Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:24

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:24

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 02:18 ngày 18/12/2014

Vitaly - hồi sinh sau tái cấu trúc

(Xây dựng) - Còn nhớ 2 năm trước, phát biểu tại lễ tổng kết năm, Tổng giám đốc Cty CP Vitaly Nguyễn Thị Năm đã tha thiết cầu cứu TCty Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO) tìm cách “gỡ” cho Vitaly thoát cảnh bị “chìm xuống đáy hồ”. Vậy mà sau khi “tái cấu trúc tài chính”, 600 con người không những không bị mất việc mà các sản phẩm của Vitaly cũng đang dần lấy lại thị phần và niềm kiêu hãnh một thời của mình.


Showroom giới thiệu hàng.

 

Thời hoàng kim

Sản phẩm gạch bông có mặt trên thị trường từ trước năm 1975 và được Xí nghiệp gạch bông số 1 trực thuộc Cty Vật liệu xây dựng số 1 (tiền thân FiCO bây giờ) tiếp quản và phát triển. Đến năm 1993 xí nghiệp đổi tên là Cty Gạch bông và đá ốp lát số 1. Tuy nhiên,“do sản xuất bán công nghiệp nên năng suất thấp, lại phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của gạch men Trung Quốc khiến nhiều đơn vị sản xuất gạch bông thời điểm đó lao đao”, bà Nguyễn Thị Năm kể lại. Vì vậy năm 1995 Cty đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất gạch Ceramic, công nghệ của Ý, công suất 1 triệu m2/năm. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận nên sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Chưa đầy 3 năm, dây chuyền 1 đã khấu hao xong và trả nợ sớm hơn dự kiến. Năm 1998 Cty lại quyết định mở rộng và đầu tư thêm dây chuyền số 2 nâng công suất lên 2 triệu m2/năm. Đây đúng là thời kỳ hoàng kim của Vitaly, sản phẩm làm ra không đủ để bán, khách muốn mua phải đặt tiền trước. Tại nhà máy người mua, kẻ bán tấp nập, thương hiệu gạch Vitaly lúc này đi khắp mọi miền đất nước bởi rất được ưa chuộng cả về chất lượng lẫn và mẫu mã sản phẩm.

Kinh doanh hiệu quả nên Cty đã quyết định đầu tư thêm 3 dây chuyền nâng tổng công suất của nhà máy lên 6.500.000 m2/năm. Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió, vào khoảng giữa năm 2008 Cty đã thực hiện chủ trương của thành phố quy hoạch mở rộng kênh Tham Lương khiến một phần đất nhà xưởng của Cty ở Q.Tân Bình nằm trong diện quy hoạch nên phải di dời toàn bộ máy móc thiết bị về Bình Dương, do đó sản xuất kinh doanh bị gián đoạn gần 2 năm, công nhân phải chờ việc, hệ thống đại lý bị thiếu hàng. Thời điểm này Vitaly đúng là rơi vào cơn bĩ cực.

 


Một trong 5 dây chuyền sản xuất gạch Ceramic của Sacmic (Ý)

Tìm cách gỡ rối

Với quyết tâm không để mất một doanh nghiệp có thương hiệu vàng, không để sự hy sinh của cán bộ CNVCLĐ Vitaly trong cả một thời gian phải thắt lưng buộc bụng, chấp nhận mức lương thấp, dành đất cất nhà tập thể để làm nhà xưởng, thậm chí nhiều người còn thế chấp nhà cửa lấy tiền cho Cty vay để có vốn lưu động SX, cuối năm 2009 TCty FiCO và ban lãnh đạo Vitaly quyết định phải khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, việc khôi phục lại sản xuất đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Nợ vay ngân hàng lên đến hơn 96 tỷ đồng, do không trả được nên các ngân hàng gần như “đóng cửa” với Cty. Vì không có vốn để mua nguyên liệu nên sản lượng làm ra không nhiều. Lợi nhuận âm trên vốn chủ sở hữu vì phải gánh phần lãi vay quá lớn. Năm 2009, mã chứng khoán VTA bị hủy niêm yết và phải rời sàn Hà Nội sang giao dịch tại sàn UpCom.

