Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:53

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:53

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 02:23 ngày 18/12/2014

Thanh Thanh - đổi mới để chinh phục thị trường

(Xây dựng) - Suốt những năm 80, 90 của thế kỷ trước gạch men Thanh Thanh chiếm lĩnh thị trường khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD khác, gạch men Thanh Thanh đã phải chật vật chống đỡ lại “cơn bão” hàng Trung Quốc tràn qua. Và nhờ nhanh nhạy đổi mới công nghệ, nắm bắt xu thế thời cuộc mà Thanh Thanh đã “thoát hiểm”, từ từ lấy lại uy danh một thời của mình.

 


Gian hàng giới thiệu sản phẩm.

 

Những bước thăng trầm

Thương hiệu Thanh Thanh ra đời từ năm 1969 do một số người Hoa sáng lập, nhưng thời điểm ban đầu sản phẩm làm ra chất lượng chưa hoàn chỉnh lại làm thủ công nên năng suất rất thấp cộng với thị trường chưa đón nhận, vì vậy mà gặp nhiều khó khăn. Tháng 7/1976 ông chủ của Thanh Thanh lúc ấy quyết định tự nguyện xin quốc hữu hóa và đổi tên là Nhà máy Gạch men sứ Thanh Thanh với 101 CBCN.

Được khoác lên mình một “bộ cánh mới” cùng với tư duy quản lý khác, Cty dần dần củng cố bộ máy quản lý, tổ chức lại sản xuất. Tập thể lãnh đạo và CBCN-LĐ với tinh thần tự chủ, khắc phục khó khăn do chủ cũ để lại, phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao sản lượng, tiếp cận và làm chủ thiết bị, máy móc, kỹ thuật công nghệ. Nhờ thế Thanh Thanh từng bước chuyển mình.

Tuy nhiên, thời điểm đó nền kinh tế của cả nước còn nhiều khó khăn nên khi những dây chuyền sản xuất bị hư thì không có các phụ tùng thay thế, nguyên liệu men dự trữ cạn kiệt. Trước tình hình cấp bách đó, lãnh đạo nhà máy đã động viên CBCNV nhất là đội ngũ kỹ thuật phải gia công các phụ tùng thay thế trong nước và tự chế tạo men tại chỗ để phục vụ kịp thời cho sản xuất. Mặc dù sản lượng các năm tiếp theo có giảm nhưng nhà máy vẫn hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao. Đây là thành quả của sự đoàn kết của tập thể CBCNV Nhà máy Gạch men Thanh Thanh.

 


Toàn cảnh nhà máy gạch men Thanh Thanh tại KCN Biên Hòa 1 - tỉnh Đồng Nai.

Bước chuyển mình đáng kể nhất là việc sát nhập Thanh Thanh về Liên hiệp các xí nghiệp (LHCXN) Vật liệu xây dựng số 1 (nay là TCty FiCO) vào ngày 01/01/1985. Với cơ quan chủ quản mới, sự chỉ đạo của lãnh đạo LHCXN được tập trung, chặt chẽ hơn, cùng cơ chế quản lý kinh tế mới đã tạo điều kiện cho nhà máy từng bước phát triển, đời sống người lao động được nâng lên.

Nhưng những năm 1990 - 1995, một lần nữa thách thức lại đến với Thanh Thanh. Từ một đơn vị chuyên sản xuất theo kế hoạch, làm đến đâu Nhà nước tiêu thụ đến đó, không cần lo đầu ra do vậy Cty cũng không quan tâm nhiều đến việc phát triển thị trường, đến đổi mới chất lượng sản phẩm vì không có sự cạnh tranh. Nhưng nền kinh tế thị trường đã làm đảo lộn mọi thành phần kinh tế. Sản phẩm gạch ngoại nhập của Trung Quốc phong phú về kiểu dáng, giá thành rẻ tràn vào Việt Nam. Thanh Thanh cũng điêu đứng vì phải cạnh tranh và đứng trước sự lựa chọn: Đổi mới hay là chết?

Tự cứu lấy mình

Trước tình hình đó, lãnh đạo TCty FiCO và nhà máy đã quyết tâm phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm cách mở rộng thị trường.

