Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:46

Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:46

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 11:13 ngày 13/08/2018

Tăng “sức đề kháng” cho giới trẻ trong thời đại số


Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tốt đẹp ứng dụng trong học tập và sinh hoạt, không ít hậu quả đáng tiếc từ việc sử dụng internet của nhiều người trong giới trẻ lại đang đòi hỏi giải pháp hữu hiệu từ phía người sử dụng cũng như trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Trẻ em nên hay không nên tham gia vào truyền thông xã hội (Social media) là một vấn đề gây tranh cãi lâu nay. Dựa trên nền tảng internet, nhờ có phương tiện truyền thông xã hội mà người sử dụng có thể giao lưu, tương tác trực tuyến với nhau. Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần xóa bỏ các rào cản giao tiếp, giúp con người có thêm công cụ để chia sẻ thông tin, kiến thức. Trong nhiều trường hợp, truyền thông xã hội còn là phương tiện hữu ích để thể hiện cảm xúc, chia sẻ suy nghĩ, gắn kết các mối quan hệ. Tuy nhiên, việc trẻ em sử dụng các phương tiện truyền thông đang tiềm ẩn không ít nguy cơ, rủi ro. Theo thống kê của Hootsuite và We Are Social (những công cụ quản lý truyền thông đại chúng), trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3-2018, lượng người dùng internet trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức tăng 8%, với 276 triệu người dùng mới, nâng tổng số người dùng lên 3,3 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới. Với 58 triệu người sử dụng, Việt Nam được xếp thứ bảy trong nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh về lượng người dùng internet. Quý I-2018, số người dùng internet tiếp tục tăng 5%, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 16%. Đáng nói, một phần ba người sử dụng trong đó là thanh thiếu niên (độ tuổi từ 15 đến 24) đều tham gia ít nhất một phương tiện truyền thông xã hội, phổ biến nhất là các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Snapchat…

Hiện nay, các trang mạng xã hội lớn như: Facebook (bao gồm cả Instagram), Twitter hay Snapchat,… đều quy định rõ độ tuổi được phép của người dùng ngay từ khi bắt đầu thành lập là 13 tuổi. Nhưng việc tuân thủ trên thực tế phần lớn chỉ căn cứ vào sự trung thực khi khai báo của người sử dụng. Trong khi đó, YouTube - mạng xã hội duy nhất được tổ chức Royal Society of Public Health (Hội Sức khỏe Cộng đồng Hoàng gia - RSPH) và Young Health Movement (Phong trào sức khỏe giới trẻ - YMH) của Anh đánh giá là có tác động tích cực, lại thường xuyên gắn nhãn cho các video giới hạn tuổi người dùng là 18. Thực tế, độ tuổi trung bình của người dùng internet cũng như các phương tiện truyền thông xã hội trong vài năm trở lại đây đang có xu hướng giảm tới mức báo động. Tại Anh, số trẻ tuổi từ 9 đến 12 tuổi hiện đang sử dụng ít nhất một mạng xã hội lên tới 43%.

Tại Việt Nam, nhiều trẻ 9 đến 10 tuổi cũng đã sở hữu riêng cho mình các thiết bị điện tử nối mạng như máy tính, điện thoại thông minh (smart phone), ipad và sử dụng thành thạo các nền tảng mạng xã hội. Việc sử dụng internet cũng như một số trang mạng xã hội khi chưa đủ tuổi, hoặc trong độ tuổi vị thành niên, đã được nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài cảnh báo là dễ mang lại những ảnh hưởng không tốt, tác động tiêu cực đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Những rủi ro có thể gặp phải khi nhóm tuổi này sử dụng mạng xã hội một cách vô tư, thiếu kiểm soát thường là: bị mất thông tin cá nhân; bị sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu; bị nghiện mạng xã hội, nghiện game ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý. Vì thế ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp trẻ “nghiện” mạng xã hội đến mức trầm cảm, tâm thần phân liệt, phải nhập viện điều trị. Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị chứng “nghiện” mạng xã hội với các biểu hiện rối loạn tâm thần như: mất ngủ, bỏ bê học hành, một số thì khép mình, không giao tiếp và có nhiều hành vi bất thường.

Theo thống kê của bệnh viện, các bệnh nhân mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội, chủ yếu là thanh thiếu niên đang học từ phổ thông cơ sở trở lên và nhiều nhất là ở lứa tuổi cuối cấp phổ thông trung học, sinh viên. Từ việc “nghiện” mạng xã hội, họ dễ bị lôi kéo, kích động tham gia các trào lưu nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng cũng như dễ bị tác động tiêu cực từ các nguồn tin thiếu lành mạnh hay các trang mạng độc hại chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm. Ngoài ra, việc dễ dàng liên lạc và nói chuyện với bất kỳ ai thông qua mạng xã hội cũng khiến người sử dụng phải đối diện với nhiều vấn đề nguy hiểm như: lừa đảo, buôn bán, bắt cóc hay xâm hại tình dục. Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720 nghìn hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên mạng internet. Còn theo số liệu từ Phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và trẻ em - Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), trong 5 năm qua, có khoảng 10 nghìn vụ xâm hại trẻ em. Đây là những con số đáng báo động, cho thấy sự nguy hiểm khi những người trẻ tuổi tham gia mạng xã hội mà thiếu sự kiểm soát.

