Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:29

Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:29

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 08:45 ngày 09/12/2015

Công đoàn: Thách thức trước ngưỡng cửa TPP

Việc tham gia TPP đặt ra nhiều vấn đề cho phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn. Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, về các vấn đề này.

Phóng viên: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ) tại cơ sở. Là người trực tiếp tham gia phái đoàn đàm phán, ông có ý kiến gì về vấn đề này?


Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

- Ông Mai Đức Chính: Quyền tự do lập hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Việt Nam và tất cả các nước tham gia hiệp định có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, trước tiên phải đồng bộ hệ thống pháp luật. Quốc hội cần sớm ban hành luật về lập hội và sửa đổi Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn (CĐ) cùng các văn bản liên quan. Khi có luật sẽ căn cứ theo đó thực hiện. Điều tôi muốn nói là đã hội nhập quốc tế thì phải chấp nhận “luật chơi” quốc tế. Tổ chức CĐ phải nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh, phải đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo NLĐ và thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ.

Ông có nghĩ rằng việc thực hiện các tiêu chuẩn về lao động trong TPP sẽ gây khó khăn cho Việt Nam?

- Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong TPP. Việc thực hiện các cam kết về lao động trong TPP cũng chính là tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là thành viên. Những vấn đề liên quan đến lao động và CĐ (quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể) nếu còn “độ vênh” thì tiếp tục bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các cam kết.

Có ý kiến lo ngại về sự cạnh tranh của tổ chức CĐ với tổ chức đại diện NLĐ sau khi TPP có hiệu lực. Theo ông, Tổng LĐLĐ Việt Nam có những lợi thế nào trong cuộc cạnh tranh này?

- Sau 30 năm đất nước đổi mới, hoạt động trong cơ chế thị trường, tổ chức CĐ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý. Trong đó có bài học “phải làm sao để hoạt động CĐ ngày càng hấp dẫn, thu hút NLĐ tự giác gia nhập CĐ”. Muốn NLĐ thấy tổ chức CĐ cần thiết cho đời sống, việc làm của họ thì phải đại diện, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Hoạt động CĐ phải hướng đến mục đích bảo vệ việc làm của NLĐ, làm sao để NLĐ được trả công xứng đáng, được lao động trong môi trường tốt, được chăm lo đời sống văn hóa tinh thần... Điều này chỉ riêng có ở tổ chức CĐ Việt Nam.

Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM), luôn được công nhân yêu mến, tin cậy Ảnh: KHÁNH LÊ
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM),
luôn được công nhân yêu mến, tin cậy Ảnh: KHÁNH LÊ

Tất nhiên cũng không loại trừ những khó khăn?

- Theo cam kết, Việt Nam có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký hiệp định), các tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định công khai, minh bạch.

Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với các quy định của ILO.

Với sự xuất hiện của 2 tổ chức đại diện trong một doanh nghiệp, dĩ nhiên tổ chức nào làm tốt hơn vai trò đại diện sẽ thu hút NLĐ về phía mình. Tôi không ngại sự “đối đầu” giữa tổ chức đại diện cho NLĐ tại DN và tổ chức CĐ Việt Nam bởi thời gian qua, tổ chức CĐ Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Nói vậy để thấy trình độ, kiến thức, bản lĩnh và kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở sẽ đóng vai trò then chốt, quyết định đến uy tín của tổ chức. Để tạo dựng uy tín với NLĐ, bên cạnh sự hỗ trợ của CĐ cấp trên, tự thân đội ngũ cán bộ CĐ phải rèn luyện bản lĩnh, nâng cao kỹ năng hoạt động, trong đó ưu tiên hàng đầu là thương thảo, hòa giải.

Khi cần thiết phải tổ chức đình công

Ông Mai Đức Chính cho rằng tham gia TPP tạo nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức đối với NLĐ và CĐ Việt Nam. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, song song với tuyên truyền phát triển đoàn viên, các cấp CĐ cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động bởi chất lượng hoạt động của CĐ là minh chứng có sức thuyết phục nhất đối với NLĐ để họ gia nhập CĐ.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, các cấp CĐ cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ ký kết hợp đồng lao động với chủ DN; đại diện cho NLĐ xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng quy định; giám sát, kiểm tra và thúc đẩy việc thực hiện những điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Ngoài ra, cần đại diện tập thể lao động thương lượng với chủ sử dụng lao động để giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng; nếu cần thiết, phải tổ chức đình công để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Theo: nld.com.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 3
  • 6
  • 0
  • 8
  • 1
lên đầu trang