Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 27/09/2024 | 18:24

Thứ sáu, 27/09/2024 | 18:24

Đoàn viên Công đoàn

Cập nhật lúc 03:39 ngày 19/05/2017

Trương Công Hào

Năm 2016, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN quyết định lấy chủ đề hoạt động “Năm 2016 là năm phát triển đoàn viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn cơ sở”.

Để cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2016, Công đoàn Xây dựng Việt Nam xác định nhiệm vụ quan trọng tập trung triển khai chỉ đạo: “Tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển đoàn viên, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công Đoàn các cấp, xây dựng Công đoàn cơ sở (CĐCS) vững mạnh toàn diện”. Đồng thời các cấp Công Đoàn trong ngành cần tiếp tục phối hợp tốt với chuyên môn, chăm lo đảm bảo việc làm, thu nhập, chế độ chính sách đối với người lao động.

Đối với khối các đơn vị sự nghiệp, cán bộ, đoàn viên đã tích cực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, quản lý dự án, tham gia soạn thảo nhiều văn bản phục vụ quản lý nhà nước ngành Xây dựng, hoàn thành các đề tài, dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Thực tế đã chứng minh việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở là vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển của tổ chức công đoàn, do đó để xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, trong thời gian tới tôi mạnh dạn đề xuất một số ý tưởng có ý nghĩa thực tiễn đối với hoạt động công đoàn Trường ĐHXD Miền Tây như sau:

Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ủy đối với Công đoàn. Nên xác định, tổ chức Công đoàn phải luôn kề vai với chính quyền để làm tất cả những gì tốt nhất cho Cán bộ, Viên chức, Giảng viên (CB.VC.GV) trong nhà Trường.

Công đoàn cơ sở phát huy hơn nữa vai trò của mình, cùng với chính quyền động viên, tuyên truyền làm tốt công tác tư tưởng, công tác dân vận. Phát động nhiều phong trào thi đua và có những hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời, biểu dương các sáng kiến có giá trị, làm sao để CB.VC.GV phát huy tối đa sáng tạo.

Trong tổ chức hoạt động của Công đoàn, càng thu hút được nhiều người tham gia thì hiệu quả càng cao; cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, thành lập các ban chuyên đề, tập hợp người nhiệt tình, có khả năng làm nòng cốt tham gia các hoạt động. Lựa chọn hình thức sinh hoạt hấp dẫn; nội dung hoạt động phù hợp với trình độ, với tình hình công tác của nhà Trường.

Mỗi năm hoặc mỗi nhiệm kỳ, hoạt động công đoàn cũng phải có hình thức đổi mới cho phù hợp. Nên đề ra các chủ đề để hoạt động thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Ví dụ đề xuất chủ đề hoạt động trong năm tới hay nhiệm kỳ tới là khẩu hiệu “Hành động”.

Đoàn Thanh niên, tổ nữ công là hai tổ chức rất gần gũi và có nhiều gắn bó với Công đoàn trong mọi hoạt động, mọi phong trào, mọi công việc do Đảng ủy chủ trương, Ban Giám hiệu phát động mà lại không có sự tham gia của các tổ chức này, do đó nếu Công đoàn cơ sở tăng cường phối kết hợp với Đoàn Thanh niên, tổ nữ công thì công việc trôi chảy, đạt hiệu quả. Sự phối kết hợp đó là dấu hiệu của đoàn kết nội bộ, mà đoàn kết là nguyên nhân của thành công.

Hai là, Cán bộ Công đoàn phải thực sự gương mẫu, được đoàn viên tin tưởng, ủng hộ. Người cán bộ Công đoàn phải nhanh nhạy với công việc, tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám hiệu làm cho phong trào sống động, nói và làm gắn liền với nhau, trong công việc, trong cuộc sống thật khéo léo và tế nhị. Cán bộ Công đoàn phải là người thực sự gần gũi, chia sẻ, gắn bó và thấu hiểu với những thuận lợi cũng như các khó khăn của CB.VC.GV. Các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, tọa đàm, các hội thi, nói chuyện chuyên đề, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm, về nguồn… tổ chức có hiệu quả, thiết thực, gắn liền với đặc thù của nhà Trường, nhất là phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt” ở các CĐBP có giảng viên.

Người cán bộ công đoàn cũng nên chấp nhận phần thiệt về mình, chấp nhận làm việc ngoài giờ, vì quyền lợi người lao động nhiều khi phải mất lòng lãnh đạo. Vì thế cán bộ công đoàn cần linh hoạt, mềm dẻo, biết tận dụng các cơ hội để hoạt động của mình đem lại hiệu quả nhất.

Cán bộ Công đoàn cần đổi mới phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức hỗ trợ. Việc hỗ trợ ở đây không chỉ là hỗ trợ Công đoàn viên mà phải hỗ trợ các Công đoàn Bộ phận (CĐBP) để cùng hoạt động tốt, nghĩa là: Ở đâu CĐBP khó, có Công đoàn cơ sở hỗ trợ, ở đâu Công đoàn viên khó, tổ chức Công đoàn có mặt. Và khi đó, CĐCS không chỉ chỉ đạo bằng văn bản mang tính chất hành chính, mà là ra văn bản hướng dẫn, tư vấn cho CĐBP.

Xây dựng phong trào tập hợp ý tưởng sáng tạo trong nội bộ nhà Trường, tập hợp các giải pháp và đề xuất của toàn thể CB.VC.GV, khuyến khích mọi người phát huy ý tưởng sáng tạo và sáng kiến, trên cơ sở nhận thức về quản lý không phải là kiểm soát, mà là khuyến khích.

Cán bộ Công đoàn luôn quán triệt nhận thức về công việc mình đang làm, đừng để Công đoàn viên lầm tưởng mình là lãnh đạo đoàn viên, chứ không phải là người đại diện cho Công đoàn viên.

Ba là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, chăm lo và bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, lao động; thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, các nội qui, qui chế của cơ quan. Thực tiễn cho thấy, CĐCS phải giải quyết rất đa dạng. Nếu là người có trách nhiệm, tâm huyết với công tác thì hầu như không lúc nào thấy hết việc. Bên cạnh những công việc định trước trong chương trình còn có nhiều việc phát sinh ngoài chương trình mà cũng không kém phần quan trọng và phức tạp. Để làm tốt công việc của một người cán bộ công đoàn, trong quá trình tổ chức thực hiện luôn nắm bắt kịp thời và xử lý kịp thời các thông tin, cần vận dụng một cách năng động, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nhà Trường.

Các CĐBP tùy vào điều kiện của mình để có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, qua đó sẽ có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo hiệu quả thiết thực.

Bốn là, CĐCS quan tâm đến công tác nữ công. Đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về hôn nhân gia đình, dân số KHHGĐ… CĐCS cần thực hiện các phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Đồng thời hưởng ứng các cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, nhất là tinh thần “Tương thân tương ái”, chương trình xây dựng “Mái ấm công đoàn”… Thực hiện có hiệu quả chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, qua đó nâng cao vị thế của công đoàn./.

Trương Công Hào
Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 9
  • 1
  • 5
  • 2
  • 5
  • 6
  • 8
lên đầu trang