Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 08:12

Thứ năm, 25/04/2024 | 08:12

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 03:44 ngày 11/11/2015

Anh hùng áo thợ

 


Anh Lưu Huy Thành

Cầm tấm bằng chứng chỉ bậc 2 thợ đường ống do Trường Công nhân kỹ thuật Nghệ An cấp, đầu năm 1971 anh thợ trẻ 21 tuổi Lưu Huy Thành quê gốc vùng quê Yên Định - Thanh Hóa khoác ba lô lên tận Yên Bái đầu quân làm nghề xây lắp trên công trường xây dựng Thủy điện Thác Bà.

Vốn siêng năng, ham học hỏi, lại có sức khỏe. Lưu Huy Thành được nhận vào đội cẩu chuyển (Cty Lắp máy Việt Nam) do Anh hùng Lao động Nguyễn Huyền Chiệc phụ trách. Thế là nghề thợ, nghiệp đời của anh bắt đầu từ ấy. Lưu Huy Thành đã vượt qua nhiều thử thách cam go khi cái nghề cẩu chuyển toàn là những thiết bị to nặng, cồng kềnh, vất vả và nguy hiểm. Tuy nhiên, công việc ở Thác Bà chưa thấu gì so với công việc ở đỉnh núi Tam Đảo khi đơn vị anh được điều động đến lắp ráp cột phát sáng Truyền hình cao 105m đặt chênh vênh trên đỉnh núi cao. Đã tận mắt chứng kiến cảnh công nhân phải gùi bộ leo núi để mang vác từng thanh sắt, bao xi măng, bao cát, đá, bình nước… để lắp dựng thành công cây cột phát sáng để phục vụ cho Đài Truyền hình năm 1972 - 1973. Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt thân mật khen ngợi và tặng thưởng cho đơn vị 1 máy tivi Bering.

Vẫn một đội cẩu chuyển anh hùng đó, Lưu Huy Thành cùng đồng đội xung phong vào tuyến lửa Quảng Trị (năm 1973) để lắp dựng 4 cột cờ Tổ quốc trên các vùng giáp ranh: Cửa Việt, Ái Tử, Đông Hà. Trở ra Bắc, đơn vị lên tham gia xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Với cương vị đội trưởng suốt 10 năm liên tục làm việc trên mặt đập, trong hầm gian máy, Lưu Huy Thành đã chỉ huy lắp đặt hàng nghìn tấn thiết bị to nặng như: Lắp cầu trục, gian máy lắp van cung, thi công cửa nhận nước trên đập tràn. Không quản mưa nắng hay giá rét, anh cùng đồng đội luôn phải bám tiến độ nhất là các đợt phục vụ chống lũ, ngăn sông và chạy tổ máy. Hơn 3 nghìn ngày, không năm nào nghỉ phép, cũng ít khi nghỉ lễ Tết dài ngày, Lưu Huy Thành chưa khi nào than phiền, kêu ca, tránh né những phần việc khó khăn, nặng nhọc. Những năm này, anh còn tham gia công tác Đoàn đội. Kết thúc xây dựng công trình mang dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, có công suất lớn nhất Đông Nam Á thời đó, Lưu Huy Thành đã lĩnh trọng trách một người thợ cả của ngành cẩu chuyển, được Chính phủ, Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Xây dựng tặng nhiều bằng khen.

Năm 1994, tại vùng cao huyện Vĩnh Sơn, tỉnh Bình Định - nơi tiếp giáp với đất rừng Tây Nguyên, Chính phủ đã phê duyệt dự án cho xây dựng phục vụ đồng bào các dân tộc ở khu vực miền Trung. Nơi này, xa xôi, hiểm trở, cách QL19 từ đèo An Khê rẽ vào ngót 70km. Nhà máy chính được xây dựng tại vùng rừng đất bằng với tuyến áp lực nổi lộ thiên có độ dốc xiên thẳng đứng nối liền với tháp điều áp cao hàng nghìn mét lấy nước từ lòng hồ vào chạy máy. Để thi công được các hạng mục đó, người chỉ huy hàng ngày phải lên xuống một vài lượt, leo dốc 13 cây số với ngót chục đường cua tay áo. Kỹ sư Đặng Văn Vy thời đó là Giám đốc Cty Lắp máy 10 Hà Nội (đơn vị được chỉ định lắp thiết bị chủ công cho thủy điện Vĩnh Sơn) đã nghĩ ngay đến đốc công Lưu Huy Thành. Quả thật, Lưu Huy Thành đã không phụ lòng những người đã gửi gắm lòng tin. Với điều kiện thi công khó khăn nguy hiểm là vậy, anh đã tìm nhiều giải pháp thi công mới như thay đổi vị trí cụm pu-li, chọn địa điểm đặt cầu trục, các điểm móc nối, độ nghiêng cần cẩu khi cẩu lắp các khoanh ống vào vị trí tuyến nghiêng thay vì thiếu các phương tiện hiện đại do không đủ điều kiện vận chuyển đến, đồng thời còn làm lợi hàng trăm triệu đồng, vượt tiến độ 26 ngày. Đến thăm công trình khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã khen ngợi và tặng quà cho đơn vị Lưu Huy Thành.

