Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:04

Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:04

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 02:58 ngày 08/10/2015

Thủ tục tố tụng vụ án lao động: Đơn giản để công nhân dễ tiếp cận

“Tôi từng được người lao động (NLĐ) ủy quyền tham gia vào một số vụ án LĐ. Có những vụ tôi phải theo đuổi tới 3 năm. Mình là cán bộ công đoàn, được hưởng lương còn theo được, chứ người LĐ khi mất việc, họ phải tìm cách kiếm sống nuôi họ và gia đình, làm sao theo đuổi được? Thủ tục tố tụng LĐ phải đơn giản để NLĐ dễ tiếp cận và rút ngắn thời gian xử án” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chia sẻ tại hội thảo góp ý xây dựng nội dung tố tụng LĐ (TTLĐ) trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) tổ chức vào ngày 7/10/2015.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính (đứng) phát biểu tại hội thảo ngày 7/10/2015

Để người lao động dễ nắm bắt

Hội thảo do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Viện FES tổ chức, có sự tham dự của các đại biểu là đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các đại biểu Quốc hội, các thẩm phán, Chánh tòa Tòa LĐ một số tỉnh thành, cán bộ CĐ các cấp, đại diện giới sử dụng LĐ. Đến thời điểm này, đây là dự thảo lần thứ 5 được đưa ra lấy ý kiến. Trong 4 dự thảo trước, những ý kiến đóng góp của Tổng LĐLĐVN đều được Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu. Đây là lần lấy ý kiến cuối cùng của Tổng LĐLĐVN trước khi dự thảo được trình, xem xét, “bấm nút” thông qua tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Ông Erwin Scheweisshelm - Trưởng đại diện Viện FES tại VN - cho rằng, trong tranh chấp LĐ, NLĐ luôn ở thế yếu, nên thủ tục tố tụng LĐ cần dễ hiểu với NLĐ để họ dễ nắm bắt. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính có chung ý kiến: “Bộ luật Tố tụng Dân sự rất đồ sộ, rất nhiều điều, nhiều chương. NLĐ và cán bộ CĐ tìm ra những điều liên quan đến mình là hết sức khó khăn. Các vị thẩm phán mà cầm đến còn gặp khó khăn chứ chưa nói gì đến NLĐ và cán bộ CĐ. Tại sao các vụ tranh chấp cá nhân vừa qua ít được ra tòa, là bởi vì thủ tục rất nhiêu khê, khó khăn, phải mất nhiều thời gian”. Phó Trưởng ban Quan hệ LĐ (Tổng LĐLĐVN) Trần Thị Thanh Hà cũng cho rằng, việc xử án cần nhanh chóng, rút gọn để NLĐ sớm trở lại làm việc cũng như tạo điều kiện cho cán bộ CĐ đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Mong muốn có ủy quyền tập thể

Trong phần CĐ tham gia tố tụng LĐ với tư cách người đại diện theo ủy quyền (Điều 82 trong dự thảo), Tổng LĐLĐVN đề xuất trong trường hợp nhiều NLĐ, đoàn viên CĐ có cùng nội dung tranh chấp, trong cùng đơn vị, tập thể NLĐ có quyền ủy quyền cho một đại diện CĐ. Ví dụ, tập thể NLĐ làm đơn ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, sau đó, LĐLĐ tỉnh sẽ ra văn bản cử một cá nhân đại diện theo ủy quyền cho tập thể NLĐ. Điều này xuất phát từ thực tế: Tòa thường yêu cầu ủy quyền giữa cá nhân và cá nhân (có dấu xác nhận ủy quyền của chính quyền xã, phường), trong khi đó có những vụ tranh chấp với hàng trăm NLĐ nhưng có nội dung giống nhau. Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu đồng tình với đề xuất trên và cho rằng nên đơn giản hóa để NLĐ còn có thời gian đi làm việc, kiếm sống. Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ Đà Nẵng) Trương Ngọc Hùng cho biết, nếu thực hiện như trên, sẽ rút ngắn được thời gian và tăng cường vai trò của tổ chức CĐ.

Ngoài ra, về quy định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 316 của dự thảo), Tổng LĐLĐVN đề nghị bổ sung tòa áp dụng thủ tục này đối với số loại vụ việc tranh chấp LĐ cá nhân có tình tiết đơn giản, rõ ràng hay các vụ án nợ, chiếm đoạt BHXH, BHYT, kinh phí CĐ. Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị bổ sung quy định cấm xuất cảnh đối với người sử dụng LĐ nợ lương của NLĐ và nợ BHXH. Đối với quy định thủ tục hòa giải có sự tranh luận trái chiều tại hội thảo. Trong khi một số đại biểu cho rằng, để tránh kéo dài thời gian xét xử, khi đã không hòa giải được tại cấp quận, huyện hoặc nếu lên tòa sơ thẩm và thấy không hòa giải được, cần xử ngay để rút ngắn thời gian; một số đại biểu đến từ các Tòa LĐ lại cho rằng vẫn cần đảm bảo quyền thương lượng của các đương sự trong tất cả các giai đoạn tố tụng.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính đề nghị Ban Quan hệ LĐ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổng hợp, báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN để Đoàn Chủ tịch trao đổi với các đại biểu Quốc hội là cán bộ CĐ, giúp các đại biểu có tiếng nói của tổ chức CĐ trước khi Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).

Theo Báo Lao động

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 3
  • 9
  • 4
  • 9
  • 5
lên đầu trang