Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:49

Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:49

Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Cập nhật lúc 02:06 ngày 01/06/2017

Tuyên truyền để cộng đồng không còn kỳ thị với người nghiện

Chủ đề Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay của Chính phủ là "Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy". Để "chung tay hỗ trợ", trước hết, cộng đồng phải không còn kỳ thị với người nghiện. Cách tuyên truyền cần được tổ chức như thế nào để góp phần vào công việc đó.

Kỳ thị ngăn cản sự hỗ trợ

Kỳ thị là một từ Hy Lạp mà nguồn gốc của nó nói đến một loại dấu được khắc hoặc đóng vào da, xác định những người là tội phạm, nô lệ hoặc những kẻ phản bội phải xa lánh.

Kỳ thị, phân biệt đối xử đã xuất hiện từ hàng nghìn năm nay, được thể hiện ở nhiều dạng như chủng tộc màu da, tín ngưỡng tôn giáo, thể chế chính trị, khuynh hướng tình dục, phân biệt giới tính, địa vị xã hội, giàu nghèo,, chuẩn mực đạo đức, bệnh tật hiểm nghèo...

Ngày nay có thể hiểu, kỳ thị là thái độ không chấp nhận và áp đặt cái nhìn tiêu cực, gắn nhãn cho một người hoặc một nhóm người trên cơ sở sự khác biệt về một phẩm chất hay đặc điểm nào đó.

Trong các nhóm yếu thế hiện nay như người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn… thì làm giảm kỳ thị, tiến tới không còn kỳ thị với người nghiện ma túy (hoặc với người bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS) là khó khăn nhất. Vì người nghiện, bên cạnh là người mang trạng thái bệnh lý, cần được chia sẻ để chữa bệnh còn là người mang dấu ấn về khác biệt chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, gây ra nhiều việc ảnh hưởng và tổn hại đến trật tự an ninh xã và cuộc sống an bình của cộng đồng. Mặt khác, việc người nghiện từ bỏ được ma túy cũng rất chật vật, tái nghiện thường xuyên dẫn đến cộng đồng không tin là họ có thể cai được.

Kỳ thị với người nghiện có nhiều dạng thức và biểu hiện khác nhau như kỳ thị trong cảm nhận là cảm giác và thái độ đối với họ; kỳ thị về thể chất là ghê sợ những hành vi liên quan đến sử dụng và nghiện ma túy; kỳ thị về mặt đạo đức là sự khinh bỉ, phê phán và lên án; kỳ thị từ bên ngoài là đối xử khác biệt, không công bằng, gây áp lực, hắt hủi, trừng phạt, gây phiền hà, đổ lỗi hoặc loại trừ những người này; tự kỳ thị là tự họ có thái độ không chấp nhận hoặc áp đặt cách nhìn tiêu cực đối với chính bản thân mình như tự căm ghét, xấu hổ, tự phê phán, cảm thấy đang bị người khác xét đoán nên tự cô lập, từ đó tự tách mình ra khỏi gia đình và cộng đồng.

Từ thái độ kỳ thị sẽ chuyển thành hành động phân biệt đối xử, thể hiện qua sự đối xử không công bằng đối với người nghiện.Phân biệt đối xử cũng được thể hiện trên nhiều khía cạnh, việc làm mang tính tiêu cực với người bị kỳ thị.Mà đã như vậy, thật khó vận động cộng đồng có nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện.

Không còn kỳ thị với người nghiện có ý nghĩa gì cho cai nghiện?

Ở đây chỉ xin đề cập việc tác động đến mục tiêu của cai nghiện. Mục tiêu của cai nghiện là thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, tâm lý, xã hội để từng bước giúp họ hồi phục, hòa nhập cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó, thì khi thực hiện các giải pháp và ở mọi giai đoạn của quy trình cai nghiện đều đòi hỏi không kỳ thị với người nghiện.

 Cũng như vậy, những người làm công tác điều trị tâm lý-vốn có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn phục hồi-lại tỏ ra thiếu kiến thức, kỹ năng về tư vấn, tỏ thái độ xa cách, không hiểu và thông tỏ những khó khăn, những khủng hoảng của người nghiện đang gặp phải để cùng người nghiện bàn cách vượt qua.Chúng ta không thể hình dung được người nghiện sẽ an tâm điều trịở giai đoạn cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe thế nào nếu như các thầy thuốc tỏ ra khô lạnh, coi thường, thờ ơ với nỗi đau do hội chứng cai, sự hoành hành của các bệnh cơ hội, không động viên, quan tâm chăm sóc, lời nói thì hách dịch, đặc sệt mệnh lệnh hành chính, ban phát…Ngược lại, sự yêu thương, tôn trọng, sẻ chia của người thầy thuốc chính là tạo động lực giúp họ vượt qua giai đoạn cai nghiện ban đầu.

Nói chung, cơ sở cai nghiện phải xây dựng trở thành thân thiện, trong đó các biện pháp y tế, tâm lý phải trở lên đặc biệt thân thiện. Còn các giải pháp xã hội thì chủ yếu thực hiện khi người nghiện trở về cộng đồng. Ở đây, cần huy động tổng lực sự ân cần, quan tâm giúp đỡ thiết thực của gia đình, hàng xóm, khu dân cư, các đoàn thể, chính quyền cơ sở, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp…nhưng chính cộng đồng cũng là nơi dễ xảy ra sự kỳ thị nặng nề.

