Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:10

Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:10

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 02:58 ngày 03/05/2018

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

 

(Văn hóa) - Nhân loại đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng và chứng minh khả năng kỳ diệu của con người trong chinh phục tự nhiên. Cuộc cách mạng này tác động đến hầu hết các quốc gia, dân tộc; ở tất cả các lĩnh vực và mỗi con người trên toàn thế giới một cách trực tiếp, sâu sắc. Văn hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra đồng thời cả cơ hội lẫn thách thức lớn cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam hiện nay.

 
Ảnh minh họa - Nguồn: tiepthitieudung.com
 
Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của văn hóa - xã hội Việt Nam
 
Cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt là cách mạng 4.0) dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, in-tơ-nét, sự kết nối toàn cầu ở nhiều tầng bậc, nhiều lĩnh vực trong cùng một lúc. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba đã xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, dân tộc ở mặt tri thức khoa học và lĩnh vực kinh tế. Sản phẩm từ nền sản xuất vật chất trong cuộc cách mạng này đã bao trùm toàn thế giới và mỗi con người đều có thể sử dụng nó từ bất kỳ nơi sản xuất nào một cách dễ dàng. Tuy nhiên, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba với đặc trưng sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng truyền thống, còn cách mạng 4.0 sử dụng nguồn năng lượng mới, tạo ra vật liệu mới là cơ bản. Cách mạng 4.0 chứng minh tri thức khoa học (đặc biệt là tri thức nhân tạo) có sức mạnh mang tính vật chất to lớn cho phép cải tạo thế giới ở trình độ cao, đúng như C. Mác chỉ ra: công cụ nối dài các giác quan con người. Công nghệ sinh học, công nghệ na-nô gắn với nó là sức bền vật liệu ra đời. Sự xuất hiện người máy, tự động hóa, dây chuyền sản xuất, điều khiển học ngày càng nhanh chóng, mở rộng và trình độ cao. Nhờ công nghệ thông tin, kết nối, mở rộng tầm giao lưu, giao tiếp giữa con người với con người qua mạng in-tơ-nét có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa dân tộc về văn hóa. Văn hóa có tính bản địa, tính dân tộc rất sâu sắc thì hiện nay có nguy cơ bị phai nhạt rất lớn. Cùng với nó là các nước lớn muốn thể hiện vai trò, thực hiện tham vọng về lợi ích, mục đích chính trị cũng như ảnh hưởng về văn hóa ngày càng tăng. Các nước lớn sử dụng thành tựu cách mạng 4.0 như một công cụ hữu hiệu quảng bá văn hóa của mình phục vụ cho mục đích chính trị. Việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của một quốc gia phải đối mặt với những xu hướng ấy một cách toàn diện, trực tiếp và gay cấn nhất từ trước đến nay. Cách mạng 4.0 khiến bất cứ quốc gia, dân tộc và một cá nhân con người không thể thờ ơ, đứng ngoài “vòng xoáy” của nó. Tuy nhiên, tác động của cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn. Sự kết nối nhờ thành tựu công nghệ thông tin, kỹ thuật số cũng tạo ra những cơ hội cho tiếp xúc, học hỏi được nhiều ở các nước không chỉ về thành tựu văn minh, mà còn về giá trị văn hóa một cách nhanh chóng, cập nhật.
 
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ, trái chiều nhau giữa tích cực và tiêu cực từ cách mạng 4.0 một cách nghiệt ngã nhất. Vấn đề đặt ra là phải biết tận dụng cơ hội; vượt qua nguy cơ, thách thức ngay từ lựa chọn cách thức, con đường phát triển đến thực tiễn nền văn hóa Việt Nam. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 phải có tính chủ động cao, định hướng sớm và khoa học thì mới có những bước đi vững chắc trong thực tiễn. Quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XII của Đảng về: “Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người”(1) và củng cố, phát triển tính chủ động cho mỗi con người, mỗi tổ chức, đơn vị, từ Trung ương đến từng địa phương,... một cách tích cực, sát thực. 
 
