Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:00

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:00

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 03:41 ngày 11/11/2015

Người làm nhiều thủy điện nhất Việt Nam

 


Nguyễn Thế Trinh

Có lẽ, trong “làng” thủy điện Việt Nam, không ai không biết đến anh - kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, Giám đốc chi nhánh Cty CP LILAMA 10 tại Sơn La kiêm Phó tổng giám đốc Cty CP LILAMA 10 (thuộc TCty Lắp máy Việt Nam LILAMA). 54 tuổi đời nhưng có tới 30 năm làm thủy điện, với anh, công trường chính là nhà, thủy điện là nghiệp.

Khi công trường là nhà

Có lần, thật thà tôi hỏi: “Anh có nhớ hết những công trình mà mình đã từng làm không?”. Anh Trinh cười: Nhiều lắm, khó kể hết được. Chỉ nhớ lần đầu là làm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được 2 năm thì tôi được điều động về đầu quân tại Xí nghiệp Liên hợp lắp máy số 10 (Cty CP LILAMA 10 hiện nay). Sau này thống kê lại những công trình lớn: Thủy điện Sesan 3, Sesan 4, Bản Chát, Huội Quảng, Nậm Na 2… thấy cái nào mình cũng dính líu vào. Có thời điểm ngắt quãng, xen thêm các công trình ngoài thủy điện nữa. Nhưng bắt đầu từ thủy điện Yaly thì hết công trình nọ nối công trình kia, trường kỳ với thuỷ điện. Công trình lớn nhất là thủy điện Sơn La, và giờ là Lai Châu.

“Số người làm thủy điện Hòa Bình đến giờ vẫn còn làm thủy điện có lẽ chỉ còn mình” - Nguyễn Thế Trinh cười sảng khoái.

Thật vậy, nếu nhìn vào lý lịch công tác của anh có thể thấy, 90% thời gian anh gắn bó với công trường, với các thủy điện. Công việc cuốn anh đi, hết mốc tiến độ này đến áp lực tiến độ khác. Tất cả như một guồng quay không ngừng. Anh kể, làm thủy điện năm nào cũng phải chống lũ, mà mỗi lần như vậy thì phải lăn ra làm cả ngày cả đêm để đạt mốc tiến độ đề ra. Công việc áp lực quanh năm nên mỗi năm, anh chỉ về thăm vợ con được vài lần. Còn bố mẹ, anh gần như nhờ cả vào các anh chị chăm sóc.

Nhớ hồi công tác tại thủy điện Yaly, với vai trò là Phó phòng Kinh tế - Kỹ thuật, đảm nhận kỹ thuật thi công toàn bộ khối lượng hàn của 04 tổ máy, anh đã lập biện pháp tổ chức thi công công nghệ hàn, lập biện pháp kỹ thuật an toàn, xây dựng quy trình hàn tự động và hướng dẫn lý thuyết chuyên môn và tay nghề cho hàng trăm công nhân hàn sẵn có tay nghề để thi công toàn bộ khối lượng hàn của 04 tổ máy. Đặc biệt là tuyến ống năng lượng, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị không phải thuê chuyên gia hàn, giảm chi phí nhân công và vật tư, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí sản xuất đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia thi công, hạ giá thành công trình, làm lợi cho chủ đầu tư và đơn vị... được các chuyên gia và ban quản lý dự án thuỷ điện Yaly đánh giá cao.

Trong qúa trình công tác, anh đặc biệt chú trọng các mục tiêu: Giám sát kỹ thuật thi công chặt chẽ, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật - công nghệ, tổ chức chỉ đạo thi công có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, năng suất, chất lượng sản phẩm công trình, tiết kiệm, an toàn lao động.

Trong cuộc đời làm thủy điện, với anh, đáng nhớ nhất và cũng ghi dấu ấn đậm nét nhất có lẽ là từ năm 2007, khi anh bắt đầu đảm nhận làm Giám đốc chi nhánh Cty CP LILAMA 10 tại Sơn La. Đây là một trong những công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, có công suất thiết kế 2.400MW cho 6 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm 9,429 tỷ KWh gồm nhiều đơn vị tham gia thi công.

