Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:15

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:15

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 10:36 ngày 19/10/2015

Nâng cao chất lượng thông tin từ báo cáo công đoàn

Ngày 16.10, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị lần thứ 14 (khóa XI) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng. Đại diện của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đến dự hội nghị.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng chủ trì hội nghị. Ảnh: Tất Thảo

 “Tinh gọn, hiệu quả”

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 02/CT-ĐCT ngày 2.8.2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (khóa X) về “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống tổ chức CĐ”. 

Cùng với việc ban hành chỉ thị trên, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN còn ban hành 5 quy định liên quan đến công tác thông tin, báo cáo, văn thư, lưu trữ thống kê áp dụng thống nhất trong hệ thống CĐ các cấp, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động nói chung. Tuy nhiên, 5 năm thực hiện Chỉ thị 02, một số nội dung chưa thực sự tạo được chuyển biến.

 

Các ý kiến tập trung vào đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác báo cáo trong hệ thống CĐ. Số liệu tính riêng từ năm 2013 đến nay cho thấy, có khoảng 70% số cán bộ làm công tác văn phòng luân chuyển, tuyển mới, Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN Trần Tiến Hòa cho rằng, muốn làm tốt công tác báo cáo CĐ, đội ngũ cán bộ phải có sự ổn định. Ông Trần Tiến Hòa đề nghị cần tập trung vào công tác cán bộ, đầu tư trang thiết bị CNTT, tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ văn phòng. 

Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) Đặng Quang Điều cho rằng, điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng báo cáo là cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu. Viện trưởng Viện KHKT-BHLĐ Đỗ Trần Hải đề nghị, muốn nâng cao chất lượng của báo cáo cần phải mạnh dạn đầu tư nâng cấp ứng dụng CNTT, giảm hành chính, có sự kết nối giữa các LĐLĐ tỉnh và Tổng LĐLĐVN qua mạng nội bộ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính nhấn mạnh về tính kỷ cương, chấp hành của các cấp CĐ. “Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia TPP, tổ chức CĐ phải thay đổi về nhận thức, tư duy, nếu còn hành chính hóa sẽ không hiệu quả. Cần cải tiến thủ tục, bớt hành chính hóa, tăng cường ứng dụng CNTT”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề xuất giải pháp, nếu đơn vị nào không có báo cáo sẽ không được xét thi đua khen thưởng; báo cáo không tốt sẽ bị trừ điểm thi đua khen thưởng. 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng nhìn nhận, cần phải tăng cường chất lượng thông tin từ các báo cáo để làm cơ sở giúp Tổng LĐLĐVN đưa ra những nhận định, từ đó có sự tác động tích cực vào hoạt động của tổ chức CĐ, đồng thời công tác báo cáo văn phòng thời gian tới cần được đổi mới theo hướng tinh gọn, rõ và đảm bảo về hiệu quả của thông tin.

Đẩy mạnh đối thoại trong doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính trình bày tờ trình Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về đẩy mạnh đối thoại tại cơ sở khu vực DN. Đối thoại có vai trò rất quan trọng trong xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN. Vì vậy, vấn đề đối thoại được quy định trong Bộ luật LĐ năm 2012 và được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định 60/2013. 

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện đối thoại tại DN, đến nay, vẫn còn 56% số DN có CĐ chưa tổ chức đối thoại; việc thực hiện đối thoại chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ CĐCS còn hạn chế, chưa chủ động trong chuẩn bị nội dung và đề xuất đối thoại.

Đóng góp về tờ trình này, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, bởi thông qua đối thoại, vị thế của tổ chức CĐ được nâng cao; chính quyền, chủ DN và nhất là CN tin tưởng hơn vào tổ chức CĐ; góp phần phát huy quyền làm chủ của CN, tăng cường sự tương tác giữa tổ chức CĐ, chủ sử dụng LĐ và NLĐ. 

Đồng chí đề nghị thêm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% các tỉnh, thành phố có các KCN, KCX phải tham mưu, tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với NLĐ. Trưởng ban QHLĐ Lê Trọng Sang góp ý nên quy định một tỉ lệ nhất định đối với việc tổ chức đối thoại trong các DN chưa có tổ chức CĐ. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho biết, Đoàn Chủ tịch giao cho thường trực tiếp thu, hoàn chỉnh lại để ban hành nghị quyết này.

Đóng góp ý kiến vào tờ trình Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án phát triển Viện CN và CĐ giai đoạn 2010-2015, các ý kiến đều bày tỏ mong muốn viện sẽ ngày càng phát triển, trở thành một viện nghiên cứu mang tầm vóc quốc gia. Đoàn Chủ tịch giao cho Thường trực Tổng LĐLĐVN tiếp thu, hoàn chỉnh lại đề án và sẽ tiếp tục xin ý kiến trong cuộc họp Đoàn Chủ tịch sắp tới. 

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với tờ trình kế hoạch sắp xếp phát triển, quản lý báo chí CĐ VN đến năm 2015. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho biết, Tổng LĐLĐVN đã thành lập Ban chỉ đạo tiến hành công việc này. Ban chỉ đạo được giao tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn chỉnh lại đề án để gửi Chính phủ. Hội nghị còn xin ý kiến về tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung phụ cấp, chức vụ lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Theo Báo Lao động

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 5
  • 5
  • 3
  • 1
lên đầu trang