Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:58

Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:58

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 08:19 ngày 24/01/2018

Khi cả xã hội cùng tiết kiệm

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số hơn 5.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ có phần rất lớn từ tiết kiệm của gần 1.000 dự án thông qua các biện pháp kỹ thuật như đấu thầu, quyết toán...

Đó mới chỉ là phần tính toán tiết kiệm được từ các dự án có sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Nếu tinh thần tiết kiệm ấy được nhân rộng ra với toàn bộ chi tiêu công và chi tiêu của cả xã hội, nguồn lực tiết kiệm được sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, nếu mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị sử dụng điện, nước tiết kiệm hơn, số tiền khổng lồ đầu tư khắc phục tình trạng quá tải điện, nước sẽ được tiết kiệm để đầu tư kéo đường điện, nước tới các vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng còn khó khăn. Như vậy, tiết kiệm điện, nước không chỉ giúp mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị phải trả ít tiền điện, nước hơn mà còn góp phần giúp tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, tăng chi phúc lợi xã hội và mang lại sự phát triển đồng đều hơn cho các vùng, miền.

Tương tự như vậy, mỗi người lao động tiết kiệm về thời gian ắt sẽ nâng cao được năng suất lao động, tăng thu nhập cho bản thân và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mỗi người lái xe, mỗi cơ quan, đơn vị tiết kiệm xăng xe hơn sẽ không chỉ tiết kiệm khoản tiền mua xăng trước mắt, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu - yếu tố đang gây thiệt hại cho Việt Nam mỗi năm từ 1 đến 1,5% tổng thu nhập quốc dân (GDP). Những việc tiết kiệm ấy tưởng rất nhỏ nhưng mang lại ích lợi rất to lớn và nhiều ý nghĩa.

Trong lĩnh vực đầu tư công, mỗi dự án đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ cần thiết, tầm mức của công trình, tiết giảm tối đa những chi phí “ăn theo” vốn chỉ mang tính thủ tục, hình thức, lễ lạt. Các dự án đầu tư công cũng cần được kiểm soát hiệu quả thông qua các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn kịp thời các hình thức móc ngoặc, chia chác hoặc “rút ruột” công trình, nhất là ngăn chặn việc đầu tư những công trình tiền tỷ nhưng không phát huy nhiều tác dụng, thậm chí bỏ hoang. Như vậy không những sẽ tránh việc phát sinh thêm những khoản nợ công không đáng, mà còn tiết kiệm được nguồn lực để trả dứt điểm những khoản nợ vay tới hạn.

Ở Việt Nam, ngay từ xa xưa, ông cha ta đã có nhiều đúc kết nhằm răn dạy con cháu phải tiết kiệm để lo cho tương lai bằng những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao mộc mạc nhưng rất thâm thúy: “Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí”, “Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”…

Trên thế giới, khắp nơi đều nể phục cách tiết kiệm của người Nhật. Nhờ tinh thần tiết kiệm, chi tiêu một cách thông minh, người Nhật đã chung tay đưa đất nước trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Từ lời răn dạy của cha ông cho tới bài học thực tế từ Nhật Bản cho thấy, gia đình, xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu biết cách chi tiêu thông minh, không lãng phí. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần tiết kiệm hợp lý trong chi tiêu; coi đó là trách nhiệm với gia đình, cơ quan, đơn vị, cộng đồng, xã hội và cao hơn là trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Tinh thần tiết kiệm hợp lý ấy cần được duy trì liên tục, thường xuyên để tạo sức mạnh tích lũy tổng hợp, sớm hiện thực hóa giấc mơ bao đời là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh giàu…/.

Chiến Thắng (Báo QĐND)
Theo: tuyengiao.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 3
  • 5
  • 0
  • 7
lên đầu trang