Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:14

Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:14

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 04:51 ngày 19/11/2018

Một số phương pháp định hướng dư luận xã hội


Trong quá trình phát triển, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, thất nghiệp, tệ nạn xã hội… tạo ra nhiều luồng tâm trạng, nhiều thái độ xã hội. Lợi dụng những vấn đề xã hội, tâm trạng xã hội đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước sử dụng mạng xã hội, kết nối internet để công kích, kích động tâm trạng xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước với mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bạo loạn lật đổ. Trong bối cảnh đó, định hướng dư luận xã hội trở nên quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng bởi vai trò góp phần làm thay đổi thái độ, nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thực tiễn công tác dư luận xã hội thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: cách hiểu về “định hướng dư luận xã hội” còn chưa đúng bản chất, bị xuyên tạc hoặc hiểu sai, khả năng dự báo “điểm nóng” để định hướng dư luận xã hội còn chậm, việc sử dụng các phương thức, công cụ “định hướng dư luận xã hội” còn chưa linh hoạt (chủ yếu dựa vào báo chí), chưa có sự phối hợp đa dạng, đồng bộ các phương pháp; định hướng dư luận xã hội bằng “mạng xã hội” chưa được quan tâm …

Định hướng dư luận xã hội hiện nay ở Việt Nam cần xác định được ba mục tiêu cơ bản.

Một là, giúp cho công chúng hình thành nhận thức đúng về sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội

Hình thành nhận thức đúng về sự kiện, hiện tượng là quá trình tác động của chủ thể (Đảng và Nhà nước, các tổ chức xã hội) để đối tượng (cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân) nhận thức đúng về hiện thực khách quan.Thứ nhất, công chúng nhận thức đúng về bản chất của sự kiện hiện tượng đặt trong bối cảnh lịnh sử của nó.Thứ hai, công chúng nhận thức đúng về bản chất của sự kiện hiện tượng đặt trong sự phân tích, lý giải bằng khoa học. Thứ ba, nhận thức của công chúng đúng về sự kiện, hiện tượng phải dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực giá trị truyền thống, các yêu cầu phát triển của tập thể và xã hội.

Hai là, giúp cho công chúng hình thành thái độ phù hợp với sự kiện, hiện tượng.

Thái độ là đặc trưng tâm lý xã hội gắn với nhu cầu, động cơ, mục đích của cá nhân và điều kiện xã hội, lịch sử cụ thể. Thái độ được hình thành trong quá trình con người hoạt động, giao tiếp và dựa trên cơ sở khái quát hóa nhận thức, cảm xúc, tình cảm về đối tượng, về một sự kiện, hiện tượng nhất định. Định hướng dư luận xã hội giúp giải quyết sự tồn tại của cácquan điểm khác nhau, loại bỏ, phản đối các quan điểm sai, gia tăng sự đồng thuận, cảm xúc, tình cảm với những quan điểm đúng trong nhóm và cộng đồng xã hội.

Ba là, giúp cho công chúng hình thành hành vi phát ngôn hợp lý đối với sự kiện, hiện tượng.

Hành vi phát ngôn hợp lý thể hiện sự nhất trí cao với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các giá trị của truyền thống dân tộc; các chuẩn mực đạo đức khác; thể hiện sự thống nhất nhận thức, tình cảm, động cơ bên trong của công dân, bộc lộ thái độ đúng đắn, phù hợp với nội dung cần chuyển tải; phù hợp với các quy tắc và các chuẩn mực ngôn ngữ đã được thừa nhận trong xã hội và cộng đồng.

Một số phương pháp cơ bản trong định hướng dư luận xã hội được khái quát là:

Thông qua uy tín của người lãnh đạo, thủ lĩnh nhóm xã hội

Cùng một nội dung phát ngôn nhưng nếu đó là phát ngôn của một giáo sư, một nhà khoa học hay một chính khách (có uy tín) thì người ta tin hơn là phát ngôn của một sinh viên hay của một nhân viên bình thường. Trong một cơ quan, một tập thể, một nhóm xã hội, họ chính là người lãnh đạo, quản lý, nhà hoạt động xã hội có uy tín.Trong các tôn giáo, họ là các chức sắc tôn giáo (cha cố, nhà tu hành). Trong các dân tộc thiểu số miền núi họ là già làng, trưởng bản, còn ở nông thôn họ có thể là các trưởng họ tộc, người cao tuổi... Những người thủ lĩnh này có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội diễn ra tại cơ quan, đơn vị hoặc trong nhóm xã hội, trong tập thể.Đặc biệt, khi định hướng dư luận xã hội về những vấn đề quan trọng, nhạy cảm cần cử những người có địa vị cao, có uy tín lớn phát ngôn để công chúng nhanh chóng có sự chấp nhận.