Cùng trăn trở với khó khăn của Cty thời điểm đó phải nói đến nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Đức Dũng, ông mất ăn, mất ngủ tìm các phương án làm sao đưa Vitaly thoát hiểm. Việc đầu tiên ông luân chuyển cán bộ bằng việc đưa người am hiểu và tận tâm về Vitaly. Thứ hai ông nghĩ ngay đến phương án tái cấu trúc tài chính.

 


Tổng giám đốc Nguyễn Thị Năm giới thiệu dây chuyền gạch Ceramic Sacmi (Ý)
với ông Nguyễn Phong Nhật - Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối cơ sở Bộ Xây dựng.

 

Năm 2011, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Năm được điều về. Việc đầu tiên bà làm là bôn ba đi tìm các bạn hàng cũ để nối lại thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Mặc dù nền kinh tế trong và ngoài nước rơi vào thời điểm cực kỳ khó khăn nhưng khi biết Vitaly quyết tâm khôi phục lại sản xuất nên các Đại lý truyền thống như: Camphuchia, Thái Lan, Ăngola, Guinea, Iraq, Pakistan, Yemer, Ghana, Reunion… đã vui mừng và sẵn sàng hợp tác trở lại. Các đại lý truyền thống trong nước cũng luôn chờ đợi sản phẩm gạch men của Vitaly, thậm chí nhiều đại lý còn ứng tiền trước cho Vitaly sản xuất. Tuy nhiên, về tài chính thì còn quá nhiều khó khăn.

Lúc bấy giờ có nhiều phương án đưa ra để gỡ rối cho Vitaly như: Một là làm thủ tục phá sản, hai là khoanh nợ, ba là tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Phương án 1 hầu như không nhận được sự tán đồng vì thương hiệu Vitaly đã phải mất nhiều công sức gây dựng trong bao năm và hiện vẫn đang có uy tín trên thị trường. Nếu chỉ vì 96 tỷ đồng nợ ngân hàng mà phải phá sản để mất cả cơ ngơi thì quả là rất xót xa và để thành lập một doanh nghiệp mới thì cũng phải đầu tư mất 600 tỷ đồng. Thấu hiểu nỗi niềm của CBCNV Cty và sự trăn trở của lãnh đạo TCty FiCO, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã chỉ đạo: “Phải cứu Vitaly để giữ thương hiệu của một doanh nghiệp có truyền thống và đảm bảo công ăn việc làm của 600 con người gắn bó với thương hiệu này”.

 


Đầu ra của lò nung dây chuyền của hãng Sacmi (Ý).

 Vậy cứu bằng cách nào trong khi Ngân hàng không cho khoanh nợ? Biện pháp duy nhất là phải tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ của lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo TCty FiCO, cuối cùng HĐQT Vitaly đã tiếp cận được với Cty mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính. Sau khi thuyết phục được DATC vào thăm quan nhà máy, trực tiếp thấy 4 dây chuyền của hãng Sacmi và các thiết bị máy móc khác vẫn chạy gần hết công suất, hàng tồn kho ít nên DATC đánh giá cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Họ cho rằng, nếu tái cấu trúc lại tài chính thì Vitaly sẽ nhanh chóng vượt qua được khó khăn, bởi Cty không chỉ có dây chuyền thiết bị tốt mà còn có nguồn nhân lực ổn định, tâm huyết cùng đội ngũ công nhân lành nghề. Chính vì vậy, ngày 31/5/2013 DATC đã quyết định mua lại khoản nợ phải thu của BIDV tại Vitaly và xóa nợ cho Vitaly với số tiền là 75,367 tỷ đồng. Ngoài việc xóa nợ nhằm xóa âm vốn chủ sở hữu, giúp Vitaly giảm áp lực tài chính, DATC cũng đồng thời chuyển 20 tỷ đồng nợ thành vốn góp cổ phần theo tỷ lệ 1:1, tương đương 2 triệu cổ phần. Như vậy, vốn điều lệ của Vitaly tăng từ mức 60 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của DATC tại Vitaly chiếm 25% vốn điều lệ.