Năm 1991, Cty đầu tư một máy ép SACMI PH550 thay thế cho hai máy ép SACMI PH175 cũ thường xuyên hư hỏng, chất lượng sản phẩm kém, cùng với việc đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, chống lãng phí nên đã giảm giá thành đến mức tối đa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cạnh tranh với hàng ngoại và hàng nhập lậu. Với giá bán ổn định và chất lượng được nâng cao, sản phẩm của Cty đã chiếm lĩnh thị trường và uy tín ngày càng tăng.

 


Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của gạch men Thanh Thanh.

 

Tuy nhiên, thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về mẫu mã mà Cty cứ “trung thành” với một loại sản phẩm gạch ốp tường 110 x 110mm thì rất khó cạnh tranh với hàng nội địa chứ chưa nói đến hàng ngoại nhập. Vì vậy lãnh đạo Cty đã mạnh dạn quyết định phương án đầu tư để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hạ giá thành bởi chỉ có thế mới có thể cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nhưng vốn ở đâu để đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất lại là bài toán khó buộc lãnh đạo Cty phải giải cho được.

Mặc dù có một số đối tác nước ngoài muốn liên doanh nhưng họ đưa ra những điều kiện vô lý như: Loại bỏ những cán bộ chủ chốt là đảng viên, cắt giảm lao động, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng có lợi cho họ… nên Ban giám đốc không thể chấp nhận yêu sách đó. Vì vậy lãnh đạo Cty đã chọn con đường “tự cứu lấy mình” và tìm cách để tự đầu tư. Việc này hết sức mạo hiểm bởi nếu thành công thì có thể làm cho Cty “hóa rồng”, nhưng ngược lại, nếu đầu tư sai cũng có thể đưa Cty xuống vực thẳm. Qua nhiều lần cùng nhau suy tính, TCty FiCO và Cty Gạch men Thanh Thanh đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất gạch men lát nền tự động theo công nghệ mới nung một lần, công suất 1 triệu m2/năm do hãng SITI (Ý) chế tạo. Đây là công nghệ tiên tiến đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Không lâu sau, dây chuyền này đã được Cty nâng công suất lên 2 triệu m2/năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường ở thời điểm ấy đã chứng minh được hiệu quả của quyết định đầu tư táo bạo.

Năm 1999, sản phẩm gạch men ốp tường truyền thống (110x110) không được người tiêu dùng ưa chuộng. Cty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất gạch men ốp tường cao cấp, công suất 1 triệu m2/năm (hãng SITI) thay thế dây chuyền cũ lạc hậu.

Qua hiệu quả của các dự án đầu tư, từ năm 2000 - 2003 nhằm đa dạng hóa sản phẩm, Cty tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền sản xuất granit công suất 1,5 triệu m2 và dây chuyền ốp tường với công suất 1 triệu m2. Việc đi trước đón đầu, cùng với việc lựa chọn những công nghệ hiện đại, tiên tiến khiến thương hiệu gạch men Thanh Thanh ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng vì chất lượng ổn định và giá cả hợp lý. Thanh Thanh trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu và có uy tín về sản phẩm gạch Ceramic, Granit trong cả nước.

Tháng 01/2004, Thanh Thanh được cổ phần hóa với vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Mục tiêu sau khi cổ phần là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. 2 năm sau cổ phiếu Thanh Thanh trở thành đại chúng và thu hút thêm được nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư.

Đổi mới để tồn tại

Vậy nhưng, không phải con đường nào cũng trải hoa hồng và bằng phẳng. Thời điểm ấy, nhà nhà đầu tư dây chuyền ceramic, tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà sản xuất với nhau. Bên cạnh đó, Thanh Thanh lại tự làm mất thị phần của mình do khâu chăm sóc khách hàng và đại lý không được quan tâm, mẫu mã không thay đổi, không quảng bá sản phẩm… khiến cho sức tiêu thụ sản phẩm của Thanh Thanh giảm mạnh.

Cùng với nền kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài khiến mọi sản phẩm VLXD, đặc biệt đối với sản phẩm cùng chủng loại với gạch ốp lát Ceramic như của Cty CP Gạch men Thanh Thanh phải cạnh tranh rất khốc liệt. Với nhận định này, lãnh đạo Thanh Thanh đã xác định, nếu không có những thay đổi, chậm tiếp thu những nhu cầu mới của thị trường, cổ hủ trong quản lý thì chắc chắn khó có thể tồn tại được. Phải tạo được vị thế và phát triển thương hiệu thì mới tồn tại và phát triển được. Để có được điều đó không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Do đó, sau nhiều lần cân nhắc, lãnh đạo Thanh Thanh thống nhất quyết định thay thế nhiên liệu nung từ LPG, DO sang khí đốt thiên nhiên (CNG) và chuyển đổi từ dầu FO sang các nhiên liệu khác cho lò sấy phun các phân xưởng.

