Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 07:33

Thứ bảy, 20/04/2024 | 07:33

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 10:59 ngày 21/06/2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng Việt Nam

Hồ Chủ tịch không chỉ là người sáng lập tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam - báo Thanh niên, mà còn là một nhà báo bậc thầy. Nhưng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm tốn chưa bao giờ nhận mình là nhà báo, Người chỉ coi mình là người say mê báo chí, có nhiều duyên nợ với báo chí.


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện, tổ chức  hệ thống báo chí cách mạng nước nhà, đặc biệt là trong giai đoạn truyền bá và giáo dục lý luận cách mạng thời kỳ đầu của cách mạng, thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp.

Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên (báo Thanh niên - ngày 21/6/1925 ra số đầu tiên), mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là cây viết chủ yếu và trực tiếp biên tập nội dung, tổ chức xuất bản, in ấn và phát hành các tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh niên (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ (1930), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942).

Trong khoảng thời gian hơn 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, Bác có gần 200 bút danh. Cách viết của Người dễ hiểu, giản dị mà sâu sắc. Người đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo, trong đó có cách viết, cách nói.

Bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị. Trong tư duy của Người, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó, mà nhất thiết báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, phải dành cho đông đảo nhân dân. Tính chất báo chí, theo Bác Hồ, trước hết là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu...”.

Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (8-9-1962), Bác đã nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ".

Đề cập đến cách làm báo, cũng tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên kinh nghiệm của bản thân trong làm báo: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Người cũng thẳng thắn phê bình các báo mắc phải những lỗi như: Viết quá dài, "dây cà ra dây muống", không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta; đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng; để lộ bí mật; viết quá lố bịch... Người nhấn mạnh rằng khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng...

“Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như Lê-nin, Người dùng rất ít chữ mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được(Nhà văn hoá Hà Huy Giáp).

Ta có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà báo bậc thầy, với trí tuệ mẫn tiệp và nhân cách lớn, nhưng phong cách lại giản dị, khiêm nhường. Người mãi là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, nhân cách, phong cách, ý chí và ngòi bút mẫn tiệp để các nhà báo lấy làm chuẩn mực noi theo.

ST


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 1
  • 5
  • 2
  • 6
lên đầu trang