Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:59

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:59

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 03:40 ngày 19/05/2017

Bài viết dự thi Cuộc thi viết "CĐXDVN - 60 năm xây dựng và phát triển": Tập thể CĐCS Văn phòng TCty DIC- Giải khuyến khích

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là Chủ trương lớn của Chính phủ, tiến tới thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Các tổ chức chính trị - xã hội như tổ chức Đảng cơ sở, Công đoàn, Đoàn thanh niên của doanh nghiệp (DN) sau khi thoái vốn nhà nước về nguyên tắc không thay đổi, nhưng về nội dung và hình thức hoạt động trong thực tế đã có sự thay đổi nhất định so với khi còn là DN nhà nước. Người lao động là một trong những chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn này.

Với tư cách là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, công đoàn cơ sở trong bối cảnh mới cần chủ động và linh hoạt hơn để chỗ dựa tin cậy cho người lao động.

Hiến pháp Việt Nam quy định rõ, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, công đoàn cơ sở có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong DN và với người lao động. Một tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả có thể giúp cân đối lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, hoạt động ở một số công đoàn cơ sở nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn tư nhân (các DN nhà nước sau khi thoái hết vốn) có phần mờ nhạt và khó khăn hơn, dẫn đến chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động chưa được đảm bảo, quan hệ lao động có những diễn biến phức tạp... ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất kinh doanh của DN, đời sống của người lao động không được đảm bảo và chăm lo đầy đủ, người sử dụng lao động chưa thực sự thấy rõ vai trò của công đoàn, nên cũng chưa thực sự cộng tác, tạo điều kiện để công đoàn hoạt động. Do vậy, để công đoàn cơ sở hoạt động tốt trong môi trường mới, công đoàn cấp trên cơ sở cần phải:

Thứ nhất, đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cao, nắm chắc các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, pháp luật DN và công đoàn, nắm chắc các nguyên tắc, phương pháp hoạt động và tình hình thực tế của DN và có kỹ năng đàm phán, thương lượng với giới chủ - Nguồn kinh phí do Công đoàn cấp trên cơ sở tài trợ 100% kinh phí (bao gồm tiền lương và thu nhập của cán bộ công đoàn được cử đi học).

Thứ hai, Công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ, việc làm thu nhập của họ phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Người lao động trong doanh nghiệp muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao thì trước tiên phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, phải lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao để doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Công đoàn cần tuyên truyền, vận động để người lao động nhận thức rõ sự đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự cần thiết phải tái cấu trúc các doanh nghiệp. Trước tiên là các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế. Trên cơ sở đó để công nhân, lao động tích cực chủ động ủng hộ chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

Thứ ba, công đoàn cần chủ động xây dựng quan hệ hợp tác tin cậy với người sử dụng lao động, linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, nhưng phải giữ vững nguyên tắc trong quan hệ, để xây dựng mối quan hệ bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để công đoàn, người sử dụng lao động và cả người lao động thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ vì quyền lợi ích người lao động, lợi ích DN và lợi ích xã hội. Công đoàn phải bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng thiết thực nhằm tập hợp trí tuệ của CNVCLĐ tham gia với chủ doanh nghiệp về các phương án khắc phục mọi khó khăn, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đưa doanh nghiệp phát triển, nhằm, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo quyền lợi ích người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích xã hội.

Thứ tư, cần chủ động đề ra các nội dung phương pháp hoạt động công đoàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chủ động tham gia với chủ sở hữu, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với người lao động. Khi phải tái cấu trúc doanh nghiêp, sắp xếp lại lao động, công đoàn cần đề xuất phải tiến hành dân chủ, công khai bàn bạc với người lao động, dân chủ công khai các chính sách đối với những người lao động phải sắp xếp lại, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, vì sự phát triển của doanh nghiệp vì quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động. Trường hợp thấy cần thiết phải thương lượng, ký kết lại thỏa ước lao động tập thể, thì công đoàn cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động tham gia xây dựng dự thảo thỏa ước, đại diện người lao động thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể sao cho có nhiều điều khoản quy định trong thỏa ước có lợi cho người lao động hơn so với quy định của pháp luật.
Thứ năm, công đoàn cần chủ động vận động tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất với các nội dung thiết thực cụ thể nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của CNVCLĐ, lao động, sản xuất với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, để doanh nghiệp chiến thắng trong cạnh tranh, đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động.

Thứ sáu, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ và tạo điều kiện để người lao động học tập nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp, giỏi một nghề, biết nhiều nghề để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và để khi DN thay đổi sở hữu, thay đổi cơ cấu người lao động vẫn có cơ hội, điều kiện có việc làm đảm bảo thu nhập.

Cuối cùng, tuyên truyền vận động người lao động gia nhập, tham gia hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh; đẩy mạnh các hoạt động xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo việc làm, thu nhập và các quyền, lợi ích khác của người lao động không ngừng tăng lên.
Trong điều kiện Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, thì chuyển đổi DN Nhà nước là chiến lược vận hành cần được thực hiện để phù hợp với vai trò và vị trí của nó cũng như bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, bài toán đặt ra ở đây vẫn là việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

7 đề xuất cụ thể nêu trên là những giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp dành cho người lao động.

Tập thể Công đoàn cơ sở Văn phòng Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 7
  • 1
  • 8
  • 3
lên đầu trang