Nhiều người từ bỏ được ma túy chia sẻ, em có ngày hôm nay là do được vợ con, bố mẹ, các bác trong chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể không "bỏ" em, không coi em là người "hết phương cứu chữa", đã giúp đỡ em rất nhiều về tinh thần và công việc.

Rất nhiều Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện ở cơ sở đã gặp tình huống: Tiếp cận gia đình có người cai nghiện từ cơ sở cai nghiện trở về lúc đầu vô cùng khó khăn như bất hợp tác, không cho tình nguyện viên vào nhà, thậm chí chửi bới, đe dọa. Nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, có kỹ năng công tác xã hội, sau nhiều lần, có khi hàng chục lần, người tình nguyện đã chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của bản thân và gia đình người nghiện. Để có được điều đó, người tình nguyện, ngoài lòng kiên trì, tình thương, trách nhiệm còn thực hiện rất nhiều hoạt động để tư vấn, tìm công ăn, việc làm, vận động mọi người không kỳ thị…

Tóm lại, vận động không kỳ thị sẽ giúp cán bộ cai nghiện và cộng đồng tham gia, hỗ trợ  đểcông tác cai nghiện, giúp người nghiện có hiệu quả.Thông qua kết quả xóa bỏ kỳ thị với người nghiện, cộng đồng thêm gắn bó, phát huy bản sắc văn hóa nhân ái, giàu tình thương, thúc đẩy các phong trào xây dựng cộng đồng vững mạnh.

Cách tuyên truyền góp phần không còn kỳ thị với người nghiện

Xóa bỏ kỳ thị là quá trình từng bước, lâu dài. Tốc độ giảm kỳ thị còn phụ thuộc vào người nghiện được giúp đỡ.Không bỏ kỳ thị thì không giúp được người nghiện hồi phục.Nhưng giúp đỡ mà người nghiện chậm tiến bộ cũng làm giảm niềm tin và sự giúp đỡ của cộng đồng. Hai vấn đề có sự bổ sung, gắn bó hữu cơ.

Để cộng đồng không còn kỳ thị với người cai nghiện thì trước hết cần tuyên truyền tạo chuyển biến trước cho đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể và tập trung vào các nội dung: Bản chất nghiện ma túy là một dạng bệnh lý tâm thần, có khi họ muốn thoát ra mà không tự làm được,rất cần sự trợ giúp của xã hội hoặc nhiều hành vi của họ ảnh hưởng đến gia đình và xã hội nhưng không phải do họ cố ý thực hiện mà là hậu quả của bệnh tật. Tuyên truyền về mục tiêu của cai nghiện, khẳng định nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được; tuyên truyền về lòng vị tha, bản chất nhân ái của dân tộc,về tác động tiêu cực của sự kỳ thị và những lợi ích của xã hội, của cộng đồng khi không còn kỳ thị…Khi đội ngũ cán bộ đã thông suốt, hỗ trợ người nghiện nhiệt thành, sẽ là đầu tàu kéo giảm sự kỳ thị của xã hội.

Cần tuyên truyền sinh động, rộng rãi, người thật, việc thật những người có quyết tâm và nghị lực, vượt khó, cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng, có nhiều hoạt động trợ giúp xã hội, nhất là giúp đỡ người nghiện.

Tuyên truyền cụ thể những tập thể và cá nhân nhân ái, nhiệt huyết, những chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có công lao giúp đỡ người cai nghiện, giúp họ phòng chống tái nghiện bằng công sức, công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Tuyên truyền về những cách làm, mô hình giúp đỡ người nghiện có hiệu quả; các cơ sở cai nghiện thân thiện; quan điểm của Đảng, những cơ chế, chính sách của Nhà nước về chống kỳ thị và hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện…

Tất cả những tuyên truyền đó sẽ tác động đến cộng đồng, giúp mọi người suy nghĩ, noi theo, vận dụng vào công việc để giảm dần sự kỳ thị.

Khi tuyên truyền cần làm rõ 2 ý. Thứ nhất, người nghiện là người có bệnh, cộng đồng có thể tha thứ cho những hành vi vi phạm pháp luật, TNXH không do chủ ý, không làm tổn thương nhiều cho xã hội. Những hành vi tương tự của họ sẽ biến mất khi giúp họ từ bỏ được ma túy. Thứ hai, những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, tổn hại nghiêm trọng, có chủ ý, hoặc cố tình chối bỏ sự giúp đỡ, cưu mang của cộng đồng thì không phải chỉ bị cai nghiện bắt buộc mà còn phải xử lý bằng các biện pháp pháp luật nghiêm khắc khác để giáo dục, cải tạo, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Việc áp dụng các biện pháp này không phải là sự “tái” kỳ thị với người nghiện. Tất cả người dân đều được pháp luật đối xử công bằng. Xóa bỏ kỳ thị không phải là sự dễ dãi, một chiều, cần cả sự hợp tác và có bằng chứng sự tiến bộ, phục thiện của người nghiện.

Đương nhiên, việc tuyên truyền, vận động chống kỳ thị phải linh hoạt, sáng tạo cả nội dung và hình thức để phù hợp với môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng tuyên truyền.Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền chống kỳ thị cũng phải được quan tâm thường xuyên.

Lê Hiền

Theo: tiengchuong.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 3
  • 6
  • 2
  • 2
  • 2
lên đầu trang