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay, đặc biệt, trước tác động của cách mạng 4.0 là hướng đến mục đích, nội dung nhất quán: bảo đảm được tính dân tộc, giữ gìn “bản sắc dân tộc” một cách vững chắc. Việt Nam là một điển hình trong lịch sử nhân loại về bảo vệ, giữ gìn bản sắc, tính chất dân tộc của nền văn hóa. Ngay từ buổi đầu của lịch sử người dân Việt Nam đã phải đấu tranh với những âm mưu, hành động đồng hóa về văn hóa của các nước lớn để giữ vững độc lập chủ quyền đất nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lịch sử ấy đã hun đúc nên một sắc thái văn hóa rất độc đáo, như tinh thần yêu nước; đại đoàn kết toàn dân tộc; nhân đạo, nhân văn; yêu hòa bình,... ở mỗi con người qua các thế hệ khác nhau. Những nội dung ấy là giá trị gốc, có ý nghĩa như một “hằng số, mẫu số chung” cho mọi thời kỳ phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam. Tính dân tộc của nền văn hóa đã thẩm thấu sâu vào cốt cách, tâm hồn, phương thức ứng xử của mỗi con người Việt Nam qua các thời đại và tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, âm mưu đồng hóa về văn hóa của các thế lực thù địch. Trên thế giới chưa có dân tộc nào như Việt Nam bị thống trị cả nghìn năm Bắc thuộc mà vẫn vùng dậy giành độc lập, tự chủ. Giải thích hiện tượng đặc thù này chỉ có thể bằng nội dung, sức mạnh của văn hóa; bản sắc, tính dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Lịch sử dân tộc không cho phép con người hiện nay bó tay, bất lực trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Mỗi con người Việt Nam phải xác định rõ trách nhiệm đối với truyền thống dân tộc để tiếp nối lịch sử; luôn vững tin, sáng tạo vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và tiến lên ngang tầm thời đại. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “..., mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”(2).
 
Xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 phải thường xuyên củng cố, kiên định với mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thấm nhuần tinh thần dân tộc,... như trong các nghị quyết đại hội của Đảng xác định. Thấm nhuần tinh thần dân tộc phải được tiếp nhận, chuyển hóa thành thái độ, động cơ, niềm tin, ý chí và hành vi ứng xử của mỗi con người Việt Nam một cách bền vững nhất. Cách mạng 4.0 luôn tạo ra những cái mới, sản phẩm mới, hấp dẫn, lôi cuốn và rất dễ dẫn đến tình trạng “sùng ngoại” không chỉ ở phương diện văn minh, mà còn ở lĩnh vực văn hóa, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người”; “Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”(3). Nếu không nhận thức được và không có định hướng, điều chỉnh sớm, khoa học thì mục tiêu về tính dân tộc, bản sắc dân tộc khó có thể thực hiện được. Khi đó tình trạng mờ nhạt tinh thần dân tộc, thậm chí là quay lưng lại truyền thống lịch sử một cách vô cảm, vô định là không thể tránh khỏi. Quá trình tận dụng cơ hội, tiếp nhận thành tựu văn minh, tinh hoa của cách mạng 4.0 để làm giàu tri thức và tiến lên phía trước là tất yếu, cần thiết, nhưng luôn phải giữ vững cốt cách, tâm hồn, phẩm giá, khí phách con người Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa dân tộc. Mỗi con người Việt Nam phải tự nghiêm khắc khắc phục những biểu hiện lệch chuẩn ngay trong bản thân mình, đồng thời phải tích cực đấu tranh phê phán với những biểu hiện lệch lạc trong cộng đồng, xã hội. Quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng về: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”(4) vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay một cách thiết thực nhất. Dựa vào định hướng của Đảng về: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(5) để cụ thể hóa vào từng tổ chức, đơn vị, cơ quan, địa phương với những chuẩn giá trị mang đặc trưng riêng. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực của con người ấy thống nhất giữa cái chung của dân tộc với nét đặc thù để nhận biết, xem xét, đánh giá những biểu hiện hợp chuẩn hay không hợp chuẩn một cách thuận lợi nhất. Mỗi con người Việt Nam lấy nó làm tiêu chí, chuẩn mực và điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình hướng đến mục tiêu: thấm nhuần tinh thần dân tộc. Thống nhất về chuẩn mực giá trị làm tiêu chí đánh giá để tạo dư luận xã hội có tính đồng thuận trong tôn vinh những tấm gương sáng và phê phán những biểu hiện lệch lạc trước tác động của cách mạng 4.0.
 
