Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 12:10

Thứ năm, 25/04/2024 | 12:10

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 10:11 ngày 27/08/2015

Hội nghị lần thứ 13 đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (KHÓA XI): Khẳng định quan điểm về tăng lương tối thiểu

Thực hiện chương trình làm việc năm 2015, ngày 26.8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị lần thứ 13 (khóa XI) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng. Một lần nữa, quan điểm của tổ chức CĐ về tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ năm 2016 được Đoàn Chủ tịch khẳng định.


Toàn cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Tất Thảo

Nghị quyết cần đi vào thiết thực

Trong ngày 26.8, hội nghị thảo luận về Nghị quyết của Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐVN khóa XI về một số vấn đề trong công tác tài chính và hoạt động kinh tế CĐ (theo Luật CĐ năm 2012); định hướng về tinh giản biên chế; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-BCH ngày 29.1.2011 của BCH Tổng LĐLĐVN (khóa X) về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18.8.2010 của BCH Tổng LĐLĐVN khóa X về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ”; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình nhà ở “Mái ấm CĐ” giai đoạn 2006-2015 và đề án luân chuyển cán bộ trong hệ thống CĐ.

Đối với Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI về một số vấn đề trong công tác tài chính và hoạt động kinh tế CĐ (theo Luật CĐ năm 2012), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho rằng, nghị quyết đang thiếu những giải pháp trong việc thu kinh phí CĐ: “Nghị quyết chưa đề cập đến việc CĐ phối hợp với cơ quan thuế tiến hành thanh, kiểm tra việc nộp kinh phí CĐ. Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung CĐ phối hợp với cơ quan thanh tra cũng như tiến hành các vụ kiện để đòi kinh phí CĐ”. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính đề nghị tăng cường chi kinh phí CĐ cho cơ sở nhưng đồng thời phải có kỷ luật chặt chẽ, tránh tình trạng “lỗ hà ra lỗ hổng”.

Góp ý về Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-BCH ngày 29.1.2011 của BCH Tổng LĐLĐVN (khóa X) về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18.8.2010 của BCH Tổng LĐLĐVN khóa X về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ”, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho rằng nghị quyết cần đi vào thiết thực, bỏ đi những hoạt động bề nổi. “NLĐ ở các khu nhà trọ đang rất quan tâm đến những vấn đề như tình dục trước hôn nhân, tình dục an toàn như thế nào?, nhà trẻ cho con CN ra sao?... Nghị quyết cần đề ra các giải pháp để CN biết rõ về những cái họ cần” - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về các vấn đề trên, đặc biệt là về công tác tài chính và hoạt động kinh tế CĐ; định hướng tinh giản biên chế trong hệ thống CĐ; đề án luân chuyển cán bộ. Các ủy viên đều nhất trí sự cần thiết phải tinh giản biên chế và luân chuyển cán bộ, tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về phương thức tiến hành cũng như chính sách hỗ trợ cho những cán bộ bị giảm biên chế. Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, việc luân chuyển cán bộ CĐ là cần thiết và góp ý cần đánh giá thực trạng cán bộ CĐ chuyên trách tại thời điểm gần nhất khi tiến hành luân chuyển; cần định lượng tỉ lệ bao nhiêu được gọi là trẻ hóa; cần ghi rõ độ tuổi luân chuyển của nam và nữ; nêu rõ mức kỷ luật nếu cán bộ không chấp hành luân chuyển… Một số đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ xây dựng “Mái ấm CĐ”; mở rộng đối tượng hỗ trợ “Mái ấm CĐ” tới những NLĐ không có đất, không có nhà…

Trước những ý kiến đóng góp trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng giao Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu, hoàn thiện và báo cáo BCH Tổng LĐLĐVN.

Tiếp tục khẳng định quan điểm về tăng lương tối thiểu

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính báo cáo Đoàn Chủ tịch về phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 và quan điểm của Tổng LĐLĐVN về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: “Tổng LĐLĐVN đề nghị mức tăng LTT năm 2016 là 350.000 - 550.000 đồng (tăng bình quân 16,8% so với năm 2015) tùy theo từng vùng trên 4 căn cứ.

