Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 16/04/2024 | 11:58

Thứ ba, 16/04/2024 | 11:58

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Cập nhật lúc 02:52 ngày 26/03/2014

Công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuối tháng 11/1953, lòng chảo Điện Biên đã ngập tràn các sắc lính của quân đội Pháp. Bộ chỉ huy Pháp đã tập trung tại đây 10 tiểu đoàn bộ binh và lính dù cùng nhiều đơn vị pháo binh, công binh, thiết giáp và không quân, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh với tham vọng tiến hành một trận quyết chiến với chủ lực đối phương nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho Pháp.

Ngày 5/12, các lực lượng chiếm đóng Điện Biên Phủ và Lai Châu thống nhất tổ chức thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GOMO) do tướng Gin chỉ huy. Ngày 6/12, Nava (Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương), tướng Cô nhi (Chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ) quyết định rút bỏ Lai Châu, dồn quân về Điện Biên Phủ. Đờ Cát thay Gin chỉ huy GOMO. Qua nhiều lần lên thị sát Điện Biên Phủ, Nava tuyên bố chấp nhận cuộc giao chiến với chủ lực của tướng Giáp ở Điện Biên Phủ và “quyết giữ Điện Biên Phủ bằng mọi giá”.

 

 Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Về phía ta, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm, kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Về tình hình địch và phương hướng chiến dịch, phương án tác chiến của Tổng quân ủy ghi rõ: “ Tuy hiện nay chưa thể khẳng định, nhưng muốn bảo đảm thực hiện được quyết tâm của Trung ương ta và bạn (Lào) là tiêu diệt địch và giải phóng vùng Lai Châu- Phong Xa Lỳ cho đến Luông Phra băng trong Đông Xuân thì phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị. Trong trường hợp này, trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi lớn”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, về binh lực ta sẽ sử dụng 9 trung đoàn  bộ binh và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không với tổng số là 35.000 người. Nếu tính cả Bộ chỉ huy chiến dịch khoảng 1.800 người và 4.000 tân binh bổ sung (sẽ đưa lên làm hai đợt) thì quân số ở hỏa tuyến là gần 41.000, chưa kể dân công).

 

 Mở đường vào Điện Biên Phủ.

Ở trung tuyến (từ Sơn La trở về) số quân phải bố trí để bảo vệ tuyến cung cấp là 1.700 người, như vậy số quân của toàn chiến dịch là gần 43.000 người. Về thời gian điều động, Tổng quân ủy dự kiến là 45 ngày, tùy tình hình thay đổi, có thể rút ngắn hơn. Về dân công, kế hoạch huy động từ trung tuyến trở lên khoảng hơn 14.000, chưa kể số dân công ở hậu phương do các Hội đồng cung cấp mặt trận sử dụng, điều động. Thời gian phục vụ trên dưới 3 tháng. Về bảo đảm hậu cấn, số lượng gạo từ trung tuyến trở ra cần 4.200 tấn và 100 tấn rau khô, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Về vũ khí, cần 300 tấn đạn, chủ yếu là đạn pháo lớn.

 

 Đoàn xe thồ vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Phủ.

Tổng quân ủy đặc biệt kiến nghị với Bộ Chính trị về công tác làm đường và sửa đường, vì hiện các con đường cần cho chiến dịch đều rất xấu. Sau khi nghe báo cáo của Tổng quân ủy, phân tích tình hình các mặt, Bộ Chính trị kết luận: “ Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu cơ bản là bị cô lập mọi việc tiếp viện tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về tảng bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cải cách ruộng đất, sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định bảo đảm cung cấp cho chiến dịch”.

 

Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh “ Trần Đình” và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy. Bộ Chính trị ra nghị quyết thành lập Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch làm Bí thư Đảng ủy. Giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch nói “ Tướng quân tại ngoại… giao cho chú toàn quyền quyết định. Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh…” Dưới ánh sáng tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ráo riết, khẩn trương chuẩn bị cho ngày N, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn.

Nguồn: baotanglichsu.vn


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 1
  • 9
  • 1
  • 1
  • 3
lên đầu trang