Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:10

Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:10

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 10:10 ngày 09/07/2015

Người biến những trăn trở thành sáng tạo giá trị hiện thực.

Khi còn là một nhân viên kỹ thuật thuộc Trung tâm thí nghiệm Sông Đà Hòa Bình, kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Vụ đã đi theo đơn vị tham gia xây dựng công trình thủy điện Vĩnh Sơn - Bình Định. Năm 2007, Anh chuyển về làm công tác thi công - an toàn tại Công ty Sông Đà 5 và tham gia xây dựng công trình Thủy điện Yaly với tư cách là Phó giám đốc Xí nghiệp trực thuộc kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty. Vài năm sau đó Nguyễn Văn Vụ được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng đội sản xuất trên công trường Thủy điện Tuyên Quang. Đến năm 2010, Vụ được điều động lên công trình thủy điện Sơn La với chức danh Phó giám đốc Xí nghiệp 5.06.
Dưới sự chỉ đạo điều hành quyết đoán và sáng suốt của Ban Giám đốc đơn vị mà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Nguyễn Văn Vụ cùng ý chí kiên định bền bỉ và nỗ lực hết mình, hàng năm Xí nghiệp 5.06 đều đạt vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ban Điều hành tổng thầu phân giao. Trước ngày khánh thành công trình Thủy điện Sơn La, Nguyễn Văn Vụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 và được Công ty bình xét là Chiến sỹ thi đua cấp Ngành 3 năm liền.
Khi khởi công xây dựng công trình thủy điện Lai Châu, Xí nghiệp sông Đà 5.06 là đơn vị trong tốp đầu tiên đến nhận nhiệm vụ thi công xây dựng bê tông đầm lăn tại Đập dâng nước. Kỹ sư Nguyễn Văn Vụ được đề bạt làm Giám đốc Xí nghiệp quản lý gần 500 quân số cùng hàng chục đầu xe cơ giới, thiết bị máy thi công và trạm trộn bê tông. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú được đúc kết qua nhiều năm tham gia thi công xây dựng trên những công trường lớn, song song với việc luôn bám sát hiện trường nắm bắt thực tế toàn bộ các hạng mục công việc tại công trình này, Giám đốc Nguyễn Văn Vụ đã thiết lập và triển khai nhiều biện pháp tổ chức thi công đạt hiệu quả cao, sắp xếp phân giao công việc cho các Tổ, Đội một cách khoa học và hợp lý, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu về an toàn - tiến độ - chất lượng công trình.

Năm 2013, đơn vị 5.06 do Nguyễn Văn Vụ đảm trách đã đạt mức doanh thu xấp xỉ 430 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao 134%, đạt lợi nhuận 36 tỷ đồng vượt 28% so với kế hoạch, nâng mức lương bình quân lên 8,5 triệu đồng/người/tháng. Kết thúc công tác SXKD năm 2014, tổng giá trị sản lượng mà Xí nghiệp 5.06 thực hiện được là 809 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 41 tỷ, bình quân lương người thợ là 8,7 triệu đồng. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy bộ phận kiêm Giám đốc Xí nghiệp, Nguyễn Văn Vụ luôn chỉ đạo sát sao các phòng ban cơ sở và Đội sản xuất phải chủ động phối hợp với Công đoàn thường xuyên quan tâm cải thiện điều kiện ăn, ở và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đồng thời tổ chức tốt chế độ ăn ca cho công nhân.
 
Tôi biết đến Nguyễn Văn Vụ trong dịp đi tác nghiệp tại công trình thủy điện Tuyên Quang, một con người với vẻ ngoài bình dị mộc mạc, thô ráp bởi những năm tháng dãi dầu nắng gió, trường kỳ bám trụ trên những công trường xây dựng, song lại toát ra khí khái tinh thần của một người say mê gắn bó với nghề, luôn cống hiến hết mình vì công việc. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc Anh tìm tòi nghiên cứu và phát minh ra những sáng chế tuy nhỏ nhưng lại vô cùng hữu ích trong việc hợp lý hóa công tác thi công đắp đổ bê tông bản mặt, góp phần tạo ra một công nghệ mới trong việc thi công mặt đập trên Nhà máy. Trong lần gặp lại trên công trường Thủy điện Lai Châu lúc Anh đang phụ trách chỉ huy công tác đổ bê tông CVC khu vực Tổ máy số 1, Tôi tranh thủ hỏi Vụ về công việc của đơn vị và muốn được Anh chia sẻ về những ý tưởng phát kiến mới khi tham gia thi công tại thủy điện Lai Châu. Anh cho biết: “Đơn vị được Ban Điều hành Tổng thầu giao trọn gói công tác thi công toàn bộ phần bê tông của 2/3 tổ máy lớn trong Nhà máy - đây là một công việc quan trọng và phức tạp vì vừa phải thi công với khối lượng lớn đồng thời phải phối hợp tốt với đơn vị lắp thiết bị buồng xoắn và sàn gian máy chính”.