Thông qua sinh hoạt, hội họp của các tổ chức

Cuộc họp của các tổ chức bao gồm (tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp...) là một kênh truyền thông, một phương tiện tác động tư tưởng cho nên, chúng cũng là một kênh, một phương tiện có thể sử dụng để định hướng dư luận xã hội. Định hướng dư luận xã hội qua kênh này có ưu thế nổi trội là nhanh chóng và trực tiếp đến từng nhóm đối tượng sinh hoạt trong cùng một tổ chức. Để định hướng dư luận xã hội kịp thời, trực tiếp, trong sinh hoạt, hội họp của các tổ chức cần thực hiện tốt quá trình mang tính hai chiều sau: Thứ nhất, truyền đạt, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, những thông tin chính thức, chính thống, những thông tin đã được chọn lọc kỹ càng; Thứ hai, đấu tranh, phản bác những quan điểm, tư tưởng, ý kiến lệch lạc, tin đồn nhảm, luận điểm phản tuyên truyền, sai trái, xuyên tạc,…

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng

Với các chức năng và ưu thế của mình, các phương tiện truyền thông đại chúng, chủ yếu là báo chí, tham gia định hướng dư luận xã hội với các phương thức sau:

- Tham gia quảng bá sự kiện, hiện tượng để đông đảo tầng lớp xã hội được biết và bày tỏ thái độ.

- Cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, sâu sắc giúp quá trình đánh giá của công chúng đối với sự kiện, hiện tượng khách quan hơn.

- Tham gia vào quá trình hình thành quan điểm, cách đánh giá đối với sự kiện hiện tượng thông qua quá trình bình luận.

- Phân tích, làm sáng tỏ mối liên hệ của sự kiện, hiện tượng với lợi ích của cộng đồng, quốc gia hay nhóm xã hội.

- Khơi nguồn, tạo lập dư luận xã hội. Tuy nhiên, khi tham gia tạo lập dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông phải lựa chọn thông tin, phải đứng trên lợi ích giai cấp, dân tộc, quốc gia để lựa chọn chứ không được đứng trên lợi ích cá nhân.

- Góp phần tạo nên ở công chúng cách đánh giá vừa khách quan, vừa dân chủ, tạo nên tính tự giác cho quá trình tiếp nhận thông tin và hình thành dư luận xã hội tích cực.

Theo quy luật uy tín như đã nêu trên, khi sử dụng báo chí để định hướng dư luận xã hội, phải mời được những nhà báo, những tờ báo có uy tín tham gia, những người lãnh đạo, quản lý, những thủ lĩnh dư luận phát ngôn trên báo chí.

Sử dụng mạng xã hội

Việc sử dụng những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, Viber, Yahoo, Wordpress… ngày một phổ biến. Mỗi ngày, trung bình một người trưởng thành (trên 16 tuổi) dành khoảng 2,12 tiếng để truy cập mạng xã hội (Brands Việt Nam, 2018). Do đó, định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội là tất yếu trong công tác tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Để định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội một cách khoa học, phải tăng cường phổ biến các thông tin chính thống trên mạng xã hội bằng các việc cụ thể như: tăng cường viết bài định hướng dư luận xã hội tích cực; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, “like”, “comment” và “share” các bài viết thể hiện quan điểm dư luận xã hội đúng đắn, các tấm gương người tốt việc tốt, tấm gương điển hình trong xã hội, tạo bầu không khí tích cực trên môi trường mạng xã hội; hủy kết bạn (unfriend) hoặc bình luận phản bác với những tài khoản mạng xã hội thường xuyên có quan điểm sai trái, lệch lạc, xấu, tiêu cực.

Định hướng dư luận bằng dư luận

Trong các đám đông quần chúng, thường xuất hiện một nhóm nhỏ có vai trò tiên tiến, có uy tín cao và có ảnh hưởng nhất định đến nhóm lớn hơn.Trong công tác định hướng dư luận xã hội, có thể sử dụng dư luận tích cực, đúng đắn của nhóm nhỏ tiên tiến này để định hướng dư luận xã hội với các nhóm lớn hơn.Muốn sử dụng dư luận xã hội để định hướng dư luận xã hội, trước hết phải huy động các kênh, các phương tiện truyền thông để tạo lập dư luận tích cực.Sau đó phản ánh dư luận xã hội trên các kênh, các phương tiện truyền thông, đồng thời sử dụng dư luận đó để định hướng dư luận của các nhóm xã hội khác, của toàn xã hội.

Tác động vào các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành, thay đổi thái độ của con người. Cụ thể là:

1) Tác động đến yếu tố nhận thức của chủ thể dư luận bằng cách cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời. Đối với sự kiện, hiện tượng đơn giản thì dư luận của đa số thường là tích cực, khách quan. Còn đối với sự kiện, hiện tượng phức tạp, nhiều góc độ, lại mới xuất hiện lần đầu thì dư luận của những người có nhiều thông tin, có hiểu biết thường là tích cực, có tính tư tưởng và chiều sâu.

2) Giải thích làm rõ các mối quan hệ về lợi ích để định hướng dư luận xã hội. Thái độ của con người về sự kiện, hiện tượng phụ thuộc vào mối quan hệ về lợi ích của họ đối với sự kiện, hiện tượng đó. Người ta đồng tình với những sự kiện, hiện tượng phù hợp với lợi ích của họ, ủng hộ những người mang lại lợi ích cho họ. Ngược lại, người ta phản đối, lên án những sự kiện, hiện tượng, con người đi ngược lại lợi ích của mình. Trong định hướng dư luận xã hội, phải làm rõ các lợi ích chính đáng của công chúng và giải thích rõ các quan hệ lợi ích của họ thông qua đó để kích thích, lôi kéo họ bày tỏ quan điểm, thái độ tích cực./.

Ths.Bùi Hồng Việt

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 11/2018

Theo: tuyengiao.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 4
  • 2
  • 5
  • 4
lên đầu trang