Trên thế giới, vấn đề thanh thiếu niên sử dụng internet ngày càng được các quốc gia quan tâm, vì ảnh hưởng của mạng xã hội đối với lứa tuổi “teen” thực sự đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Tại Anh, sau khi khảo sát trên 1.500 thanh niên ở độ tuổi từ 14 đến 24, tổ chức RSPH và YMH cho biết, mạng xã hội mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực như chứng lo âu, trầm cảm, mất ngủ, ít giao tiếp. Cũng tại nước này, thống kê của một số trường tư thục cũng cho thấy tới hai phần ba thanh thiếu niên được khảo sát đều tỏ ra mệt mỏi vì sử dụng mạng xã hội. Tại Ô-xtrây-li-a , các chuyên gia về internet và sức khỏe tâm thần cũng khuyến cáo rằng, người sử dụng internet thường xuyên, nhất là những người nghiện internet thường dễ có xu hướng lệch lạc hành vi, nhất là với những trẻ chưa đủ tuổi quy định tham gia vào các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, các mối quan hệ trên thế giới ảo thường khiến các em xa rời thực tế, không muốn giao tiếp và xây dựng những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống thực. Trước sự lo ngại về ảnh hưởng xấu mà mạng xã hội có thể gây ra đối với trẻ vị thành niên, các cơ quan chức năng tại Anh đã đưa ra khuyến nghị về độ tuổi của người dùng mạng xã hội ở nước này, đồng thời yêu cầu hai công ty lớn là Facebook và Google phải thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý về độ tuổi của người dùng mạng xã hội, cũng như đưa ra các điều khoản, nội dung phù hợp để trẻ em có được nhiều lợi ích từ việc sử dụng mạng xã hội hơn. Điều này nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. Chính phủ tại một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành quy định thắt chặt quản lý về độ tuổi của người sử dụng mạng xã hội.

Có thể khái quát một số nguyên nhân khiến giới trẻ gặp và phải đối mặt với nhiều rủi ro trên mạng là: quy định về tuổi chưa thực hiện nghiêm ngặt, nội dung trên các nền tảng mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, coi thường luật pháp… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn phụ thuộc vào phụ huynh và chính các em. Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khó khăn lớn nhất của việc bảo vệ trẻ em trên mạng chính là nhận thức của trẻ và cha mẹ về an toàn trên mạng còn hạn chế. Lứa tuổi trẻ vị thành niên dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực trên môi trường internet hay truyền thông xã hội là do sự non nớt trong nhận thức. Thực tế, chỉ có 11% trẻ em học internet từ nhà trường, 17% học từ bạn bè, 2% học từ cha mẹ, trong khi có đến 68% là các em tự học cách dùng internet. Bên cạnh những hạn chế về suy nghĩ tâm sinh lý của lứa tuổi, phần lớn những điều học được từ nhà trường lại không phải là những kỹ năng sử dụng mạng an toàn mà phần lớn là các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin.

Vì thế, “sức đề kháng” trước điều xấu chưa đủ. Các em chưa có khả năng nhận diện điều gì là thực sự tốt, thực sự cần thiết cho lứa tuổi của mình khi tham gia vào môi trường tiềm ẩn quá nhiều rủi ro này. Giới trẻ, nhất là người trong độ tuổi “teen”, luôn sẵn tâm lý tò mò, tìm hiểu nên các em tiếp thu và sử dụng công nghệ rất nhanh, tiếp cận mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông xã hội khác khá dễ dàng. Nhưng cũng vì thế, các em lại học chưa đến nơi đến chốn, có phần vội vàng và thường có xu hướng muốn thể hiện bản thân, sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân mà không ý thức được về những nguy cơ tiềm ẩn. Chưa kể, tâm lý ở lứa tuổi dậy thì rất dễ bị kích động, xốc nổi nên có thể đã được nhắc nhở, cảnh báo nhưng vẫn phớt lờ, không quan tâm, khi hậu quả xảy ra thì hối hận cũng đã muộn. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ lại chưa đồng hành cùng con trong quản lý và sử dụng thời gian nói chung và thời gian dành cho mạng xã hội nói riêng. Nhiều phụ huynh thường dùng biện pháp mạnh như cấm đoán mà chưa chú trọng đến việc trở thành những người bạn của con trên mạng xã hội, để đồng hành, tư vấn, giúp con em mình sử dụng internet một cách hữu ích nhất.

Làm thế nào để trẻ tham gia vào các mạng xã hội an toàn nhất vẫn là bài toán khó, đòi hỏi có sự chung tay của toàn xã hội. Về quản lý nhà nước, theo ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần có những giải pháp cụ thể, bao gồm: quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ; cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em trên mạng; tuyên truyền ứng dụng kỹ thuật để giảm rủi ro của trẻ em trên mạng. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần phối hợp bằng cách đưa ra biện pháp thắt chặt quản lý độ tuổi người sử dụng, cũng như ngăn chặn trẻ em tiếp cận nội dung không lành mạnh. Đặc biệt, môi trường gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Nếu phụ huynh thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình, bên cạnh việc cho con sử dụng các thiết bị công nghệ luôn có ý thức giúp các em chuẩn bị về kiến thức và tâm lý có chính kiến và biết đề phòng với các nội dung xấu và độc hại trên internet. Đồng thời, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để thường xuyên lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng internet, qua đó cùng đưa ra những giải pháp tốt nhất. Bản thân giới trẻ cũng cần tự có “sức đề kháng” đủ mạnh khi tham gia môi trường internet. Làm tốt được điều này, người trẻ hoàn toàn có thể tự tin bước vào thời đại công nghệ số.

Theo Nhân Dân
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 9
  • 9
  • 6
  • 8
lên đầu trang