Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 19/03/2024 | 12:39

Thứ ba, 19/03/2024 | 12:39

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 09:01 ngày 21/03/2018

HỘI NGHỊ ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐVN LẦN THỨ 28 (KHÓA XI): Đảm bảo quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Ngày 20.3, tại trụ sở Tổng LĐLĐVN, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị lần thứ 28 (khóa XI) dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. 

Tham dự hội nghị có đồng chí: Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Lý, Trần Văn Thuật, Nguyễn Thị Thu Hồng và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Đại diện Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Dân vận T.Ư đến dự.

Cần xác định rõ thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Trong buổi sáng 20.3, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - trình bày dự thảo báo cáo kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2017, trọng tâm phối hợp công tác năm 2018.

Thảo luận trong phần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trần Kim Yến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - đã chia sẻ thực trạng DN “bỏ trốn” tại TPHCM. Hiện thủ tục để xác định thế nào là chủ bỏ trốn vẫn còn đang rất nhiêu khê. “Chủ bỏ đi đồng nghĩa với công nhân bị nợ lương, nợ BHXH. Vừa qua, LĐLĐ TPHCM cũng tìm mọi cách để bảo vệ NLĐ trong trường hợp chủ DN bỏ trốn, như đóng tiền BHXH cho những trường hợp nữ mang thai để họ được hưởng chế độ thai sản” - đồng chí Trần Kim Yến cho biết. Không chỉ đóng tiền bảo hiểm cho công nhân, tổ chức CĐ còn phải nộp cả phần lãi do DN nộp chậm tiền đóng BHXH. Vì quyền lợi của NLĐ nên tổ chức CĐ vẫn phải nộp đầy đủ cả khoản tiền này, mặc dù rất “ấm ức”.

Đồng chí Trần Kim Yến theo đó đồng ý với đề xuất đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm trình ký ban hành Nghị định hướng dẫn khoản 7, Điều 10 Luật BHXH năm 2014 nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, nhất là NLĐ ở các DN có chủ bỏ trốn.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành tiêu chí xác định DN có chủ bỏ trốn để làm cơ sở cho NLĐ hoặc tổ chức CĐ khởi kiện ra tòa án yêu cầu phá sản DN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi DN phá sản. Đến nay, tiêu chí như thế nào là “chủ DN bỏ trốn” vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào định nghĩa cụ thể.

Đồng chí Trần Thanh Hải cho biết, vấn đề DN có chủ bỏ trốn là vấn đề thời sự, rộ lên tại thời điểm trước tết và hiện đang diễn ra. Vấn đề giải quyết tài sản trong những trường hợp này hiện còn rất nhiêu khê. Vì vậy, đồng chí Trần Thanh Hải cho rằng cần kiến nghị Thủ tướng để ban hành các văn bản pháp luật giải quyết tổng thể thực trạng này; kiến nghị khôi phục Quyết định 30 của Chính phủ. Năm 2009, khi hiện tượng chủ DN “bỏ đi không hẹn ngày trở lại” rộ lên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo quyết định này, chính quyền địa phương ứng ngân sách trả lương cho công nhân có chủ DN bỏ trốn trong năm 2009.

Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng cần có chế tài hạn chế tình trạng DN có chủ bỏ trốn đang nở rộ thời gian gần đây; đồng thời nhấn mạnh tổ chức CĐ sẽ có những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo các chế độ cho NLĐ về bảo hiểm, lương, việc làm… khi xảy ra những trường hợp này.

Toàn cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 28 (khóa XI). Ảnh: QUẾ CHI
Toàn cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 28 (khóa XI). Ảnh: QUẾ CHI

Nâng cao trình độ của đoàn viên, người lao động

Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trình bày tờ trình dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm tổ chức CĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Theo dự thảo báo cáo, những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân đã từng bước giải quyết có hiệu quả và hiệu quả rõ hơn trong 5 năm gần đây: Tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng dần và đang tiệm cận với mức sống tối thiểu của NLĐ; thu nhập được cải thiện đáng kể; việc làm ổn định, tỉ lệ thất nghiệp giảm; chính sách an sinh xã hội cho NLĐ được bổ sung, hoàn thiện; nhà ở, thiết chế văn hóa, nhà trẻ mẫu giáo, nơi vui chơi giải trí trong các KCN được quan tâm đầu tư xây dựng, huy động mọi nguồn lực từ phía ngân sách nhà nước, địa phương, DN, xã hội.

Còn theo dự thảo báo cáo thực hiện Chương trình số 1464/CTr-TLĐ ngày 8.10.2013 của Tổng LĐLĐVN về “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ”, việc thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đã được các cấp CĐ tích cực thực hiện. Theo thống kê, từ 2013 đến nay, đã có 7.392 DN đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho CNLĐ vào TƯLĐTT (trong đó có 1.155 DN nhà nước, 4.550 DN tư nhân, 1.687 DN có vốn đầu tư nước ngoài); 33.473 cơ quan đơn vị đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho CNLĐ vào nghị quyết hội nghị NLĐ; 19.513 cơ quan đơn vị xây dựng được quỹ khuyến học hỗ trợ NLĐ học tập; 1.483 DN có quỹ khuyến học hỗ trợ công nhân.

Các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo báo cáo trên. Hội nghị còn ghi nhận nhiều thảo luận về các nội dung khác: Dự thảo (lần 10) Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI trình tại Đại hội XII CĐ Việt Nam; Tờ trình về việc ban hành Quy định về định mức chi cho công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản trong các cơ quan CĐ; Tờ trình Đề án của Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN về “Tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong CNLĐ; Tờ trình Quy định hoạt động giám sát trong tổ chức CĐ; Tờ trình hướng dẫn tiếp cán bộ, đoàn viên và NLĐ; Tờ trình về việc tiếp thu ý kiến Ban Bí thư T.Ư Đảng về Dự thảo Điều lệ CĐ Việt Nam; Tờ trình xin chủ trương Đoàn Chủ tịch về điều chỉnh cơ cấu phân bổ đại biểu bầu dự Đại hội XII CĐ Việt Nam.

Về kế hoạch Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân khu vực phía Bắc năm 2018, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, dự kiến sự kiện này sẽ được tổ chức tại tỉnh Hà Nam với khoảng 2.000 CNLĐ tham dự. Một trong những hoạt động của sự kiện này là Thủ tướng sẽ trao học bổng của Thủ tướng cho CNLĐ. Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường giao cho Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các văn bản được đưa ra thảo luận tại hội nghị.

Theo Báo Lao động

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 2
  • 9
  • 1
  • 0
  • 8
  • 8
lên đầu trang