Hồi sinh sau tái cấu trúc

Theo bản cáo bạch năm 2014, doanh thu Cty đã có kết quả khá ấn tượng, năm 2013 đạt 253,678 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 50,6 tỷ đồng đã khắc phục được âm vốn chủ sở hữu.

Mới đây, Vitaly lại nhận được tin vui, Ngân hàng BIDV Bình Dương đã tin tưởng và ký hợp đồng tín dụng với Vitaly. Điều này minh chứng rằng ngân hàng đã đánh giá cao cũng như tin tưởng vào sự phát triển của Vitaly, giúp Cty chủ động được nguồn vốn trong kinh doanh. Hiện nay 5 dây chuyền thiết bị của Cty đều chạy 80% công suất thiết kế, thị trường xuất khẩu chiếm 25%, thị trường trong nước ngày càng được mở rộng. Phân khúc thị trường mà Vitaly đang nhắm vào là đối tượng cấp trung. Sang năm 2015, ngoài việc phát triển sản phẩm chủ lực, Cty sẽ đầu tư theo chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thêm các dòng sản phẩm cao cấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vitaly lúc này được ví như người thoát chết đuối bởi nhờ có tấm phao để tự bơi vào bờ.

Gương mặt bà Năm giờ đã tươi hẳn. Khi thấy chúng tôi tỏ ý ngưỡng mộ sự “chèo lái” của người “thuyền trưởng”, bà Năm liền lắc đầu, xua tay: “Nếu không có sự hỗ trợ tích cực của DATC và BIDV thì chúng tôi không thể làm gì được. Những khoản nợ trước đây như sợi dây thừng bó chặt chúng tôi. DATC và BIDV là người mở sợi đó cho chúng tôi. Vitaly có được kết quả như hiện nay là nhờ vào sự hà hơi tiếp sức của họ. Vì thế CB - CNV và người lao động ở Vitaly luôn tự nhủ, phải làm thật tốt, làm hết sức mình để không phụ lòng tin mà DATC và BIDV đã gửi gắm cho chúng tôi”.

Ông Nguyễn Đức Dũng – Cục trưởng Cục công tác phía Nam, nguyên Tổng giám đốc FICO: “Vitaly phải có đủ nội lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”

Tái cấu trúc tài chính thành công ở Vitaly cho thấy vai trò rất lớn của Nhà nước. Bằng việc mua bán phần nợ của Vitaly, khiến cho một thương hiệu không bị mai một, người lao động không mất việc, doanh nghiệp được phục hồi để sản xuất. Niềm tin của người lao động, của người dân về chính sách mua bán nợ của Nhà nước vì thế mà tăng lên. Vitaly đã định hướng đúng khi lựa chọn cho mình bước đi phù hợp. Nhưng quan trọng hơn là câu chuyện sau tái cấu trúc. Bởi năm 2015 khi hàng rào thuế quan ASEAN bãi bỏ, hiệp định TPP thành công, Vitaly phải có đủ nội lực để cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước và các nước trên thế giới.

