Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:14

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:14

Tư vấn pháp luật

Cập nhật lúc 10:34 ngày 26/03/2014

Quyền từ chối làm việc nếu thấy nguy cơ mất an toàn

Câu hỏi : Chúng tôi làm công nhân cho một công ty xây dựng. Trong quá trình xây dựng khách sạn, khi xây lên tầng 2 chúng tôi thấy dàn giáo bị nghiêng, có nguy cơ xảy ra TNLĐ rất nguy hiểm, chúng tôi đã báo với quản đốc. Vì chưa xử lý được, nên chúng tôi nghĩ, không tiếp tục thi công tại đó nữa. Quản đốc cho rằng chúng tôi đã vi phạm kỷ luật lao động và sẽ trừ lương của chúng tôi vì đã rời bỏ vị trí làm việc mà chưa được sự đồng ý của quản đốc. Xin hỏi theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này chúng tôi có vi phạm kỷ luật không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 140 BLLĐ năm 2012 về xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp thì:
- Trong xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
+ Xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức diễn tập;
+ Trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động;
+ Thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.

Tại chương 3, mục 1, điều 14, Nghi định 45/2013 NĐ-CP; ngày 10/5/2013 quy định: Đối với nơi làm việc có các yếu tố nguy hiểm, có hại có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
- Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại; đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động;
- Tổ chức đo lường các yếu tố có hại ít nhất 01 lần trong một năm; lập hồ sơ lưu giữ và theo dõi theo quy định pháp luật;
- Trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động;
- Xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức đội cấp cứu tại chỗ theo quy định pháp luật; đội cấp cứu phải được huấn luyện kỹ năng và thường xuyên tập luyện.
Căn cứ Nghị định 95/2013 NĐ-CP; ngày 22/8/2013, tại điểm b khoản 1 Điều 16  người sử dụng lao động đã vi phạm quy định về về an toàn lao động, vệ sinh lao động; và sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau: Không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

Như vậy, việc dàn giáo bị nghiêng có nguy cơ nguy hiểm, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người lao động, nên việc người lao động từ chối công việc, rời bỏ vị trí làm việc trong trường hợp nêu trên không bị coi là vi phạm kỷ luật, công ty phải trả đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc đó và yêu cầu người sử dụng lao động phải khắc phục hậu quả khu vực nguy hiểm tại nơi làm việc của người lao động./.

Văn phòng Tư vấn pháp luật CĐXDVN

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 3
  • 8
  • 5
  • 9
lên đầu trang