 


Dây chuyền sản xuất gạch.

 

Do trên thị trường lúc đó chưa có Cty nào ứng dụng việc nung gạch bằng khí thiên nhiên nên sau 2 năm nghiên cứu, cuối năm 2010 Cty chính thức chuyển đổi sang khí đốt thiên nhiên nên đã tiết kiệm được trên 15% chi phí nhiên liệu. Nhờ thế mà giá thành sản phẩm giảm, năm 2013 Thanh Thanh “thoát hiểm”, có lợi nhuận trước thuế đạt 15,62 tỷ đồng, thu nhập trung bình 5,8 triệu đ/người và cổ đông lại được chia cổ tức 7%.

Bên cạnh đó, gạch men Thanh Thanh còn khẳng định thương hiệu với thị trường bằng cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng các chế độ chính sách bán hàng; ưu đãi, hỗ trợ công tác tiêu thụ đặc biệt tới các đại lý. Cân đối, điều chỉnh sản xuất kinh doanh theo diễn biến của thị trường để giảm hàng tồn kho, khôi phục sản xuất và đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động.

Khi nhắc tới người lao động, ông Hồ Hữu Phước - Chủ tịch Công đoàn Cty khẳng định: Thanh Thanh luôn xem yếu tố con người là tài sản quý giá nhất mang lại thành công vì vậy trong quá trình phát triển, nguồn nhân lực luôn được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay chúng tôi vẫn còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, do đó Cty sẽ phải tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho người lao động trong Cty, cung cấp điều kiện làm việc tốt và chế độ khen thưởng xứng đáng để nhân viên gắn bó và phát huy tối đa năng lực của mình.

Trong một nền kinh tế mà cạnh tranh được coi là linh hồn của thị trường thì doanh nghiệp dẫu là giậm chân tại chỗ cũng là một sự thụt lùi. Bởi vậy trong tương lai, Thanh Thanh xác định tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh. Nghiên cứu tạo sản phẩm mới, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá bán, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong lúc này, Thanh Thanh đang phải tìm mặt bằng thích hợp, thuận lợi về nhiên liệu và năng lượng nằm trong khu công nghiệp tập trung để đầu tư mới, sản xuất các sản phẩm cao cấp phục vụ thị trường kết hợp di dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1 theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Đây chính là một trong những khó khăn của Thanh Thanh trong những năm sắp tới.

 

Ông Phạm Thắng - Chủ DNTN - Đại lý Gạch men Thanh Thanh tại TP.HCM: “Chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với Cty Gạch men Thanh Thanh”

Thương hiệu Thanh Thanh được coi là sản phẩm truyền thống của người dân phía Nam và đây là sản phẩm đảm bảo được quy chuẩn, chất lượng và thương hiệu.

Lý do để DN tôi làm đại lý lâu dài của Thanh Thanh là chất lượng sản phẩm ổn định, đa dạng chủng loại, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng từ những công trình lớn, công trình trọng điểm của rất nhiều địa phương tới công trình dân dụng.

Với nhà phân phối, Thanh Thanh có những chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhất để chúng tôi có thể giảm các khoản chi phí, tăng thu nhập, tạo cảm giác yên tâm. Đặc biệt,trong giai đoạn thị trường xây dựng gặp khó khăn, Thanh Thanh vẫn bám sát thị trường, nắm bắt được thị hiếu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hỗ trợ hệ thống phân phối. Chính những điều này đã khiến cho gạch men Thanh Thanh nhanh chóng lấy lại thị phần sau những khó khăn. Với những ưu điểm trên nên chúng tôi đã hợp tác với Thanh Thanh được hơn 10 năm và chắc chắn sẽ gắn bó lâu hơn nữa.

Là đơn vị phân phối, tôi mong muốn nhà sản xuất có chính sách giá ổn định, thêm nhiều mẫu mã khác để có thêm sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Mong muốn nhà sản xuất chú trọng công tác tuyên truyền để sản phẩm của doanh nghiệp tới rộng rãi người tiêu dùng.

 

Mai Thanh - Hoài Thu

Theo: Báo Xây dựng điện tử

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 5
  • 0
  • 5
  • 6
lên đầu trang