Trên đường từ công trường về lán ở, Vụ kể cho Tôi nghe về những trăn trở của Anh suốt quãng thời gian lăn lộn trên các công trường trước khi tới Thủy điện Lai Châu. Đó là: Xí nghiệp của Vụ chuyên nghề đổ bê tông cho các hạng mục trên toàn Nhà máy, mà đặc điểm thi công bê tông thì bắt buộc phải đục sờm bề mặt khối đổ trước rồi mới được đổ chồng khối sau. Điều kiện thực hiện công việc cũng rất nghiêm ngặt khắt khe, bê tông phải đạt chuẩn theo cường độ quy định (tối thiểu sau 10 giờ đồng hồ) mới được tiến hành đục sờm bề mặt. Loại công cụ chuyên dụng để thực hiện công việc này trước nay đều được đơn vị đặt hàng từ Nhật Bản nhập về. Trung bình một năm đơn vị phải đục sờm số diện tích khoảng 126.000m2, tiêu tốn tới 2.520 búa đục, số tiền chi phí lên đến 5,2 tỷ đồng trong khi phải sử dụng tới 18.000 ca nhân công để thực hiện việc tạo nhám bề mặt bê tông bằng phương pháp thủ công (1 người 1 ngày chỉ đục được 0,5m2), vô cùng tốn kém và phiền phức. Đem theo nỗi canh cánh trăn trở ấy khi đến tham gia thi công công trình Lai Châu với mong muốn hiện thực hóa những ý tưởng phát kiến đã ấp ủ từ lâu, Nguyễn Văn Vụ dù bận bịu suốt ngày đêm cho công tác điều hành và ngày 2 buổi giao ban trên công trường nhưng Anh vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian dành cho việc nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp chế tạo ra một sản phẩm mới dùng để đục sờm bề mặt bê tông thay thế cho loại công cụ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Anh tận dụng những đoạn thép ngắn với đường kính D36 mà công trình không sử dụng để tiện thành mũi búa giống với mẫu nhập ngoại rồi mài nhẵn và tôi nhiều lần ở các mức nhiệt khác nhau, sau đó đưa vào kết hợp với máy tạo nhám có bán trên thị trường, đồng thời còn cải tiến thêm một vài chi tiết để tiện vận hành hơn như bộ chắn cốt liệu không cho bắn vào người vận hành máy, chế thêm công tắc điều khiển để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ hệ thống khi thi công.

Sản phẩm sáng tạo của Nguyễn Văn Vụ đã được chính các lực lượng xây dựng trên công trường Thủy điện Lai Châu đưa vào vận hành ứng dụng ngay sau đó và đã thu được thành công lớn khi có khả năng thay thế sức người vốn dĩ đã lao động thủ công trong một thời gian dài. Sản phẩm mũi búa do Nguyễn Văn Vụ sáng chế có giá thành là 70.000đ/chiếc, tức là rẻ hơn 7 lần so với giá trị 520.000đ của một con búa nhập khẩu, như vậy tính ra một năm đơn vị có thể làm lợi hơn 3,2 tỷ đồng, giảm bớt hàng nghìn ca nhân công nhưng lại nâng mức năng suất lao động lên cao hơn, vừa rút ngắn được tiến độ lại vừa tiết kiệm được 3120m3 bê tông phải đục bỏ đi. Với sáng kiến hữu ích này, Nguyễn Văn Vụ đang được Hội đồng thi đua liên kết gồm đại diện TLĐ Lao động, Ban Thi đua TW và Ban chỉ đạo Nhà nước xem xét phê duyệt khen thưởng./.
Nguyễn Lê Xinh
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 7
  • 4
  • 2
  • 2
lên đầu trang