Trong 3 năm, ngoài nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo lắp đặt hơn 73.000 tấn thiết bị của 6 tổ máy, Chi nhánh LILAMA 10 còn phải chế tạo 4.500 tấn thiết bị thủy công, bao gồm 1.800 tấn thiết bị xả sâu, 2.500 tấn thiết bị van hạ lưu và nhiều thiết bị thủy công khác. Để đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt, anh cùng đồng nghiệp đã tổ chức thi công tổ hợp 6 buồng xoắn tại bãi lắp đặt của đơn vị, vì vậy mỗi tổ máy rút ngắn tiến độ được 3 tháng, cả nhà máy rút ngắn tiến độ 18 tháng, làm lợi cho đất nước hơn 20 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, anh đã đề xuất với Ban chỉ huy công trường áp dụng phương pháp tháo giằng chống đường ống áp lực (300 tấn) trước khi đổ bê tông mà vẫn đảm bảo kỹ thuật khi phát hiện đường ống có độ dốc nhất định, do vậy tiến độ lắp đặt thiết bị máy phát vẫn đảm bảo trong khi thời gian cho toàn bộ công việc này chỉ còn chừng 3 tháng. Kết thúc công trình, anh được phong Anh hùng lao động (AHLĐ).

Như là duyên nợ

Đến bây giờ, khi tên tuổi của anh đã gắn bó với các thủy điện nhiều đến nỗi, khi nhắc đến thủy điện người ta không thể không nhắc đến anh: AHLĐ Nguyễn Thế Trinh. Tôi hỏi: “Người ta sống ở đô thị, đồng bằng, còn anh quanh năm sống ở các công trường thủy điện - vốn đều ở vùng sâu vùng xa, cuộc sống lẫn đi lại còn rất nhiều khó khăn, có khi nào anh cảm thấy vất vả quá không?”. Anh tâm sự: “Vất vả cho bản thân thì mình không ngại, nhưng nghĩ đến gia đình, bố mẹ, vợ con phải chịu nhiều thiệt thòi thì cũng thấy mình có lỗi lắm! Nhưng biết làm sao được, nếu ai cũng ở nhà ăn cơm, thì ai sẽ đến những nơi rừng sâu núi thẳm như thế?”.

“Vậy có lúc nào anh cảm thấy buồn”, tôi lại hỏi. Anh kể: “Công việc bận rộn, không có thời gian để buồn nữa nhà báo ạ. Đi tối ngày ngoài công trường chân đã mỏi, giã mồ hôi, bản thân còn chẳng có thời gian đâu mà nghe nhạc, chơi thể thao nữa. Nhưng nhiều lúc, thực sự cũng không cầm lòng được khi thấy đồng nghiệp buồn, trống trải, đời sống tinh thần ở công trường còn nghèo nàn, nhiều người hoàn cảnh thực sự khó khăn. Còn lại, thảng hoặc nếu có thì cũng chỉ vì tiến độ không đạt, công trường gặp sự cố hoặc nghĩ đến gia đình đang phải chịu thiệt thòi vì mình”.

Anh bảo, mấy chục năm làm thủy điện, anh không ngại khó, ngại khổ, nhưng mỗi khi kết thúc một công trình, bàn giao để đến công trình mới, trong lòng anh không tránh khỏi băn khoăn. Đời sống trên công trường còn nhiều khó khăn, liệu anh em công nhân có theo mình đến những nơi xa xôi cách trở hơn thế không?

Hôm tôi gặp anh tại Hà Nội, lạ lẫm với hình ảnh anh sơ mi trắng cắm thùng. Anh cười, mình vừa đi lắp roto thủy điện Huội Quảng về, tranh thủ về Cty giải quyết ít việc rồi mai lại lên đường chuẩn bị cho lắp roto thủy điện Lai Châu. “Phải đi kiểm tra, khảo sát xem anh em làm đúng chưa bởi đó là công việc, là cuộc sống của hàng nghìn người”, anh cho biết.


Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh (áo trắng) cùng các đồng nghiệp trên công trường Thủy điện Lai Châu.

“Anh có nghĩ mình làm thủy điện giỏi nhất Việt Nam?”. “Điều đó mình chưa dám nghĩ đến mà chỉ nghĩ mình là người có cơ hội làm nhiều thủy điện lớn nhất thôi bởi không ai có thể một mình làm nên thủy điện. Nhiều người mỗi người làm một việc thì mới thành thủy điện”, anh chia sẻ.

Điều anh nói hoàn toàn đúng khi đến giờ, LILAMA 10 vẫn là đơn vị làm thủy điện lớn và uy tín nhất nước. Chủ đầu tư, chỉ nhìn thấy anh và LILAMA 10 làm thủy điện là đã thấy yên tâm rồi. Thủy điện Lai Châu có phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay được hay không cũng phụ thuộc phần lớn vào các anh?

Theo Báo Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 4
  • 8
  • 8
  • 1
lên đầu trang