Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:01

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:01

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 09:47 ngày 20/07/2014

Tự hào vì từng làm cán bộ công đoàn


Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc của các vị nguyên là cán bộ CĐ
chủ chốt Trung ương và các địa phương.

“Tôi từng được giao nhiều nhiệm vụ, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau nhưng những năm tháng làm công đoàn (CĐ) là khoảng thời gian tôi sẽ nhớ mãi. Có lúc tôi đã xin trả lại quyết định bổ nhiệm mới, chấp nhận quyết định kỷ luật vì không thể rời được công tác CĐ” – Là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thân – Nguyên Ủy biên Ban thư ký TLĐ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – tại buổi họp mặt cán bộ CĐ qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 85 ngày thành lập Công đoàn Việt Nam do Đoàn Chủ tịch TLĐ tổ chức vào sáng ngày 19.7

Ngày đoàn viên

 

Gần 100 đại biểu về dự buổi họp mặt, có người đã ngấp nghé tuổi 90, có người đã yếu, đi phải có người dìu nhưng trên khuôn mặt của mỗi người đều thường trực nụ cười. “Hường ơi, Hướng nè”, “Tôi mừng vì anh vẫn khỏe”, “Khi nào tôi khỏe thì tôi ra Khánh Hòa thăm anh”, “Má nhớ con không”… Mọi người chào nhau thân tình như những người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại. Thân thương và trìu mến.

Má Hai Tổng (Tên gọi thân mật của bà Lê Thị Phú, nguyên Chủ tịch LĐLĐ Bến Tre) năm nay đã 84 tuổi nhưng tác phong vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Má lúc nào cũng cười, má nói, gặp lại được chị em, má vui nên má khỏe hẳn ra, đi mấy tầng lầu, tham quan trường đại học Tôn Đức Thắng nhưng má không thấy đau chân. Má nghỉ hưu từ năm 1990 nhưng bây giờ, không làm CĐ đã hơn 20 năm nhưng giờ gặp lại, ai cũng nhận ra má, hỏi thăm và vui mừng khi má vẫn khỏe. Má bảo: “Cái tình của người làm CĐ nó vậy. Những người lúc nào cũng nghĩ cho người khác, nghĩ cho người lao động, công nhân, xem lợi ích của anh chị em công nhân là lợi ích của mình, vì cái điểm chung ấy nên thương quý nhau”.

Là một trong những cán bộ CĐ còn đương chức tham dự buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM xúc động nói: “Tham gia buổi họp mặt, được gặp nhiều cô chú, anh chị là cán bộ CĐ qua các thời kỳ, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn quan tâm đến tổ chức CĐ, quan tâm đến người lao động càng khiến những người cán bộ CĐ như chúng tôi phải cố gắng hơn”.

“Thế hệ bây giờ làm được nhiều điều hay lắm!”


Nhiều đại biểu còn bảy tỏ sự hài lòng khi nghe đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo những kết quả hoạt động CĐ trong thời gian qua. Đặc biệt phong trào CĐ ngày càng hướng về cơ sở, thiết thực và gần gũi với người lao động. “Chương trình “Tháng công nhân” là một một ví dụ điển hình khi có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm gốc đã mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Qua chương trình này, CĐ càng thể hiện tốt vai trò chăm lo, đại diện của mình đối với đoàn viên, công nhân, người lao động” – Bà Trinh Thi Kim Liên, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương nói.
Là nhận xét của ông Nguyễn Đình Thắng – Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi nói về những chương trình mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thực hiện. “CĐ thành lập nghiệp đoàn nghề cá, các chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa”, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” là những chương trình có ý nghĩa rất quan trọng, to lớn. Các chương trình này đã làm cho nhân dân cả nước sát cánh với nhau, bảo vệ vùng biển, bảo vệ ngư trường của Việt Nam không còn là việc của riêng ngư dân nữa mà là của cả dân tộc” – Ông Nguyễn Đình Thắng, xúc động nói.

Cũng trong buổi gặp mặt, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi hiện nay có nhiều cán bộ CĐ chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với công nhân, người lao động, cán bộ CĐ cơ sở còn yếu. “Người cán bộ CĐ là người đại diện cho đoàn viên CĐ chứ không phải lãnh đạo đoàn viên. Phải xác định rõ điều đó, phải luôn đặt câu hỏi đã làm được gì cho đoàn viên, làm được gì để mang lại lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động” – Ông Thắng nói. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, hoạt động CĐ hiện nay hướng về cơ sở là đúng nhưng CĐ cấp trên phải làm sao để CĐ cơ sở thể hiện được chức năng, vai trò của tổ chức CĐ. Những vấn đề CĐ cơ sở không giải quyết được thì CĐ cấp trên phải giải quyết, phải đào tạo cán bộ CĐ cho cơ sở. “Hướng về cơ sở không phải là dồn hết cho cơ sở” – Ông Thắng nhấn mạnh.

“Tổ chức CĐ may mắn vì có các Cô Bác, Anh Chị”


“Mặc dù các cô bác, anh chị đã về hưu nhưng vẫn luôn quan tâm đến hoạt động, phong trào CĐ, đóng góp ý kiến cho những thiếu sót của cán bộ CĐ, đó là điều may mắn cho tổ chức CĐ và cũng là cái tình mà không phải nơi nào cũng có được. Một điều may mắn nữa đó chính là tinh thần đoàn kết, trên dưới, trước sau như một của các thế hệ làm CĐ Việt Nam qua các thời kỳ, đó cũng chính là yếu tố giúp cho hoạt động, chương trình của tổ chức CĐ thuận lợi, nhận được sự đồng thuận cao của đoàn viên, công nhân lao động cả nước. Chúng ta quyết tâm sẽ giữ vững và phát huy tốt truyền thống đó”- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh

Cái gốc để hoạt động CĐ mạnh là cơ sở (Cô Nguyễn Thị Thân - Nguyên Ủy viên Ban Thư ký TLĐ):


Tôi xuất thân là thư ký CĐ ở doanh nghiệp, sau đó được Tổng CĐ Việt Nam gửi sang Liên Xô đào tạo về CĐ. Nếu không được cấp trên quan tâm thì những cán bộ CĐ cơ sở như tôi khó có cơ hội nào tốt hơn để phát triển. Tôi rất tán thành việc thông qua phong trào công nhân để tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng đội ngũ CĐ là rất đúng đắn. Những cán bộ trưởng thành từ cơ sở, họ không những say mê mà còn rất thực tế. Cái gốc để hoạt động CĐ mạnh là cơ sở, đó là nơi gần gũi với công nhân. Nếu CĐ cấp trên đóng vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chế độ chính sách cho công nhân, người lao động thì cơ sở chính là nơi thực hiện.

Luôn quan tâm đến hoạt động CĐ (Ông Võ Lâm Phi - Nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa):

 


 "Tôi nhận nhiệm vụ là Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa từ năm 1989 – 1996, sau đó chuyển sang làm công tác Đảng, chính quyền nhưng tôi lúc nào cũng quan tâm đến hoạt động CĐ. Tôi thấy hài lòng vì những việc mà thời gian vừa qua tổ chức CĐ Việt Nam đã làm được như góp ý sửa đổi các luật thiết thân với người lao động như Luật Công đoàn, Bộ Luật Lao động 2012, và đặc biệt là sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc giữ lại Điều 10 trong Hiến pháp là một thành công lớn của tổ chức CĐ".

Nguồn: laodong.com.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 6
  • 8
  • 5
  • 9
lên đầu trang