Thứ nhất là thực hiện theo Điều 91 của Bộ luật LĐ năm 2012 quy định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Điều luật này đáng lẽ phải thực hiện từ 1.5.2013, tuy nhiên do suy giảm kinh tế, các DN khó khăn nên Tổng LĐLĐVN nhất trí với Chính phủ chưa áp dụng ngay mà cần có lộ trình. Lộ trình đó được hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành T.Ư, trong kết luận số 23 có nói đẩy nhanh điều chỉnh tiền lương tối thiểu ở khu vực DN để đến năm 2015 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn. Đến hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành T.Ư có kết luận 63 khẳng định tùy theo điều kiện KTXH và nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ mà điều chỉnh LTT trong khu vực DN cho NLĐ. Khi Quốc hội thông qua Luật BHXH năm 2014 có đưa ra 2 mốc: Mốc thứ nhất kể từ ngày 1.1.2016 (Luật BHXH có hiệu lực), tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm tiền lương và phụ cấp. Mốc thứ 2 là từ năm 2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác (tổng thu nhập). Chính vì vậy, trước đây Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền từng khẳng định, thống nhất với Tổng LĐLĐVN lộ trình kết thúc điều chỉnh tiền LTT là năm 2017. Trên tinh thần đó, Tổng LĐLĐVN chọn năm 2017 là kết thúc. Một điều luật đáng lẽ phải thực hiện vào năm 2013 đã phải lùi lại hơn 5 năm. Mức LTT vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 74-75% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Và như vậy, 2 năm 2016-2017 bình quân phải tăng mỗi năm 12-13%. “Nếu năm nay chúng ta điều chỉnh thấp thì năm sau phải điều chỉnh cao; và để đến năm 2018, khi thực hiện tiền lương đóng BHXH cho DN sẽ không bị đột biến. Để tuân thủ lộ trình này, năm nay chúng ta lấy mức tăng 12% cộng với khoản trượt giá (5%) để ra mức tăng 16,8%” - ông Chính cho biết.

Thứ hai, DN cứ nói nếu tăng quá, DN không có khả năng chi trả. Tổng LĐLĐVN bác bỏ hoàn toàn điều này, vì tất cả DN hiện nay đang trả cho NLĐ trên mức tiền LTT, có nơi gấp rưỡi. Điều tra của Tổng LĐLĐVN, ở Hà Nội, bình quân thu nhập lương là 4,4 triệu đồng; TPHCM là 4,9 triệu đồng. Hiện nay các DN đang sử dụng 2 bảng lương: một bảng lương quyết toán với thuế là tổng thu nhập và một để làm cơ sở báo cáo với cơ quan BHXH. Thứ ba, nếu không tăng tiền LTT chia đều cho 2 năm, đến ngày 1.1.2018, khi thực hiện Điều 89 của Luật BHXH năm 2014 (tiền lương để đóng BHXH là tổng thu nhập của NLĐ), DN sẽ “sốc”. Thứ tư, cuộc sống của CN hiện nay đã quá khổ. Điều tra của Tổng LĐLĐVN, 19% số CN được hỏi trả lời tiền lương không đủ sống; 32% trả lời tạm đủ sống; 42% trả lời sống rất tằn tiện; 8% trả lời có số dư. Nhiều CN phải trả tiền điện giá cao tới 4.000 đồng/số; tiền nước 80.000-100.000 đồng/người/tháng; tiền nhà từ chỉ 10-12m2 đã từ 700.000-800.000 đồng/tháng. Nếu CN có con phải gửi con từ 2-2,5 triệu đồng. Do đó các cặp vợ chồng trẻ thu nhập không đủ sống phải gửi con về quê. Nhiều chị em không có điều kiện thăm con.

Với 4 căn cứ trên đây, Tổng LĐLĐVN tiếp tục khẳng định quan điểm, mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2016 của Tổng LĐLĐVN là hợp lý. 

Theo Báo Lao động

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 1
  • 2
  • 1
  • 7
lên đầu trang