Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:10

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:10

Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Cập nhật lúc 08:48 ngày 11/07/2017

Truyền thông phòng, chống ma túy: Cần hướng vào đối tượng đích

Trong cuộc chiến đấu tranh chống ma túy, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện vấn đề, tạo dư luận xã hội và định hướng cho công chúng có cái nhìn đúng và đủ về tác hại và hậu quả mà ma túy gây ra.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy vẫn còn hạn chế

Trong những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh truyền thông, huy động sức người sức của vào công tác phòng, chống ma túy. Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên việc tuyên truyền phòng, chống ma túy hiện nay vẫn còn một số hạn chế.

 

Tuyên truyền phòng, chống ma túy cho thanh niên

 

Hiện nay, ở một số nơi, nội dung tuyên truyền đã cũ thông tin chung chung mang tính hù dọa gây hiệu ứng kỳ thị, xa lánh. Việc cho rằng càng đông người nghe càng hiệu quả là một sai lầm vì không phải ai cũng có nhu cầu nghe. Đôi khi, trong những buổi tuyên truyền còn lên án người nghiện, khiến họ bị cô lập. Chưa khuyến khích đối tượng đích bằng các mô hình, điển hình.

Việc giáo dục thường mang tính chất đạo đức, chỉ tập trung nhiều vào giáo dục chính trị, tư tưởng và hời hợt trong giáo dục nhân bản vì thế không phát huy được nội lực, giảm tính chủ động ở mỗi đối tượng. Lấy giáo dục pháp luật làm đối trọng với hành vi cá nhân, dễ mang hậu quả là phân biệt đối xử.

Truyền thông hiện vẫn chưa mang tính phổ cập, người là đối tượng đích ít có cơ hội tiếp cận. Chống ma túy một cách rầm rộ bằng xe hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, xuống đường cũng là một cách “trấn áp”, làm cho đối tượng khép mình, lẩn trốn, tạm ngưng hành động tiêu cực vì sợ mà không gợi lên ý thức tự giác, tính tích cực muốn thay đổi cũ.

Hình thức tuyên truyền còn thiếu thực tế, mang tính hù dọa, mang tính chất một chiều, suy diễn, đối tượng đích ít có cơ hội tham gia thể hiện. Bên cạnh đó, tuyên truyền hiện còn còn phân tán, thiếu sự phối hợp và lồng ghép với các hoạt động khác liên quan gây tốn kém kinh phí nhưng hiệu quả thấp và không bền vững. Cộng đồng mới chỉ là thành phần được và bị tuyên truyền mà không phải là thành phần tạo ra sản phẩm tuyên truyền.

Người trong cuộc muốn gì?

Anh Nguyễn Văn Bắc (Quế Võ, Bắc Ninh) người đã cai nghiện được 20 năm nhấn mạnh: “Truyền thông giảm kỳ thị đối với người sử dụng ma túy là rất quan trọng”. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, nhờ có ý chí vươn lên, tự tin trong cuộc sống mà hiện nay anh Bắc đã trở thành công an xã của huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nhờ những kinh nghiệm về các công tác an ninh trật tự tại địa phương, anh Bắc đã thấy rõ nhiều thực trạng trong công tác truyền thông phòng chống ma túy như nội dung truyền thông chưa được hấp dẫn, dễ gây hiệu ứng ngược, khiến đối tượng được truyền thông tò mò hơn.

Ngoài tuyên truyền phòng, chống ma túy nói chung, thì việc truyền thông cho thân nhân người sử dụng ma túy là rất cần thiết. Bởi vì, hiện nay vẫn còn nhiều thành viên trong gia đình người sử dụng ma túy có quan niệm rằng nghiện ma túy không thể cai nghiện được, nên từ đó không tạo dựng được sự đồng hành, hỗ trợ giúp người sử dụng cai nghiện hoặc người cai nghiện thành công tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Đoàn Hữu Mai (Thủy Nguyên, Hải Phòng, từng nghiện ma túy) nhấn mạnh, truyền thông cho chính những người cai nghiện thành công hiểu được ý nghĩa về giá trị của bản thân và giúp họ vững vàng, tự tin trong cuộc sống cũng là điều vô cùng cần thiết.

Còn chị Nguyễn Thúy Hằng (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc tuyên truyền phòng, chống ma túy nên tập trung vào giới trẻ nhất là học sinh, sinh viên. Vì ma túy đá như là một cơn bão tác động vào giới trẻ và đặc biệt cha mẹ lại không đủ hiểu biết để ngăn chặn kịp thời. Do đó, để giúp giảm được tỷ lệ người nghiện mới, thì việc tuyên truyền đầy đủ kiến thức, kỹ năng về các loại ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần có nguy cơ gây nghiện là việc hết sức cần thiết. Việc đưa ra những phương thức giúp phụ huynh nhận diện được sự thay đổi của con em mình cũng là vấn đề đáng chú ý.

Hướng tới đối tượng đích

Để tuyên truyền phòng, chống ma túy đạt hiệu quả như mong muốn cần tiếp cận phương pháp mới, phải hướng vào đối tượng đích. Việc huy động sự tham gia của đối tượng đích nhằm giải phóng thông tin một chiều, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu thay đổi thực trạng đó của đối tượng đích. Đối tượng đích tự đưa ra kế hoạch và biện pháp làm thay đổi thực trạng đó chính là yếu tố “phòng ngừa chủ động”. Đối tượng đích có kế hoạch cho chính mình, vì vậy họ có trách nhiệm và nhu cầu kiểm soát được kế hoạch của mình nói riêng và hành vi của mình nói chung.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, trong giáo dục, thay đổi hành vi thảo luận nhóm đem lại hiệu quả hàng chục lần so với thuyết trình. Chính vì vậy, việc tuyên truyền thông qua nhóm nhỏ, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, tuyên truyền gắn với giáo dục đạo đức không chỉ sử dụng những vấn đề về thuần phong mỹ tục mà còn cần tăng cường dạy những giá trị sống như sự trung thực, tinh thần trách nhiệm, tính vị tha và sự tôn trọng nhân phẩm, lợi ích chung.

Một số biện pháp tuyên truyền có hiệu quả như: Thông tin hai chiều; tuyên truyền thông qua các câu lạc bộ, nhóm đồng đằng, các cuộc thi tìm hiểu theo chuyên đề, thông qua các dòng tộc, tôn giáo, báo chí, truyền hình; tuyên truyền có sự cùng tham gia của các tổ chức xã hội, thông qua các diễn đàn xã hội lồng ghép vào các ngày lễ ngày truyền thống để nâng cao nhận thức của các thành phần xã hội; tuyên truyền tương tác tại các buổi tọa đàm, các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao văn hóa… Việc tuyên truyền pháp luật cần giảm bớt thời lượng về các biện pháp xử phạt mà chú trọng tuyên truyền phòng ngừa các nguy cơ vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội mang tính chủ động…

Bài, ảnh: Nhật Thy

Theo: tiengchuong.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 6
  • 4
  • 8
  • 3
lên đầu trang