Ông Phạm Đức Sơn - Giám đốc Cty TNHH TMDV Hà Thịnh Phát, nhà phân phối độc quyền các sản phẩm gạch men của Vitaly: “Gạch men Vitaly bóng, bền, đẹp theo thời gian”

Là nhà phân phối gắn bó với Vitaly từ thời kỳ đầu nên chúng tôi hiểu tính ưu việt về chất lượng cũng như mẫu mã của Vitaly. Nếu khách hàng đã sử dụng sản phẩm của Vitaly thì luôn hài lòng và lần sau vẫn tiếp tục tin tưởng sử dụng bởi sản phẩm của Vitaly có xương rất cứng, men không bị phai, bóng bền đẹp với thời gian. Mặt khác, chúng tôi gắn bó với Vitaly mấy chục năm cũng bởi uy tín và chất lượng của thương hiệu. Kể cả lúc Vitaly gặp khó khăn chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ vật chất và tinh thần để cùng Cty khôi phục lại sản xuất. Có những lúc Vitaly gặp khó khăn về vốn, chúng tôi đã sẵn sàng ứng trước vốn để Cty sản xuất vì một niềm tin mà khách hàng đã dành cho sản phẩm mang thương hiệu Vitaly. Trước sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm cùng loại với lợi nhuận cao hơn nhưng chúng tôi vẫn đặt chất lượng lên hàng đầu, không ham giá rẻ để đánh mất thương hiệu và luôn coi trọng chữ tín trong kinh doanh. Khi Vitaly có chính sách hỗ trợ về cước vận chuyển cho nhà phân phối, thì chúng tôi cũng hỗ trợ lại cho các cửa hàng bán lẻ để họ cùng đồng hành đưa sản phẩm của Vitaly ra thị trường. Hiện chúng tôi có hơn 200 đại lý, cửa hàng bán lẻ các sản phẩm gạch men của Vitaly trên địa bàn Q.12, huyện Củ Chi, Hóc Môn - TP.HCM và một số tỉnh miền Tây. Trung bình mỗi tháng chúng tôi bán được trên 20.000m2, có lúc cao điểm lên tới 30.000 – 40.000m2 mỗi tháng.

Vì vậy, các Nhà phân phối gạch men Vitaly đều khẳng định: Vitaly là chất lượng.

Cao Cường (ghi)

 

Người thủ lĩnh của Vitaly

Nhắc đến Vitaly không thể không nhắc đến người thủ lĩnh đương nhiệm Nguyễn Thị Năm. Là thế hệ lãnh đạo thứ 9 của Vitaly nhưng là người nắm rất rõ chuyện kinh doanh, chuyện kỹ thuật của Cty vì bà có tới 12 năm làm cán bộ kỹ thuật tại đây. Được sự tín nhiệm của Ban Tổng giám đốc FiCO, dám chấp nhận ngồi lên “ghế nóng” và bình tâm lèo lái con thuyền Vitaly qua bão táp để cập bến an toàn. Bà giản dị chia sẻ: Khi được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo nếu mình buông tay là có tội với Đảng, với người lao động vì bao nhiêu vốn liếng nằm trong đây nên cứ cố hết sức có thể.

Về Vitaly năm 2011, bà xắn tay ngay vào việc phục hồi lại thị trường nước ngoài. Sang các nước bà rất bất ngờ và xúc động vì thấy Vitaly dù không có hàng để bán nhưng bảng hiệu của Cty vẫn được các bạn hàng treo không chỉ ở những đường phố lớn mà cả trong những con hẻm. Vì vậy bà đã kiên nhẫn thuyết phục đối tác và gửi hàng mẫu sang chào. Hầu hết 9 thị trường cũ đã được mở lại vì họ vẫn tín nhiệm chất lượng Vitaly. Đối với thị trường trong nước bà cũng quan tâm, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và đại lý để có được sự điều chỉnh phù hợp trong kinh doanh.

Cuối cùng công sức của bà cũng được đền đáp nhưng bà vẫn khiêm nhường: Nếu không có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và nếu không có một tập thể Vitaly đoàn kết, yêu thương, gắn bó thì không có được Vitaly như ngày hôm nay.

 

Bùi Hiền - Cao Cường

Theo: Báo Xây dựng điện tử

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 6
  • 5
  • 8
  • 2
lên đầu trang