Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:18

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:18

Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Cập nhật lúc 10:00 ngày 07/11/2016

Cần nghiên cứu, đánh giá tác hại của “bóng cười”

Do những nguy cơ về sức khỏe mà “bóng cười” gây ra, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên sử dụng, đặc biệt là trẻ em. 

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, ở TPHCM, Hà Nội và một số địa phương có hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập chơi “khí cười” hay “bóng cười”, tức là hít khí trong quả bóng bay hoặc bình đựng khí để tạo cảm giác đê mê, hưng phấn, ảo giác và tạo những cơn cười vô cớ.

Trao đổi với phóng viên Trang Tiếng Chuông, Đại tá Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma tuý (Bộ Công An) cho biết, bóng cười (tên tiếng Anh là Funky ball hay Hippy Crack) thực chất là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O). N2O là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ, được dùng phổ biến trong y học, nhất là trong nha khoa, có tác dụng giảm đau, sử dụng để gây tê khi phẫu thuật, tuy nhiên, liều lượng và cách pha chế phải được kiểm soát chặt chẽ để không gây tác hại cho bệnh nhân.

Từ năm 2013, bóng cười bắt đầu nở rộ ở Việt Nam. Loại bóng này đang trở thành cơn sốt trong giới trẻ, những người thường xuyên lui tới các quán bar, vũ trường. Chúng được du nhập vào Việt Nam bằng đường xách tay và thời gian gần đây ngày càng trở nên phổ biến. Khi hít một lượng nhỏ N2O, khí đi sâu vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não sẽ khiến cho người hít khí cười ngặt nghẽo cả tiếng đồng hồ không dứt.

Các chuyên gia cảnh báo, mặc dù N20 được sử dụng trong lĩnh vực y tế nhưng việc sử dụng vào mục đích giải trí hoặc lạm dụng chất này có thể làm giảm lượng oxy trong não, dẫn đến mất tri giác, thậm chí gây tổn hại cho não bộ và bộ phận trong cơ thể. Việc tiếp xúc với N2O gây suy giảm nhất thời chức năng thần kinh, khả năng nghe nhìn. Việc thường xuyên sử dụng một lượng đáng kể N20 có thể dẫn đến tổn hại thần kinh. Lạm dụng N2O có thể gây thiếu oxy dẫn đến giảm huyết áp, ngất, thậm chí bị đột quỵ.

Hiện nay, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lý nghiêm ngặt; không phải là chất ma túy nên việc mua bán, sử dụng loại khí này đang có biểu hiện diễn ra ngày càng nhiều, công khai trong thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn với trị giá khoảng 50.000 đồng đến 150.000 đồng một quả bóng hoặc bình đựng khí. Tuy nhiên do những nguy cơ về sức khỏe do chất này gây ra, các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên sử dụng, đặc biệt là trẻ em. 

Hơn nữa, các loại “bóng cười” không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chất chứa trong đó ngoài N2O chưa xác định có chất nào khác hay không, chưa được kiểm soát đầy đủ. Để đánh giá đúng mức độ, tác hại của “khí cười” hay “bóng cười” đối với sức khỏe và gây nghiện đối với con người cần có sự khảo sát, điều tra, nghiên cứu, kết luận của các cơ quan chức năng.

Theo Đại tá Hoàng Anh Tuyên, trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi về tác hại của loại “khí cười” hay “bóng cười” đối với sức khỏe con người, nhất là trong thanh, thiếu niên. Cần khuyến cáo mọi người không sử dụng loại khí này sai mục đích, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc tuyên truyền cũng nên tránh “tác dụng ngược”, vô tình quảng bá và cách thức sử dụng "bóng cười", gây tò mò cho mọi người.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu, đánh giá tác động của các chất có trong loại khí này đối với sức khỏe, so sánh về tính chất, đặc điểm, tác hại, tính gây nghiện của nó với các loại chất ma túy hiện nay để đưa ra kết luận chính xác và xem xét việc đưa loại khí này vào danh mục các chất cấm mua bán trên thị trường.


Tại Mỹ, việc sở hữu khí N2O là hợp pháp theo luật liên bang. Tuy nhiên, nó sẽ được quản lý theo quy định của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Tại nhiều bang, việc buôn bán cũng bị quản lý chặt chẽ, cũng như giới hạn lượng khí N20 bán ra cho người dùng mà không có giấy phép đặc biệt.

Tại bang California (Mỹ), việc sở hữu bóng cười cho mục đích giải trí cũng được coi là không hợp pháp và bị cấm.

Tại New Zealand, Bộ Y tế đã ra cảnh báo về khí N2O. Việc buôn bán và sử dụng chúng mà không được kê đơn theo chỉ định của các chuyên gia y tế được coi là hành động bất hợp pháp. Do vậy, việc sử dụng bóng cười ngoài mục đích y tế cũng bị hạn chế.

Với Ấn Độ, khí N20 cũng được sử dụng chủ yếu cho y tế nên các hành động buôn bán, vận chuyển mà không có giấy phép được coi là bất hợp pháp.

Còn tại Anh, từ tháng 5/2016, chính phủ nước này đã ra lệnh cấm sử dụng bóng cười trong các hoạt động giải trí.

Hoàng Anh

Theo: tiengchuong.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 4
  • 2
  • 1
  • 0
lên đầu trang