Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 24/04/2024 | 13:16

Thứ tư, 24/04/2024 | 13:16

Thời sự

Cập nhật lúc 08:49 ngày 10/09/2013

Nghiệp đoàn Nghề cá - Gắn kết sức mạnh giúp ngư dân vươn khơi bám biển

Quảng Ngãi là tỉnh có chiều dài bờ biển 131 km, trong đó có 6 huyện có biển. Số lượng tàu cá có công suất trên 90 CV là 1.686 chiếc, chủ yếu khai thác hải sản ở các ngư trường xa; sản lượng đánh bắt hàng năm đạt bình quân gần 100 nghìn tấn. Trong những năm qua Công đoàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức thí điểm thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Theo báo cáo từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây, ngư dân Quảng Ngãi luôn bị tàu lạ đe dọa, bắt giữ thuyền viên; tịch thu, phá huỷ tàu thuyền và thuỷ hải sản, làm cho người đi biển hoang mang, lo lắng, nhiều ngư dân bị mất trắng tài sản, phương tiện làm ăn, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xây dựng kế hoạch thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá, trong đó xã An Hải, huyện Lý Sơn được chọn là đơn vị đầu tiên thí điểm của tỉnh Quảng Ngãi và cả nước.

Để triển khai tốt công tác này, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá gồm 20 thành viên, trong đó đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh làm Trưởng ban cùng các thành viên đại diện cho Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, Bộ đội Biên phòng và các sở, ngành liên quan.

 

 

 Đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá tại xã An Hải, Lý Sơn, chuẩn bị ra khơi  (Ảnh: thanhnien.vn)

Ban Chỉ đạo đã tiến hành khảo sát tàu thuyền, tình hình ngư dân và hành trình khai thác, đánh bắt của ngư dân để xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền. Đối với các chủ tàu và ngư dân, Ban chỉ đạo đã phân công các thành viên gặp gỡ các chủ tàu, ngư dân để tuyên truyền về tổ chức Công đoàn Việt Nam, về sự cần thiết phải thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá và tính thiết thực của việc gia nhập Nghiệp đoàn. Song song với công tác này, LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng các hình thức thông qua báo, đài, hệ thống các đồn Biên phòng, lực lượng truyền thanh của xã; in, phát tờ rơi... nhờ đó bà con ngư dân tiếp cận và nắm được nhiều thông tin và tự nguyện làm đơn xin gia nhập Nghiệp đoàn.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 15/9/2011, Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn được thành lập với 428 đoàn viên của 35 tàu thuyền, đạt và vượt kế hoạch dự kiến ban đầu của Ban chỉ đạo. Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải ra đời trong sự nô nức, hân hoan của bà con ngư dân, nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, đơn vị và các tổ chức trong, ngoài tỉnh, đặc biệt là hệ thống tổ chức Công đoàn trong cả nước.

Sau gần 2 năm hoạt động, Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải bước đầu đã phát huy được hiệu quả, có nhiều hoạt động thiết thực thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là ngư dân. Với những kết quả ban đầu, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo cho LĐLĐ các huyện có biển xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá tại địa phương mình. Đến cuối năm 2012, đã thành lập thêm được 5 Nghiệp đoàn, nâng tổng số Nghiệp đoàn Nghề cá của tỉnh là 6, với trên 2.000 đoàn viên.

Mô hình hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá còn rất mới, chưa có tiền lệ của tổ chức Công đoàn. Do vậy, để duy trì và phát triển Nghiệp đoàn Nghề cá là vấn đề rất khó khăn. Xác định được vấn đề này, ngay sau khi thành lập, LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi đã hướng dẫn các Nghiệp đoàn xây dựng Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ trong Ban Chấp hành, thành lập các tổ Nghiệp đoàn và hướng dẫn ra khơi theo tổ, đội để tăng cường đoàn kết, sức mạnh trên biển; xây dựng chương trình hoạt động hàng tháng, quý, năm và thực hiện công tác thông tin báo cáo kịp thời cho LĐLĐ huyện và tỉnh. Thông qua đó giúp cán bộ Công đoàn các cấp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, của Nghiệp đoàn để đề đạt lên cấp trên có hướng hỗ trợ, giải quyết.

Bên cạnh đó, nhằm trang bị kiến thức cho cán bộ Nghiệp đoàn, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng nội dung tập huấn phù hợp với tính chất hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá và ngư dân. Sau đó giao cho LĐLĐ các huyện chủ trì tổ chức tập huấn cho cán bộ và đoàn viên Nghiệp đoàn. Đến nay có 85% cán bộ Nghiệp đoàn và 50% đoàn viên được tham gia các lớp tập huấn, thông qua đó đã góp phần trang bị những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ công tác công đoàn, về Luật Biển của Việt Nam, về tình hình biển đảo hiện nay và về trách nhiệm, quyền lợi của ngư dân khi khai thác và đánh bắt trên biển ...

Đặc biệt từ khi Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình" vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa cũng được phát động. Chương trình đã được đông đảo nhân dân, các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp và công nhân, viên chức, lao động nhiệt tình hưởng ứng tham gia. LĐLĐ tỉnh đã triển khai đến các cấp Công đoàn và thông qua các diễn đàn kêu gọi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ủng hộ cho Chương trình bằng việc nhắn tin qua Tổng đài 147 (nay là Tổng đài 1407). Qua báo cáo của các cấp Công đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Quảng Ngãi đều có ít nhất một tin nhắn ủng hộ Chương trình.

Không dừng lại ở đó, LĐLĐ tỉnh đã vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ trực tiếp cho ngư dân và Nghiệp đoàn như: phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh Quảng Ngãi) hỗ trợ cho 1 ngư dân 200 triệu đồng để đóng mới tàu thuyền, Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn và LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ cho các Nghiệp đoàn Nghề cá 150 triệu đồng…

Mặt khác, LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi cũng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối của ngư dân với Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” để kịp thời hỗ trợ, giúp bà con yên tâm ra khơi bám biển, trong đó thực hiện tốt việc thẩm định, thẩm tra, xác nhận thực trạng, hướng dẫn lập hồ sơ để đề nghị xem xét hỗ trợ cho bà con đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua ngư lưới cụ, hỗ trợ cho đoàn viên Nghiệp đoàn bị tai nạn, rủi ro trên biển, gia đình đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ...

Để đảm bảo cho các Nghiệp đoàn hoạt động, LĐLĐ tỉnh đã đề nghị và được Chương trình "Tấm lưới Nghĩa tình" hỗ trợ kinh phí trang bị nhiều phương tiện làm việc cho Nghiệp đoàn như: Máy vi tính, Máy I.Com (máy thu phát vô tuyến sóng ngắn MF/HF) và thiết bị Trạm bờ (trạm thông tin liên lạc dùng sóng HF tầm xa) để kết nối đất liền với tàu cá khi đi đánh bắt xa bờ nhằm thông báo cho ngư dân tránh bão, tránh nạn, cứu nạn, cứu hộ. Đây là phương tiện cần thiết cho phương thức hoạt động hết sức đặc thù của ngư dân thường xuyên đánh bắt ở ngư trường xa.

Có thể nói, Nghiệp đoàn Nghề cá vừa là nơi gắn kết, tạo sức mạnh giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế biển, giữ gìn môi trường sinh thái, vừa góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng chính là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, mang ý nghĩa xã hội và chính trị sâu sắc, thực sự là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân./.

Theo: ĐCSVN

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 9
  • 4
  • 5
  • 3
  • 6
lên đầu trang