Chiếc rô-to tổ máy 1 Thủy điện Yaly nặng gần 500 tấn được nhấc bổng lên khỏi mặt đất bằng 2 chiếc cẩu giàn có sức nâng 350 tấn/chiếc từ từ trôi về vị trí theo lá cờ hiệu và tiếng còi chỉ huy của Lưu Huy Thành. Rô-to là loại thiết bị đặc nguyên khối không thể chia cắt thành từng mảnh để di chuyển và lắp đặt. Đây là công việc vô cùng nặng nhọc, nguy hiểm và là mốc quyết định quan trọng cuối cùng cho công tác hoàn thiện toàn bộ để tổ máy phát điện. Đốc công Lưu Huy Thành - người đã hơn 15 năm chuyên thực hiện công tác kích kéo, lắp ráp thiết bị nặng tại các công trình thủy điện lớn. Ở công trình Yaly, anh là người điều khiển mọi công việc cẩu lắp các thiết bị to nặng quan trọng vào vị trí của tổ máy. Một khoảng cách chỉ dài khoảng 30m nhưng để hướng dẫn 2 chiếc cẩu giàn điều khiển thăng bằng cho chiếc rô-to khổng lồ treo lơ lửng theo đúng tâm giữa không gian chật chội tối tăm là một quá trình đầy gian nan và nguy hiểm. Hai lá cờ xanh - đỏ trên tay đốc công Lưu Huy Thành liên tục đánh tín hiệu cùng với những hồi còi đanh vang dứt khoát vừa báo cho các lái cẩu trên cao, vừa làm hiệu cho thợ mặt đất lại còn kết hợp xi-nhan đến tốp thợ đang đón đợi tại điểm đặt máy. Hơn 400 cặp mắt của các nhà quản lý, chuyên gia tư vấn và công nhân trên công trình cùng hồi hộp dõi theo cho đến khi chiếc rô-to đã dừng lại trên miệng tổ máy 1 và từ từ đặt vào vị trí an toàn chính xác.

Trước khi rời Yaly đến thi công những công trình khác, Lưu Huy Thành được đề bạt làm Phó giám đốc một đơn vị có trên 2.000 cán bộ công nhân viên, theo đó anh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1998, Lưu Huy Thành có thêm một vinh dự được bình chọn tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại đây, anh đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trực tiếp gặp mặt biểu dương khen ngợi.

Hơn 10 năm lại đây, Lưu Huy Thành trở lại Hòa Bình - nơi tổ ấm gia đình có người vợ cùng các con cháu của ông đã định cư kể từ khi khánh thành Nhà máy. Những tưởng sau nhiều năm tháng lao động miệt mài, vất vả trên hầu khắp các công trường từ Bắc vào Nam thì người thợ cẩu chuyển anh hùng ấy đã an phận tuổi già mà vui vầy bên bầy con cháu. Dè đâu, Lưu Huy Thành vẫn tiếp tục song hành cùng những người thợ lắp thiết bị đến với những công trình lớn như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Nậm Chiến 2 trong vai trò là một chuyên gia tư vấn với công việc hướng dẫn kèm cặp, bổ túc tay nghề cho các lớp thợ trẻ. Ông vẫn mang trên người bộ quần áo thợ sẵn sàng vào gian máy hoặc đứng trên mặt đập tham gia thi công cẩu lắp các thiết bị nặng. Ban Lãnh đạo các đơn vị chuyên ngành đã mời Lưu Huy Thành theo hợp đồng tư vấn qua đó lập biện pháp thi công giúp đơn vị thực hiện đúng kỹ thuật, chất lượng đồng thời đảm bảo tiến độ công trình. Ở tuổi thất thập, Lưu Huy Thành chưa khi nào nghĩ tới việc lạm dụng danh hiệu vinh quang ấy để mưu cầu lợi ích cá nhân, bởi cả cuộc đời lao động mà ông đã cống hiến cho đời, cho đất nước với tư cách một người công nhân thuần túy luôn hết mình với nghề, thay vì sự tự cao của một anh hùng…

Theo Báo Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 0
  • 9
  • 8
  • 7
  • 6
lên đầu trang