Theo ông Trần Văn Lý, với những ý kiến đóng góp và những đề xuất được nêu ra tại Hội nghị các tổ chức CĐ quốc tế tài trợ cho CĐVN (TUSSO) lần thứ 4 năm 2012 (TUSSO được tổ chức 2 năm/lần) tại Hà Nội, hoạt động của các dự án và chương trình hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tổ chức CĐ các nước và các tổ chức quốc tế khác đã được tăng cường và đi vào chiều sâu, thực chất hơn, mang lại hiệu quả thiết thực đối với CĐVN. 

Trong 2 năm qua, CĐVN tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính từ ILO; tổ chức CĐ các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan; các nước Đức, Mỹ, Singapore, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc; các tổ chức CĐ ngành quốc tế: CĐCN và sản xuất toàn cầu (IndustriALL), CĐ Gỗ và Xây dựng quốc tế (BWI), Mạng lưới CĐ quốc tế (UNI); các tổ chức phi chính phủ: Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và viện trợ hải ngoại (APHEDA), Viện Friedrich Ebert Stifftung (FES)…

Các dự án, chương trình hợp tác do các tổ chức quốc tế tài trợ chủ yếu tập trung vào các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho CBCĐ các cấp, đặc biệt là CĐCS khu vực ngoài nhà nước về kỹ năng hoạt động CĐ, để tổ chức CĐ thực sự là chỗ dựa vững chắc của NLĐ, đồng thời nâng cao vị thế của mình. 

Đó là những kỹ năng về thương lượng tập thể, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, giải quyết tranh chấp, bình đẳng giới, tư vấn pháp luật, ATVSLĐ… 

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án, CBCĐ còn được nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về các vấn đề như LĐ di cư, tiêu chuẩn LĐ quốc tế, tác động đối với CĐ và NLĐ khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Một trong những kết quả cụ thể của các chương trình này trong 2 năm qua là đã xây dựng được bộ tài liệu chuẩn đào tạo cho các CB CĐCS. 

Các hoạt động trên được ông Trần Văn Lý đánh giá “là những hỗ trợ kỹ thuật quý báu của các tổ chức quốc tế, góp phần để CĐVN đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI của CĐVN đã đề ra”.

Cam kết tiếp tục hỗ trợ cho CĐVN

Tại hội nghị lần thứ 5 năm 2014 này, các đại biểu, các nhà tài trợ đã được cập nhật về kết quả và Nghị quyết ĐH XI CĐVN, về tình hình KTXH hiện nay của VN, Hội đồng Tiền lương quốc gia - vai trò của tổ chức CĐ; nghe thông báo về tổng quan công tác đào tạo của Tổng LĐLĐVN cũng như báo cáo về tình hình hoạt động hợp tác của các CĐ ngành quốc tế với CĐVN. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được chia sẻ những kết quả khảo sát của TUSSOs và CĐ ngành toàn cầu (GUFs); những cơ hội, thách thức mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Hiệp định Thương mại tự do, biến đổi khí hậu, sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức và các hoạt động quốc tế khác…

Để vượt qua những thách thức này, đòi hỏi kỹ năng hoạt động của CBCĐ cũng như trình độ hiểu biết của NLĐ phải được nâng lên đáng kể. Bà Anandalakshmi Vaidhiyamathan - Thư ký CĐVC quốc tế khu vực Châu Á (PSI) - cho rằng, hội nhập quốc tế đặt nhiều áp lực với CĐVN cũng như NLĐ trên toàn thế giới.

 Ngoài ra, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng không chỉ tác động đến cư dân vùng chịu thiên tai, mà nhìn một cách tổng thể, nó còn tác động đến đời sống của CNLĐ ở khắp nơi trên thế giới. Vì thế, muốn phát triển đoàn viên một cách bền vững, cần nghiên cứu đưa những khái niệm mới này vào trong TƯLĐTT của NLĐ” - bà Anandalakshmi Vaidhiyamathan nhấn mạnh.

Trên cơ sở những thông tin được cập nhật và chia sẻ tại hội nghị, phần lớn đại diện TUSSOs/GUFs đã cam kết tiếp tục hỗ trợ cho CĐVN trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để tránh hỗ trợ chồng chéo, mỗi tổ chức sẽ có một mục tiêu riêng. Về phía Tổng LĐLĐVN, với hội nghị lần này, mong muốn các nhà tài trợ hỗ trợ để hoàn thiện bộ tài liệu chuẩn quốc gia 2015 cũng như kế hoạch dài hạn và chiến lược đào tạo; tăng cường nguồn lực cho các công tác trọng tâm (phát triển đoàn viên, đào tạo, TƯLĐTT…); công tác vận động chính trị nhằm tăng cường tính dân chủ trong hệ thống TLĐ và phê chuẩn các công ước LĐ cơ bản…

Nguồn: Báo lao động