Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:23

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:23

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 07:53 ngày 03/08/2016

Lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng thêm 7,3%: Chưa hài lòng

Ngày 2.8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) đã họp lần 2 về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2017. Cuộc họp diễn ra căng thẳng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch HĐTLQG Mai Đức Chính tiếp tục bảo vệ luận điểm tăng LTTV 11%. Tới 13h cùng ngày, với sự nhượng bộ giữa các bên, HĐTLQG mới thống nhất phương án điều chỉnh LTTV tăng trung bình 7,3% và trình lên Chính phủ xem xét.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính phát biểu tại buổi họp.

Lương quá thấp, 75% số NLĐ xin tăng ca

Ông Phạm Minh Huân cho biết, phiên họp lần 2 để các bên trao đổi lại, bổ sung các căn cứ xây dựng phương án và trình bày phương án điều chỉnh LTTV. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch HĐTLQG Mai Đức Chính cho rằng, nếu LTTV năm 2017 tăng 5% theo như đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì mới chỉ bù đắp cho chỉ số giá tiêu dùng (dự báo năm 2016 tăng gần 5%/năm). Như vậy, tỉ lệ tăng trên còn chưa tính tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 và bù đắp mức giãn cách giữa LTTV và nhu cầu sống tối thiểu (hiện LTTV mới chỉ đáp ứng được 85% nhu cầu sống tối thiểu).

Đáp lại, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN - cho rằng, hiện nay doanh nghiệp (DN) dệt may rất khó khăn và đề nghị không tăng LTTV năm 2017. Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - cũng cho rằng, DN đang gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên tăng LTTV nhưng chỉ ở mức 5% - đủ bù cho mức tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2016. Còn ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - đề nghị vẫn giữ ở mức 4-5% như ở phiên họp lần thứ nhất.

Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG đưa ra nhận định, nếu không có sự điều chỉnh LTTV sẽ có sức ép về tâm lý trong xã hội, lường trước được sẽ có đình công, vì vậy cần phải có sự điều chỉnh.

Không đồng tình với các phương án của đại diện DN đưa ra, ông Mai Đức Chính cho biết, hiện nay đời sống của NLĐ còn quá khó khăn. Vừa qua, theo khảo sát của Viện CN-CĐ về tình hình đời sống của NLĐ trong các DN năm 2016, thì 75% số NLĐ xin làm tăng ca vì mức lương quá thấp. Bình quân họ phải làm 29,2 giờ/tháng; số tiền tăng ca một tháng khoảng 1 triệu đồng. “Vì lương quá thấp, CN quá khó khăn khi chỉ trông chờ vào đồng lương nên họ không có cách nào khác phải tăng ca, làm thêm. Hơn nữa, do phải ở những căn phòng trọ tồi tàn, họ thà tăng ca để vào trong xưởng tránh nóng còn hơn “xông hơi” trong phòng trọ. Ngoài ra, họ còn thêm được một bữa ăn” - ông Chính chia sẻ. Bên cạnh đó, viện phí, học phí tăng sẽ tạo áp lực làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ cuối năm 2016.

Ông Chính cho biết thêm, khi được hỏi so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình NLĐ, có 14,2% số NLĐ trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ” trang trải; chỉ có 14,2% “có dư dật và tích luỹ”…

Chỉ tăng tối đa 250.000 đồng

Sau khi nghe các bên trình bày, ông Huân cho biết muốn các bên tập trung bàn LTTV tăng ở mức 6-7%. Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra phương án thứ 4 (ngoài 3 phương án đã đưa ra ở kỳ họp thứ nhất), tăng từ 5,6-6,5%, theo đó, giá trị tuyệt đối tăng từ 150.000 - 200.000 đồng tùy từng vùng.

Tiếp tục phát biểu, ông Mai Đức Chính khẳng định, LTTV phải tăng 10% mới đáp ứng được lòng mong mỏi của hàng triệu NLĐ. Như vậy, Tổng LĐLĐVN cũng đã nhượng bộ, giảm mức tăng 1% so với phiên họp lần thứ nhất. Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng vẫn giữ mức tăng trên dưới 5% và cho rằng như thế là phù hợp.

Khoảng cách quá lớn giữa hai bên khiến tưởng chừng phiên họp rơi vào bế tắc. Để “xoa dịu” tình hình, ông Phạm Minh Huân nói, muốn các bên nên thảo luận mức tăng ở khoảng 6-7%. Lúc này, ông Phòng mới đồng ý nhượng bộ tăng lên mức 6%. Còn đại diện DN vừa và nhỏ cũng như Hiệp hội Giày da đồng ý ở mức 6-7%.

Gần 13h, sau nhiều phương án đưa ra, cuối cùng, đã có sự nhượng bộ của các bên, HĐTLQG đã đồng ý chọn phương án đề xuất điều chỉnh LTTV tăng 7,3% để tiến hành bỏ phiếu. Cụ thể: Vùng I là 3.750.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2016; vùng II là 3.320.000 đồng, tăng 220.000 đồng; vùng III: 2.900.000 đồng, tăng 200.000 đồng; vùng IV: 2.580.000 đồng, tăng 180.000 đồng. Phương án này được 13/14 thành viên HĐTLQG đồng ý (đạt tỉ lệ 92,86%).

Trao đổi với PV ngay sau khi buổi họp kết thúc, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch HĐTLQG - bày tỏ quan điểm: Nói chung, phía đại diện NLĐ chưa thoả mãn với mức tăng LTTV 7,3% năm 2017. Tuy nhiên, trước tình hình DN cũng có một số khó khăn, nên tổ chức CĐ và NLĐ cũng cần có sự chia sẻ. Sang năm, nếu điều kiện kinh tế phát triển hơn thì có thể kiến nghị tăng nhanh hơn.

 

Còn PGS-TS Vũ Quang Thọ (Viện trưởng Viện CN- CĐ) bày tỏ: Mức tăng 7,3% chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của CN hiện nay. Theo khảo sát của Viện CN-CĐ, nếu tính cả mức tăng trên, thì còn khoảng trên 10% nữa mới thỏa mãn được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Vì vậy, nói theo “dân dã”, CN vẫn phải sống trong “điều kiện dặt dẹo”. Với mức tăng này, lộ trình tăng LTTV đáp ứng mức sống tối thiểu phải kéo dài ra; LTTV và mức sống tối thiểu còn khoảng cách khá lớn, nên HĐTLQG nói riêng và cả quốc gia nói chung còn phải nỗ lực rất nhiều trong việc điều chỉnh để làm sao LTTV đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Theo Báo Lao động

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 8
  • 0
  • 9
  • 5
lên đầu trang