh, vừa nâng cao năng lực, vừa giảm những chi phí không cần thiết do phải đi nhờ pháp nhân như trước.

Nếu trước đây, các DN vừa và nhỏ chưa đủ tư cách pháp nhân theo quy định chỉ tiếp cận được các công trình quy mô cấp 3, giá trị từ 15 tỷ trở xuống. Nay theo Nghị định 100, với công trình cấp 1, DN như Vinace có thể tham gia đấu thầu trực tiếp cạnh tranh với DN có quy mô lớn hơn. Điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các DN với nhau.

Đối với cá nhân, theo ông Nghĩa, Nghị định 100 tạo thuận lợi hơn cho việc được cấp chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Còn theo bà Trần Thị Hương - Phó tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng và giao thông (INTRACOM), Nghị định 100 đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo hướng thông thoáng, đơn giản hóa nhưng chi tiết và thực tế hơn.

Cụ thể, Nghị định 100 bãi bỏ được điều kiện kinh doanh của một số ngành nghề không được quy định trong Luật số 03/2016/QH14; Loại bỏ được sự chồng chéo giữa quy định hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực khác như phòng cháy chữa cháy.

Nghị định 100 không quy định cứng về số lượng tối thiểu những người trong tổ chức phải đáp ứng trong từng hạng mục để được cấp chứng chỉ năng lực mà chỉ yêu cầu cá nhân chủ chốt có chứng chỉ hành nghề phù hợp.

Quy định này đã tạo được tính chủ động về quy mô hoạt động của tổ chức, loại bỏ sự độc quyền của một số tổ chức lớn, tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động tại các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng, phù hợp với yêu cầu công việc và quy luật thị trường lao động.

Việc bổ sung quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực trực tuyến sẽ giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN. Nghị định 100 tăng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ năng lực từ 5 năm lên 10 năm cũng sẽ giảm được tần suất thủ tục hành chính.

“Chúng tôi tin rằng không chỉ DN trong ngành Xây dựng sẽ được thuận lợi hơn trong hoạt động tham gia thị trường xây dựng, nâng cao năng lực thực chất. Và trên hết, DN kỳ vọng có một môi trường hoạt động xây dựng lành mạnh” - bà Trần Thị Hương nhận định.

Nhiều đột phá

Ở góc độ là nhà nghiên cứu kinh tế, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng Nghị định 100 có rất nhiều đột phá, đem lại nhiều lợi ích về tiền, thời gian và cơ hội kinh doanh cho DN.

Trước đây, Nghị định cũ yêu cầu là thành lập một tổ chức hành nghề trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, phải có 10 nhân sự có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ví dụ như tôi là 1 người có đủ năng lực hành nghề, thì để thành lập được 1 tổ chức để hành nghề thì ít nhất tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian, chi phí để làm sao có thêm 9 người làm việc cho tổ chức hành nghề của tôi.

Nay tất cả những điều kiện đó được giảm đi, được bãi bỏ. Một mình tôi là người có đủ năng lực, có đủ chứng chỉ hành nghề, thì tôi có thể nhanh chóng dễ dàng thành lập ra được 1 DN. Và thực hiện ngay được hoạt động kinh doanh ở trong quy mô, mức độ cho phép khi mà tôi chưa cần ngay thêm các nhân sự, chiến hữu khác.

Theo ông Hiếu, Nghị định 100 tác động rất lớn, ngay lập tức, giảm được chi phí tiền bạc, giảm được chi phí thời gian, giảm chi phí về cơ hội cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh DN. Đây là những tác động nhìn thấy rõ ràng ngay lập tức của Nghị định 100.

Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) thì nhận định Nghị định số 100 không chỉ giúp ích rất nhiều cho DN, mà đối với cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định số 100 cũng đem lại nhiều lợi ích. Bởi khi tạo điều kiện thông thoáng cho DN, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhận lại được sự đánh giá tích cực của xã hội và người dân.

“Giờ đây, đánh giá về tác động của cơ quan quản lý nhà nước không chỉ đơn thuần bằng các phương pháp mệnh lệnh hành chính mà thông qua đó còn phải là sự hài lòng của người dân và DN. Tôi nghĩ rằng đây mới là hiệu ứng thực chất của cơ quan quản lý nhà nước” - bà Hạnh nói.

Bà Tống Thị Hạnh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản Luật trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho DN.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định trong các luật chuyên ngành. Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát các Luật chuyên ngành, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS để có thể tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề cần thiết giữ lại.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất bãi bỏ thêm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để có thể không cần thiết có các điều kiện đầu tư kinh doanh nữa mà có thể chuyển sang các phương thức quản lý khác.

Theo Báo Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 6
  • 3
  • 5
  • 1
lên đầu trang