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 bắt đầu từ mỗi con người đến toàn xã hội để không cho bất cứ ai, nhất là thế hệ trẻ, rơi vào thế giới “ảo”; lối sống “ảo”,... Cách mạng 4.0 rất dễ làm cho con người bị “thôi miên”, không phân biệt được cái đúng và cái sai; cái tốt và cái xấu; cái thực và cái hư; cái dân tộc và cái phi dân tộc trước thế giới mới, xa lạ - thế giới “ảo”. Kết nối mạng, mở rộng giao lưu và giao tiếp ở tất cả các lĩnh vực, phương diện làm cho con người như lạc vào cõi “mê cung”, khó làm chủ. Đặc biệt sự xuất hiện những hiện tượng mới lạ, như: đồng tiền “ảo”; thanh toán “ảo”; kinh doanh “ảo”, lối sống “ảo” càng kích thích thế hệ trẻ khó có thể thoát ra sự u mê, vô định. Một cá nhân thu mình trong phòng kín, nhưng mở rộng được giao lưu, trao đổi qua mạng làm cho quan hệ, ứng xử có tính “thực” trong môi trường văn hóa cộng đồng, xã hội mờ nhạt dần. Ngôn ngữ giao tiếp, tình cảm cá nhân bộc bạch không bị chi phối bởi cái “tinh tế”, cái chuẩn mực văn hóa, đạo đức và làm cho tính hiện thực, tính tổng hòa các quan hệ xã hội trong bản chất con người, như C. Mác đã chỉ ra, có nguy cơ phai nhạt nhanh chóng. Cách mạng 4.0 có xu hướng pha loãng quan hệ, sự ứng xử văn hóa, đạo đức trong cộng đồng, xã hội và xa cách dần với thuần phong mỹ tục của truyền thống dân tộc. Nhiều thói quen trong nhận thức rất dễ bị thay đổi. Những chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức được tôn thờ qua nhiều thế hệ cũng có những nguy cơ bị mai một. Con người trong cộng đồng, xã hội dần mất đi nét đẹp trong giao tiếp của “tình làng, nghĩa xóm” có tính “thực” và thay vào đó là quan hệ công việc đơn thuần. Sự giao tiếp rộng, nhưng hạn chế chiều sâu, tầm cao về “tính hiện thực của bản chất con người” và thay vào đó là quan hệ “ảo”. 
 
Những biện pháp bảo vệ văn hóa dân tộc
 
1- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 phải hướng đến khắc phục những xu hướng đang làm mờ nhạt tính hiện thực của bản chất con người trong tính tổng hòa các quan hệ xã hội. Tiếp nhận, khai thác thông tin từ thành tựu của cách mạng 4.0 có tác dụng to lớn cho phát triển trí tuệ, nhưng phải được cảnh báo để không làm mất đi nền tảng gốc của bản chất người, bản sắc văn hóa dân tộc. Kết hợp giữa định hướng nhận thức với tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa, giá trị văn hóa, đạo đức; phù hợp với thuần phong, mỹ tục một cách sát hợp để giáo dục con người giữ vững phẩm giá, tư chất, bản chất dân tộc Việt Nam. Quán triệt quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XII về: “Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh... trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống”(6) vào khắc phục những xu hướng có tính “ảo, phi hiện thực” của quan hệ giữa người và người là một phương diện quan trọng của xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0. 
 
2- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 phải được tổ chức thực hiện với tính chất của một phong trào quần chúng sâu rộng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Mỗi con người, mỗi tổ chức, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp,... phải là một chủ thể tích cực thấm nhuần tinh thần dân tộc trong xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Sức mạnh trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam phải có tính tổng hợp với sự tương tác có tính đồng thuận, cùng chung một hướng và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trên thực tiễn toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là điều kiện, nhân tố quyết định nhất đến tạo dựng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Tiếp tục phát triển, phát huy phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lên tầm cao mới. Những thành tựu đã đạt được tiếp tục nhân lên và những hạn chế, bất cập cần nghiên cứu và đúc kết thành kinh nghiệm bổ ích để đưa vào thực tiễn phong trào quần chúng sâu, rộng. Quan điểm của Đảng về: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội vừa là định hướng, vừa là nội dung cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước cách mạng 4.0. Toàn bộ các sáng tạo của con người Việt Nam trên các lĩnh vực đều phải dựa trên cơ sở và hướng đến làm giàu giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam thì văn hóa mới thật sự trở thành nền tảng tinh thần xã hội. Kể cả những người Việt Nam sinh sống, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, tham gia ngày càng sâu vào các bước phát triển của cách mạng 4.0, nhưng vẫn phải hướng về cội nguồn để luôn mang tầm hồn, cốt cách, khí phách của con người Việt Nam. Mục đích cũng như động lực cho các sáng tạo phải xuất phát từ nền tảng và hướng đến mục đích phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam. 
 
3- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 phải gắn với cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay. Đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, phản động hiện nay không chỉ đơn thuần thuộc lĩnh vực chính trị, mà còn của lĩnh vực văn hóa. Lịch sử dân tộc, đặc biệt từ khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam luôn gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng thành tựu cách mạng 4.0 cả về nội dung và sức mạnh truyền thông để lôi kéo con người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ nói riêng quay lưng lại quá khứ, truyền thống; tạo ra sự mơ hồ trong hiện tại và thái độ thờ ơ với tương lai dân tộc, đất nước với các hình thức khác nhau. Âm mưu chống phá được giấu khá tinh vi qua những lời lẽ, ngôn ngữ “mỹ miều”, như tự do, dân chủ, nhân quyền,... rất khó nhận thấy. Chúng không chỉ trực tiếp xuyên tạc, phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, mà còn tung hô, cổ súy cho lối sống phương Tây. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 tập trung vào nâng cao chất lượng định hướng; hiệu quả quản lý mạng xã hội và củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, con người hiện nay. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phải lôi cuốn, tập hợp toàn bộ con người Việt Nam cả trong nước và ngoài nước cùng tham gia hoạt động chung một mục đích phát triển đất nước, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Có chương trình giáo dục cơ bản nâng tầm cao trí tuệ, tư duy cho mỗi thế hệ để thực hiện chiến lược lâu dài tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao làm chủ cách mạng 4.0 và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong chính trị, văn hóa.
 
4- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 còn bắt đầu từ phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội. Văn hóa dân tộc bao giờ cũng là cái phản ánh, nảy sinh trên cơ sở kinh tế, nền tảng chính trị, đặc biệt trước tác động trực tiếp của cách mạng 4.0 đến cơ cấu kinh tế nói chung và các công nghệ trong các dây chuyền sản xuất nói riêng. Tác động ấy luôn tiềm ẩn xu thế “tụt hậu” về kinh tế. Những công nghệ sản xuất có tính chất quy trình lặp đi lặp lại sẽ nhanh chóng được thay thế bởi tự động hóa. Xu hướng ấy đối với nước ta là các ngành may mặc, ngành điện tử,... có nguy cơ trực tiếp. So với các ngành, nghề khác, các ngành này đang chiếm tỷ trọng khá lớn, tập trung nhiều nhân lực hơn cả. Nếu không có tầm nhìn sớm, nhìn xa thì sẽ có nguy cơ hàng loạt người lao động phải ra khỏi dây chuyền sản xuất, không có việc làm và hậu quả của nó là rất lớn không chỉ về kinh tế, mà còn về chính trị, văn hóa.
 
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 trong chiến lược tổng thể của phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Những dấu hiệu có tính cảnh báo trước về lao động yếu thế, dôi dư, thừa lao động cần được xem xét cả dưới góc độ xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 ở nước ta hiện nay cần chủ động sớm và từ gốc là giải quyết việc làm cho người lao động. Giải quyết việc làm không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là văn hóa, như C. Mác đã chỉ rõ: văn hóa là xã hội hóa lao động. Văn hóa là những người trong độ tuổi lao động phải được lao động.
 
5- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 trong quan hệ với thực hiện chiến lược phát triển con người của Đảng và gắn với chất lượng giáo dục và đào tạo. Con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của môi trường xã hội. Trước tác động của cách mạng 4.0 thì vấn đề chất lượng con người là rất quan trọng. Con người trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 phải toàn diện cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tinh thần dân tộc và năng lực làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại. Con người ấy chỉ có được thông qua giáo dục và đào tạo tương thích với trình độ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay. 
 
Vận dụng quan điểm của Đảng về giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu vào thực tiễn nâng cao chất lượng con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tư tưởng chỉ đạo về: “Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(7) phải được cụ thể hóa vào từng khâu, từng bước phù hợp. Cần xác định rõ tỷ lệ phần trăm các môn Khoa học xã hội và nhân văn nói chung, môn lịch sử nói riêng trong tổng thể chương trình, nội dung xứng đáng với vị trí, tầm quan trọng trong các cấp giáo dục, đặc biệt là bậc phổ thông. Chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo sẽ tạo dựng các thế hệ con người có chất lượng cao theo tiêu chí, yêu cầu của phát triển nói chung và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0 nói riêng./.
 
----------------------------------------------------------------------
 
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 124
 
(2), (3), (4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 127, 125, 127, 126 - 127
 
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 127 - 128
 
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 114
 
Nguyễn Văn Thanh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
 
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 5
  • 9
  • 8
  • 7
lên đầu trang