Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:43

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:43

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 10:45 ngày 09/02/2017

Xuân của ước mong

Sau gần 6 năm “Vượt nắng - Thắng mưa”, những người thợ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đưa Thủy điện Lai Châu hòa vào lưới điện quốc gia sớm hơn so với kế hoạch một năm. Xuân này, đa số những công nhân lao động trên công trình Thủy điện Lai Châu đều được hưởng cái Tết đoàn viên. Mặc dù vậy, nhưng trong sâu thẳm mỗi người đều chung nguyện ước là mong sao xuân mới sẽ có việc làm mới.

 

Thuần phục sông Đà hung dữ

Có mặt tại thị trấn Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), nơi xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu, nhìn quang cảnh  xanh - sạch - đẹp không ai có thể nghĩ rằng chỉ vài tháng trước, nơi đây là một đại công trường tấp nập tiếng máy, tiếng xe và sự nỗ lực làm việc của những người thợ ngày đêm làm việc bất chấp nắng mưa, gió rét. Vào lúc cao điểm công trường có trên 8.000 công nhân lao động làm việc 3 ca liên tục với khối lượng công việc khổng lồ, vượt tiến độ thời gian, đảm bảo chất lượng, an toàn và tiết kiệm. Thay da, đổi thịt một địa danh xa xôi hẻo lánh, ít người biết đến, thành một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất của đất nước, rồi thuần phục được dòng sông Đà hung dữ là điều mà nhiều đời nay người dân nơi đây chưa bao giờ mơ tới.

Dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu là dự án thủy điện lớn thứ 3 của Việt Nam thuộc bậc thang trên cùng của dòng sông Đà với hồ chứa có dung tích 1,2 tỉ m3, công suất lắp máy 1.200MW. Cùng với Thủy điện Sơn La và Hòa Bình khi đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất phát điện trên dòng chính sông Đà lên đến 5.500MW. Tăng khả năng điều tiết lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng Bắc Bộ, tưới tiêu cho vùng hạ du. Đảm bảo giao thông đường thủy cho vùng Tây Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả nước nói chung và Tây Bắc nói riêng.

Nói về công trình “thế kỷ” này,  Phó giám đốc Ban Dự án lắp máy tại Thủy điện Lai Châu - Chu Đức Triệu cho biết, theo thiết kế, Thủy điện Lai Châu lắp đặt 37.000 tấn thiết bị, trong đó, riêng LILAMA 10 đã lắp 35.000 tấn. Lúc cao điểm, có khoảng 1.200 lao động, trong đó hơn 100 cán bộ, kỹ sư của công ty có mặt trên công trường. Mặt bằng thi công chật hẹp, địa hình núi cao hiểm trở, có lúc thiết kế chậm, nhưng do tổ chức thi công tốt, công ty vẫn đảm bảo và vượt tiến độ đề ra.

Tết sớm trên đại công trường

Gặp lại tôi trên công trường Thủy điện Lai Châu, anh Nguyễn Tuấn Phượng - đội cơ khí của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) hồ hởi cho biết, sau nhiều năm phải đón Tết trên công trường, năm nay anh được về quê sớm đón Tết cùng vợ con mà không vướng bận công việc. Với đặc thù nghề nghiệp nên anh đã đi nhiều công trình và đã nhiều năm đón Tết ở Sơn La và Lai Châu. Mỗi cái Tết  có một cảm giác khác nhau, nhưng đều tựu chung cảm giác nhớ nhà, nhất là bữa cơm đoàn viên chiều ba mươi Tết. Nhưng vì tiến độ công trình, mọi người cùng động viên nhau tạm quên đi nỗi nhớ cha mẹ, vợ con và lại bước vào công việc. Năm nay, công trình khánh thành,  Phượng sẽ về quê ăn Tết với bao dự định, như chỉnh trang lại nhà cửa, thăm thú họ hàng bạn bè và dành thời gian cho gia đình nhằm bù đắp lại phần nào cho họ những Tết vắng nhà.

Còn Đội trưởng Đội lắp máy tuabin của Lilama10 - Hoàng Văn Trác là một trong những người đến Lai Châu đầu tiên và đã đón 3 cái Tết trên công trường này. Anh cho biết, đây là công trường trọng điểm thường đòi hỏi tiến độ cao do vậy toàn bộ CNLĐ trên công trường đều không quản ngày đêm, mưa nắng, ngày lễ tết đều phải phân công nhau bám công trường làm việc 3 ca liên tục. 

Anh Trác trầm tư, chính vì hiểu được sự hy sinh và vất vả của người thợ, các cấp chính quyền và công đoàn đều quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người thợ. Đặc biệt là những dịp lễ tết, vì mỗi năm có một cái Tết, do vậy ai cũng muốn về đón xuân cùng gia đình vợ con. Năm nay, công trình đã xong tư tưởng anh em rất phấn chấn, vì có một niềm vui lớn mang về đón xuân cùng gia đình là công trình trọng điểm mà các anh thi công ngày đêm những năm qua đã hoàn thành, cùng đó là được sự khen thưởng động viên của các cấp chính quyền. Do vậy, xuân này sẽ là xuân vui nhất. “Ngoài những phần quà mang về cho gia đình, nhất định tôi sẽ mang một cành đào Tây Bắc về đón xuân cùng gia đình. Vì ngoài việc trang trí cho ngày xuân, nó cũng làm tôi vơi đi nỗi nhớ miền Tây Bắc”- anh Trác chia sẻ.

Ngày mai chúng tôi lại lên đường

Đó là câu nói dựa trên tựa đề của bài hát “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân mà Phó giám đốc Chu Đức Triệu nói với chúng tôi khi được hỏi về tâm trạng cũng như công việc từ trước tới đây khi Công trình “thế kỷ” đã kết thúc. Sau công trình này, những người thợ lắp máy lại tỏa đi các công trình Nhàn Hạt (Nghệ An), Ngòi Phát (Lào Cai), và nhiều công trình khác nữa. Anh Triệu cho biết, trong 10 năm qua, những người thợ Lắp máy Việt Nam đã thực hiện 2 công trình trọng điểm quốc gia là thủy điện Lai Châu và Sơn La. Hai công trình này đã thử lửa và rèn rũa bàn tay người thợ Lắp máy để có thể đương đầu và chinh phục mọi công trình tiếp theo.

 

Theo lilama.com.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 3
  • 9
  • 2
  • 9
  • 7
lên đầu trang